Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

tuổi 20 hèn

Nếu chênh vênh là một mốc thời gian của cuộc đời thằng đàn ông, tôi sẽ nói nó nằm ở con số 20. Tuổi 20, khái niệm đánh đổi bắt đầu xuất hiện và ngày một rõ hơn. Tuổi 20, bấp bênh cả học tập lẫn công việc. Và cũng ở tuổi 20, thơ mộng, mân mê dáng kiều nhưng lại chả có dũng khí để theo đuổi người ta khi không có gì trong tay. 



Tôi nói tuổi 20 hèn. Hèn với bản thân và với người khác. Lòng sĩ diện đi đôi với áp lực đè nặng lên vai của mấy thằng sinh viên vừa học vừa làm, chỉ để bằng vai phải lứa, để chứng minh bản thân không vô dụng và để lo cho người thương. Người xưa gọi đây là món nợ tang bồng, chí trai phải đầu đội trời chân đạp đất, ý chỉ hoài bão lớn. Nhưng có lẽ, những chàng trai đôi mươi thế kỷ 21 không có được như ông cha ta ngày xưa. Có gì đó hèn hơn và yếu đuối hơn thì phải. Sự thật là, ở cái tuổi này, mấy ông con trai bắt đầu nếm trải những sự đánh đổi đầu tiên trong cuộc đời. Có những người thay vì đuổi theo bóng hồng thì lựa chọn sự nghiệp, người thì chuyên tâm học hành thi cử, người thì mặc kệ cho tương lai ra sao, tuổi thanh xuân phải cháy hừng hực với những mối tình dở dang cái đã. Nhưng suy cho cùng, dù chọn con đường nào, những chàng trai cũng phải cân đo đong đếm rất nhiều, cũng dằn vặt suy tư và cũng có những hối hận muộn màng. 



Tôi có một ông bạn suýt chia tay ngày hôm nay cũng vì những suy tư, cân đo đong đếm ấy. Chả là anh bạn này cảm thấy mình vô dụng trong mối tình hơn nửa năm, đơn giản vì sự so sánh vô hình của bản thân với chính người bạn gái của mình. Cô gái kia là một cô gái bình thường như bao người con gái khác, học tập và đi làm thêm cùng một lúc, trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Cậu này là chàng sinh viên hiện đang loay hoay trong cuộc sống như bao chàng trai đôi mươi bây giờ. Mấu chốt của vấn đề nằm ở cái tính sĩ diện và trách nhiệm của thằng đàn ông tầm tuổi này. Cậu ấy lo nghĩ về tương lai, và luôn tự trách mình vô dụng khi không kiếm nổi một công việc phù hợp để lo cho cô bạn gái, và vô hình chung tạo ra một đám mây âm u lảng vảng quanh đầu mấy ngày hôm nay, rồi dẫn đến cái kết của cuộc tình. Bản thân những đứa con trai luôn cảm thấy phải gánh vác một trách nhiệm gì đó to lớn khi yêu và luôn tự tạo áp lực lên bản thân. Họ thiếu sót quá nhiều và quá hèn để có thể níu kéo hay giành lấy thứ thuộc về mình. Tuổi thanh xuân của các cô gái ngắn, nhưng có khi trong tâm tưởng thì của những đứa con trai lại ngắn hơn. Vồ vập vào đời, chả có gì trong tay cả, bất hạnh nhất là cảm thấy tự ti với người thương của mình. Và để giải quyết, cậu ấy chọn sự đánh đổi tiền - tình, để khi thực sự vững chãi và cứng cỏi, người con trai đôi mươi ấy mới dám nghĩ đến những thứ xa hơn, mới biết tìm đến những bóng hồng để nguôi ngoai đi những mệt nhoài thường nhật. 


"Em xứng đáng với người tốt hơn" - luôn là câu nói phổ biến khi chia tay. Các chị em cũng cho rằng là đây là một lí do hết sức vớ vẩn, bao biện của những thằng đàn ông lăng nhăng. Nhưng ở ngoài kia, hay ngay ở ví dụ tôi nêu trên đây, có những người đàn ông cảm thấy như thế thật. Họ tự ti. Họ đang lạc lối khi bước vào đời. Tôi thiết nghĩ các chị em nên là những người dẫn lối và đồng hành cùng họ, thúc đẩy sự tự tin, chí hướng để như một bàn đẩy giúp họ vững chân trong cái tuổi ẩm ương này. 


Hà Nội, 29 tháng 6 năm 2020

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Loa phường

Đã rất lâu rồi, tiếng loa chiều không còn vang lên nữa. Những đứa trẻ trong khu phố cũng không còn nghe thấy những bản nhạc quen thuộc theo chân chúng từ trường về nhà mỗi năm giờ chiều. Thay vào đó, tiếng còi, tiếng bô xe mỗi lúc một lấn át, dần báo hiệu điểm tử cho chiếc loa phường đã cũ. 


Còn nhớ, loa phường trước đây đã trở thành một thứ âm thanh thân thuộc đến nhường nào. Chỉ cần bản nhạc ấy phát lên, mỗi người dân trong khu phố đều nhận ra và biết được thời điểm trong ngày. Tiếng loa ấy không đơn thuần là những điểm báo, không đơn thuần là tiếng nhạc quen, nó là thứ âm thanh góp phần tạo nên một cái đẹp đô thị mà có lẽ nhiều người không để ý đến. 



Tôi thích ngắm nhìn khu phố nơi mình sống mỗi khi chiều về. Tiếng trẻ con, tiếng cười nói trong từng dãy phố như thổi bừng lên một nhịp sống đầy lạc quan. Giữa những bộn bề thường nhật, thấy đám trẻ con theo chân ba mẹ đón từ trường về, theo chân chúng là tiếng vui đùa, tiếng gọi nhau í ới, tiếng la thất thanh khi nhận ra ba mẹ mình giữa cả biển ngợi đợi đón con, tất cả như tạo nên một sự náo nhiệt đầy dễ chịu. Hơn cả, tiếng loa phường cất lên những điểm tin trong ngày, những bài nhạc cũ phát đi phát lại, hòa lẫn với biết bao âm thanh cuối chiều tạo nên một hơi thở đời sống đầy đặc trưng. 


Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng những âm thanh ấy thật ồn ã khó chịu. Cả ngày đi làm mệt rũ người, vác mặt về nhà, hết tiếng còi xe, tiếng líu ríu của bọn trẻ lại còn thêm cái loa rè rè cũ kỹ nữa, làm sao chịu nổi? Tôi thì khác. Bản thân tôi sống hoài cổ và luôn muốn giữ mọi thứ bên mình dù thời gian có đổi thay. Đối với tôi, tiếng loa phường có thể âm ĩ, nhưng thiếu nó đi thì bức tranh khu phố mà tôi giữ bấy lâu nay trong lòng, với tất cả những tình yêu thương và ngưỡng mộ, như bỗng dần nhạt phai đi một mảng màu sắc đặc biệt. Thật khó để diễn tả cảm xúc ấy ra sao, thật khó để diễn tả cái vẻ đẹp ấy thế nào, nhưng thiếu tiếng loa, cái tấp nập ồn ã đô thị nó không còn dư vị như xưa nữa. Dẫu biết xã hội ngày một cấp tiến, công nghệ phát triển mỗi ngày và sự ra đi của những chiếc loa là không thể tránh khỏi, tôi vẫn mãi mường tượng về nó trong ký ức như một hình ảnh không thể thiếu ở nơi tôi sinh ra và lớn lên. Để rồi sau này mỗi khi đi đâu xa, trở về đến đầu ngõ ngước lên nhìn lại thốt rằng: "A! Cái cột điện đây rồi, cái loa đây rồi".

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...