Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

hãy yêu thương bản thân nhiều hơn

Được sinh ra trên cõi đời này với một con tim khỏe mạnh đã là một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng. Chúng ta, những người trẻ thế kỷ 21, tuy vậy lại vướng phải vô số những trở ngại trong cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề tình cảm, mà ở đó con tim ta trao nhầm người, hoặc đôi lúc đặt nhầm thời điểm. Dù cho ra sao đi nữa thì mỗi người nên có những cách riêng để yêu thương bản thân nhiều hơn và để mỗi người trẻ thêm phần an yên giữa cái cuộc sống bộn bề này. 




Như tôi đã nói, con tim chúng ta là một món quà vô giá. Mới đầu, chúng ta cũng như những đứa trẻ con, ôm khư khư món quà ấy và chả bao giờ trao cho bất kỳ ai. Chúng ta nâng niu, giữ gìn và luôn luôn có khuynh hướng độc chiếm nó. Nhưng rồi thời gian qua đi, với suy nghĩ những gì của mình sẽ mãi mãi ở đó bên mình, chúng ta lơ đễnh hơn, không còn chăm sóc, chở che cho món quà ấy nữa. Ta sẵn sàng cho người khác mượn, sẵn sàng để nó lăn long lóc ở góc nhà mà cũng chẳng buồn quan tâm. Chúng ta có nhiều mối bận tâm khác. Và ngày ấy cũng đến. Khi món quà qua tay người này, người kia thì không thể tránh khỏi việc rơi vỡ, hư hỏng. Người lý trí thì sẽ bảo là: "Thôi, giờ cái món này bán đầy ngoài kia. Rơi vỡ cái này thì ra ngoài mua cái mới cũng được, đâu có đáng bao nhiêu". Người nhạy cảm thì lại nói: "Mình sẽ cố gắng nhặt những mạnh vụn vỡ của món này rồi gắn chúng lại, mình sẽ không bao giờ để chuyện này xảy ra nữa. Dù sao nó cũng gắn liền với những kỷ niệm đẹp của mình". Cách này hay cách khác, chúng ta sau đó đều lại quay trở lại cái vòng lặp ấy: nâng niu - gìn giữ - chán trường - bỏ mặc. Dẫu biết rằng khi chúng ta trải qua các giai đoạn của một mối quan hệ, thì bản thân sẽ mù quáng, sẽ rũ bỏ bản thân và rất có thể hiến dâng tất cả cho tình yêu. Nhưng các bạn không thấy ư? Cái vòng lặp này cứ thế diễn ra, và bạn phải đợi đến bao giờ nữa thì mới tìm được cho mình một chốn an yên trong tâm hồn? Cứ cho rằng tình yêu xuất phát từ con tim, vậy tại sao lại bỏ bê nó đến vậy, tại sao không nâng niu và gìn giữ nó từ đầu? Tại sao phải cho đi hết món quà ấy? Để rồi lại lặp lại. 


Tôi muốn nói rằng, dù cho có khổ đau đến bao nhiêu, hãy dành một chút thời gian để yêu lấy bản thân và thương lấy con tim mình. Nghe thì sáo rỗng, nhưng những dằn vặt đau khổ ấy thật sự làm ảnh hưởng đến bạn và những người xung quanh. Khi bạn tích cực thì những người khác mới có thể cảm thấy tích cực lên, và mọi thứ khác đến với bạn mới là những niềm vui. Chúng ta không thể giữ mãi mây mù trong lòng để rồi mong nhìn thấy nắng thủy tinh ngoài đời sống được. Chuyện gì rồi cũng sẽ ổn thôi, chăm sóc bản thân nhiều lên nhé!  



Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Lấy đạp xe làm thú vui

Trong khi bạn bè cùng trang lứa người người nhà nhà sắm xe máy, xe ô tô, mình vẫn trung thành với chiếc xe đạp cũ mua cách đây 6 năm, một phần vì khi tập xe máy lỡ đâm trúng người ta, nhưng cũng một phần vì đạp xe dạo phố phường đã trở thành một sở thích khó bỏ.

 












Mỗi lúc chán nản, mình lại vác con xe đạp đi khắp phố phường chơi. Mình thích cảm giác đạp xe, thích cả việc ngắm nhìn sự vật xung quanh trôi qua tầm mắt một cách lơ đãng, chậm rãi và yên bình. Việc mình hoàn toàn làm chủ chiếc xe ấy, đạp xe qua từng khu phố có cái hay riêng mà xe máy và ô tô không có. Chân chúng ta đạp để vận hành các bánh răng, cho xe tiến về phía trước. Điều đó mang lại sự liên kết giữa con người, xe và mặt đường theo một cách trần trụi thô sơ hơn cả. Trong lúc ấy, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận mọi thứ xung quanh, từ con người, cây cối cho đến những tòa nhà, những hoạt động đang diễn ra một cách chậm rãi, không vội vàng hay gấp gáp. Khi đạp xe, ta từ tốn đón nhận khí trời, từ tốn để những làn gió vờn nhẹ trên mái tóc, và từ tốn phiêu du theo hạt nắng, mây trời và cả những suy nghĩ mơ mộng trong đầu chúng ta nữa. Có thể nói, giữa muôn vàn loại phương tiện, nếu đi để cảm nhận và suy tư, xe đạp luôn là lựa chọn tốt nhất.
































 


Mình bắt đầu hứng thú với việc cảm nhận mọi sự xung quanh từ khi còn bé. Từ ngày bố mẹ mua cho chiếc xe đạp con nít, mình đã có biết bao kỷ niệm đạp xe khắp nơi. Còn nhớ hồi đó trong khu, đám con nít đứa nào cũng sắm sửa cho mình một con xe. Chúng nó rủ mình và bao anh em bạn bè khác lập ra một hội đua xe đạp, đi khắp mọi nơi, từ những con ngõ nhỏ nhất, đến khi ra đường lớn. Thời đó có xe đạp gia nhập hội là cũng dữ lắm, cùng mấy đứa đi khắp mọi nơi, giải quyết mâu thuẫn trong khu như dân xã hội đen vậy. Là thằng lớn nhất, mình được chúng nó cho dẫn đầu đoàn đua, lái con xe X-Game nom oai phong lẫm liệt chẳng khác các bậc lão tướng thời xưa chỉ huy quân đánh giặc. Nhưng rồi thời gian qua đi, những đứa trẻ con ngày nào cũng lớn và có những mối bận tâm khác. Hội xe đạp cứ thế thưa dần, cho đến bây giờ có lẽ chỉ còn một mình mình đạp xe khắp nơi, đơn độc nhưng vẫn vui thú như ngày nào. Cũng đúng. Vì mình hay giữ cho bản thân một góc nhỏ tuổi thơ mà chả buông bỏ, cứ khư khư giữ lấy mà thôi. Hồi xưa thì náo loạn khu phố với bạn bè trong khu, nay mình lặng lẽ ngắm nhìn sự đổi mới vẫn ở nơi cũ ấy, không ồn ào, huyên náo nữa. Nhưng chung quy lại, vẫn từ cái xe đạp mà ra. 





















Không biết mình sẽ còn đi xe đạp đến bao giờ nữa, nhưng hiện tại mình vẫn giữ thói quen ấy hằng ngày. Có lẽ đến một lúc nào đó mình sẽ buông bỏ để tìm đến một loại hình phương tiện mới, khi mình thôi mơ mộng và hoài niệm, cũng như những người khác tất bật lao đầu vào công việc mưu sinh chăng? Chẳng thể nói trước được, nhưng mình rất vui vì những năng lượng tích cực mà việc đạp xe đã đem lại cho mình từ trước đến nay.

 



Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Cắt tóc vỉa hè

Trong chuỗi bài viết về những thứ đang dần chìm vào quên lãng, cùng với "loa phường", "xích lô", hôm nay tôi muốn nói về cái công việc cắt tóc vỉa hè. 


Thú thật, mãi đến 5 năm đổ lại đây tôi mới quen vào một cửa hàng hớt tóc tử tế để "tân trang" lại cái đầu mình. Trước khi biết đến 30Shine, Liem Barber, v.v thì tôi chỉ thích ghé tạm vào vài sạp nhỏ bên lề đường cho nhanh và tiện. Sự bày trí ở những sạp này vô cùng đơn giản, chỉ cần một gương, một chiếc bàn nhỏ, vài ba cái ghế và bộ dụng cụ là đã đủ để sẵn sàng phục vụ mọi khách hàng. Thợ cắt tóc vỉa hè thường hành nghề ở những nơi có thân cây lớn, tiện cho việc đặt bàn, đặt gương và che nắng. Một cung đường có thể có đến năm sáu thợ đứng ở những tán cây khác nhau, ấy vậy mà họ thường rất hòa thuận, hiếm khi tranh giành khách. Có lẽ vì chủ yếu khách ở đây là những người quen, không quan trọng việc tạo kiểu, nên hợp với cách cắt của ai thì họ sẽ chỉ đến với người ấy. Dù rằng đồng lương ít ỏi, nhưng những người thợ cắt tóc luôn kiên trì bám trụ với nghề. Dường như, đấy không còn là nghề nghiệp thông thường nữa mà đã trở thành niềm đam mê của họ, dứt ra cũng không được. 



Đối với riêng tôi, cắt tóc vỉa hè là một cái thú vui. Được bố chở đi cắt tóc từ khi bé, tôi vẫn nhớ như in cái góc nhỏ quen thuộc ấy, tán lá bàng rộng đủ che cả một vùng trời. Mỗi lần tôi đến, chú thợ cắt tóc lại nở một nụ cười đôn hậu, đón tôi vào chỗ ngồi. Khoác lên mình chiếc áo phủ rộng thùng thình, tôi thoải mái ngồi yên dưới tán cây mát dịu ấy, tin chắc rằng giao mái tóc cho chú ấy là một quyết định đúng đắn. Chiếc tông đơ chạy trên đầu, tiếng cây kéo loạch xoạch nhanh thoăn thoắt hòa cùng với tiếng xe cộ inh ỏi qua lại như thành bản nhạc đường phố đầy chất thơ. Vừa cắt tôi vừa trò chuyện với chú thợ, vẫn những câu chuyện cũ rích từ ngày này qua tháng khác, nhưng mỗi lần nói chuyện lại cảm thấy thật lạ lẫm, gần gũi và thân thương. Ba mươi phút trôi qua thật nhanh, chuyện kể chưa hết thì đầu đã xong từ bao giờ. Tôi giơ tay chào tạm biệt chú và lại hẹn lần tiếp theo. Nhưng cứ vậy, tôi không nhớ nổi lần cuối cùng mình cắt chú là khi nào. Chỉ biết rằng sau này càng ngày càng lựa chọn cắt tóc ở những salon tóc gần hơn, mát mẻ hơn. Ở những salon tóc ấy, tôi chả thể tìm lại những cảm xúc ngày xưa. Không còn là không khí của phố phường nữa, salon toàn là mùi dầu gội, mùi nước hoa. Có lẽ, cắt tóc vỉa hè đã trở thành một hình ảnh gì đó độc nhất, khó lòng mà thay thế. 


Năm tháng qua đi cũng đang dần cuốn mất cái nghề vui mà lạ này. Sau chiến dịch vỉa hè, Hà Nội tuy vẫn còn những chỗ cắt tóc, nhưng không nhiều như xưa nữa. Tôi cũng có dịp tìm lại góc nhỏ tuổi thơ ấy, nhưng cũng không còn gặp chú. Nghe đâu bảo là chú về quê chăm sóc gia đình và đi chữa bệnh, rồi cũng xa rời cái nghề "vít đầu vít cổ" này chuyển sang nghề khác. Nghĩ cùng buồn, nhưng thời thế là vậy. Xã hội ngày một nâng cao, thì những thứ xưa cũ cùng dần phai nhạt đi. Dù thế nào chăng nữa, hình ảnh cái bàn, cái gương ở dưới gốc cây vẫn sẽ mãi mãi in sâu trong tâm trí tôi là một ký ức đẹp của tuổi thơ và đồng thời cũng là một hình ảnh đẹp, đậm chất hơi thở phố phường Việt Nam. 


Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Xích lô Hà Nội

Trong tâm khảm của người dân Việt Nam, đâu đó vẫn còn hình dáng chiếc xe xích lô, một thời đưa đi đón về những thực khách nội địa và từ phương xa tới. Chiếc xe xích lô, một phần nào đó in đậm vào trong tâm trí mỗi người là nét đẹp văn hóa, là nét đặc trưng hiếm thấy ở dải đất hình chữ S đầy thăng trầm lịch sử này. 


Với nguồn gốc tên gọi từ nước Pháp (cyclo), nhà sáng chế - ông Coupeaud đã tổ chức một cuộc chở khách bằng chiếc xe ba bánh từ thủ đô PhnomPenh của Campuchia đến Sài Gòn nhằm quảng bá cho loại hình phương tiện độc đáo này, với hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km trong thời gian 17 giờ 23 phút. Kể từ đó trở đi, thay thế những chiếc xe kéo tay ngày nào, xích lô dần xuất hiện ở khắp nơi trên mọi miền Tổ Quốc như là một phương tiện độc lạ, đưa đón cả khách trong nước và quốc tế. Với thiết kê một ghế ngồi đằng trước, người chở ngồi sau đạp xe, thực khách được trải nghiệm một không gian khám phá phố phường toàn cảnh, với tốc độ di chuyển không quá nhanh và hết sức an toàn. Thoạt nhìn thì xe xích lô ở đâu cũng giống nhau, nhưng thực chất mỗi nơi thiết kế một khác. Xích lô Hà Nội thấp và ngắn. Xích lô đồng bằng sông Cửu Long thì người đạp ngồi trước, khách ngồi sau. Xích lô Sài Gòn cao lênh khênh, nhưng chỗ ngồi của khách hẹp lại. Khách từ nơi xa về, vốn đã quen với những loại hình phương tiện hiện đại, nay được trải nghiệm một chiếc xe vô cùng thô sơ, bình dị thì vô cùng háo hức. Ngồi lên xe, khách như được tự mình cảm nhận không khí nhịp sống bản địa theo một cách rất riêng mà trời Tây không có.


 

Đối với những người con mảnh đất Hà Nội, xích lô đã từng là một mảnh ghép không thể thiếu trong hơi thở đời sống. Nó đã đi vào thơ ca, vào phim ảnh và vào cả những bức tranh vẽ về nơi Kẻ Chợ đầy xô bồ và hối hả này. Dáng vẻ của những người đạp xe, nụ cười trên môi của các thực khách là những nét chấm phá đầy sinh động cho bức tranh về Hà Nội. Cái chất bình dị, đơn sơ ấy có lẽ hợp với Hà Nội, hợp với ngõ nhỏ phố nhỏ, với những con đường, tòa nhà cổ kính đã dần nếm trải những bước đi của thời gian. Sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 21, xích lô không quá là xa lạ với tôi, nhưng vẫn đủ mới mẻ để tìm hiểu và để cảm nhận sâu hơn. Tôi đã từng ngồi lên chiếc xe ấy ngắm nhìn phố phường với vẻ háo hức, từng vui mừng khi thấy một cặp cô dâu chú rể ngồi trên xích lô, tổ chức một đám cưới truyền thống và cũng từng thấy những giọt mồ hôi lăn trên má người lái xe giữa tiết trời nóng nực của Hà Nội. Ở xích lô, chỉ nói đến nét đẹp đơn sơ thôi là chưa đủ, vẻ đẹp của người lao động vận hành nó và vẻ đẹp của người được chở mới hơn cả làm nên cái chất riêng của phương tiện này. Đứng từ xa ngắm nhìn từng dòng xe xích lô, ta thấy cả nét đẹp lao động lẫn nét đẹp của thành quả lao động, xoắn quýt và kết tinh lại trong hình hài một chiếc xe, từ đó thêm yêu và thêm trân quý thứ vật vô tri vô giác trác tuyệt ấy. 




Tuy vậy, đâu phải cái gì cũng tồn tại mãi mãi với thời gian. Mật độ tham gia giao thông ngày một tăng, loại hình phương tiện mỗi ngày một đa dạng đã dần phá đi sự độc nhất của xích lô. Giờ đây, hiếm lắm ta mới bắt gặp được chiếc xích lô trong khu vực phố cổ. Thay vào đó, xe buýt hai tầng, xe đạp, xe máy lại được ưa chuộng hơn cả. Dẫu biết xã hội thay đổi, nhưng liệu ta có nên giữ lại chiếc xích lô cũ đã một thời ăn sâu vào trong tiềm thức du khách hay không? Về lý mà nói, sự biến mất của xích lô là hợp lý. Với sự gia tăng dân số đô thị, đi cùng với đó là sự gia tăng phương tiện giao thông trong nội thành thành phố, xích lô cần phải được loại bỏ để tránh ùn tắc, đặc biệt là những nơi tập trung đông du khách. Việc loại bỏ phương tiện này sẽ giúp cho lưu thông các phương tiện dễ dàng hơn, du khách cũng sẽ đỡ phải thêm phần mệt mỏi khi tham gia giao thông ở Hà Nội. Mặt khác, xét về tình, mất đi chiếc xe xích lô thưở nào như đánh mất một nét đẹp văn hóa gắn với mảnh đất thủ đô tự bao đời. Xe xích lô vốn là một đặc trưng khó thấy ở quốc gia khác, mất đi nó, du khách sẽ không bao giờ có cơ hội được trải nghiệm cái cảm giác lâng lâng êm ái khi ngồi trên xe, vừa tán ngẫu, vừa ngắm nhìn thành phố với những cơn gió nhè nhẹ thoảng trên mái tóc. Những đứa trẻ con sẽ chả bao giờ biết đến chiếc xe ấy như thế nào, mà chỉ có thể ngắm nghía nó qua những bức tranh, những thước phim còn sót lại. Sự mất mát có thể không nghiêm trọng, những với những đứa con đã trót rơi vào lưới tình với mảnh đất nghìn năm văn hiến, xe xích lô đâu đó vẫn là mảnh ghép không thể thiếu để hoàn thiện nên bức tranh Hà Thành đầy kiêu sa, cổ kính đúng chất của nó. 

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...