Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Xăm hường - trò chơi đất cố đô


 

Trong những nhân tố cấu thành nên một nền văn hóa, ngoài những loại hình nghệ thuật, những tín ngưỡng tập tục, lối sống hay những công trình kiến trúc còn sót lại qua dấu chân năm tháng thì những trò chơi dân gian đóng một phần không nhỏ trong việc định hình nên mảnh ghép đời sống tinh thần đầy thú vị và rộn rã của người xưa. Trong một lần vào Huế, tôi đã có cơ hội được tiếp cận với một mảnh ghép tương tự như thế - món đồ lưu niệm độc lạ với hình dáng của những chiếc thẻ khắc chữ. Hỏi ra thì mới biết đây chính là một trong những thú chơi cổ xưa của người dân mảnh đất cố đô, với tên gọi vô cùng lạ lẫm: xăm hường.   


Lội ngược dòng lịch sử, nhiều ý kiến cho rằng bộ trò chơi này ra đời trong nội cung triều Nguyễn như một trò tiêu khiển giải khuây cho các phi tần, hoàng tộc và các vương tôn quý tử trong triều sử dụng, sau đó những quan lại mang trò chơi này ra ngoài cung và nó đã trở nên phổ biến trong dân gian, từ thành thị đến nông thôn khu vực Thừa Thiên Huế. Xuôi theo chiều dài đất nước, đã có nhiều ghi nhận về sự xuất hiện của đồ xăm hường ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tuy nhiên số lượng lại khá ít. Những gia đình sở hữu bộ trò chơi này thường là người gốc Huế, có người thân là quan lại ở Huế, hoặc là bà con dâu rể với người dân nơi kinh thành. Phổ biến là vậy nhưng đối với cả miền Bắc và miền Nam thì bộ trò chơi này vẫn còn rất lạ lẫm. Sự phổ biến chỉ như vết dầu loang đến xứ Quảng rồi chớm tắt. Một dân chứng khác thêm phần khẳng định nguồn gốc của đồ xăm hường chính là cái tên đặc biệt của nó. "Xăm" có nghĩa là "thẻ", "hường" là cách đọc lái của từ "hồng", nghĩa là màu hồng, do âm "hồng" có trong chữ "Hồng Nhậm", là tên húy của vua Tự Đức. Vì vậy để tránh phạm húy, người dân phải đọc lái chữ đi và từ đó đồ xăm hường ra đời với nhiều kiểu chơi độc đáo, già trẻ gái trai xứ Huế ai cũng mê mệt. Với các thẻ được đánh tên như "Trạng Nguyên" (狀 元), "Bảng nhãn" (榜 眼), "Thám hoa" (探 花), "Hội nguyên" (會 元), "Tiến sĩ" (進 士), "Cử nhân" (舉 人), "Tú tài" (秀才), trò chơi khuyến khích tinh thần hiếu học, ý thức khoa bảng, đỗ đạt cao để làm quan phò vua giúp ích cho đất nước. Một bộ xăm gồm ba món chính, những chiếc thẻ xăm (63 chiếc), trong đó thẻ có giá trị cao nhất là "Trạng Nguyên" (1 thẻ - 32 điểm), 1 thẻ "Bảng nhãn" và 1 thẻ "Thám hoa" (mỗi thẻ 16 điểm), 4 thẻ "Hội nguyên" (8 điểm/thẻ), 8 thẻ "Tiến sĩ" (4 điểm/thẻ), 16 thẻ "Cử nhân" (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ "Tú tài" (1 điểm/thẻ). Đi cùng với bộ là 6 hột xúc sắc và chiếc tô bằng sứ sâu lòng để gieo xúc sắc. Ngày xưa, vì xuất phát từ nơi cung đình, quan lại thường nhọc công đi tìm cho mình chiếc tô sứ men lam từ thời Minh - Thanh bên Trung Quốc để tiếng đổ hột thanh và vang xa. Tùy theo gia cảnh của mỗi người mà các thẻ bài cũng có những nguyên liệu khác nhau. Quan lại, vua chúa triều Nguyễn chuộng loại thẻ làm từ ngà voi danh giá, trong khi đó, dân nghèo thì tự làm ra thẻ từ xương thú hoặc cật tre. 


Khi chơi, người ta gieo cả 6 con xúc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ, gọi là "hường", trong đó "Nhất Hường" (1 mặt tứ) thì lấy một thẻ 1 (1 điểm), "Nhị Hường" (2 mặt tứ), lấy một thẻ 2 hoặc hai thẻ 1 khi không còn thẻ 2, "Tứ Tự" (Tứ Tấn) khi có bốn mặt giống nhau trừ mặt hường thì lấy một thẻ 4 (nếu ngoài bốn mặt giống nhau có thểm một hoặc hai mặt hường thì lấy một thẻ 1 hoặc một thẻ 2). Khi bốc được "Tam Hường" (ba mặt tứ) thì lấy thẻ 8, nếu Tam Hường đi với 3 hột xúc sắc còn lại cùng mặt thì gọi là "Phân Song Tam Hường", lấy được một Trạng Em (Bảng Nhãn, Thám Hoa) và 1 thẻ "Tam Hường" (trị giá 24 thẻ). Để lấy được Trạng Em có rất nhiều cách, người chơi buộc phải tung ra được 6 hột theo thứ tự nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, hoặc 3 hột mặt này 3 hột mặt kia, đạt Thượng Mã (2 nhất, 2 nhị, 2 tam) hoặc Hạ Mã (2 ngũ, 2 tứ, 2 lục) hay Tứ Tự Cáp (4 mặt giống nhau, hai mặt còn lại có tổng bằng đúng với mặt tứ tự). Trạng Anh hay chính là Trạng Nguyên, là thẻ cao nhất trong toàn bộ trò chơi, sẽ xảy ra trong hai trường hợp Trạng Tứ hường (hay còn là Trạng Đỏ), với bốn mặt tứ, hai mặt còn lại tổng ra số tuổi của trạng và Trạng Ngũ tử (Trạng anh Đen) bao gồm năm mặt giống nhau với mặt xúc sắc còn lại là tuổi của trạng. Tùy theo số lượng người chơi mà mục đích cuối cùng cũng sẽ khác nhau với số điểm khác nhau, và các chiến thuật chơi từ đấy cũng đa dạng theo, từ cướp trạng, cho đến bán trạng theo tiền mặt. Trò chơi vốn được tổ chức vào dịp Tết đến xuân về hằng năm, nên nó không mang tính sát phạt, mà mang lại niềm vui, sự may mắn cho những người chơi đạt được thẻ Trạng anh và Trạng em. Hầu như không bao giờ có chuyện cãi cọ, đôi co xảy ra trong một hội chơi đồ xăm hường, vì tính minh bạch của trò này rất cao, 6 hột xúc sắc bày ra rõ ràng trước mắt người xem nên không thể nào gian lận được. Lảng vảng qua những hội chơi xăm thì ta chỉ thấy vọng lại những tiếng cười đùa vui vẻ của người trong cuộc, ai nấy đều muốn mình gom nhiều may mắn trong những ngày đầu xuân. 


Để chế tác ra một bộ xăm hường hoàn chỉnh, người nghệ nhân cần bỏ nhiều công sức của trí óc và bàn tay. Xưa kia, quan lại triều Nguyễn vẫn chơi bộ bằng ngà voi quý hiếm, hiện vẫn còn giữ được một bộ xăm cổ xưa nhất của vua Tự Đức, đựng trong chiếc hộp gỗ quý chạm trổ tinh xảo. Tuy đã bị mất 7 thẻ, song, bộ xăm hường của nhà vua vẫn mang tính chất độc đáo và sang trọng hơn hẳn những bộ xăm khác. Thứ nhất, các chữ Hán khắc trên thẻ xăm ngoài việc định danh và định giá, nó còn cho biết cách thức đoạt từng loại thẻ, được tô vẽ bởi nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi loại thẻ tùy theo cấp trạng được để vào một ngăn khác nhau trong chiếc hộp cùng với một chiếc hộc nhỏ nằm bên trái, sát đáy chiếc hộp, đựng các hột súc xắc có thể kéo ra kéo vào rất kín đáo và hài hòa. Trái ngược với dáng vẻ sang trọng từ chất liệu đến thiết kế, bộ xăm hường của người dân có phần đơn giản và bình dị hơn. Hầu như bộ xăm được làm từ xương thú hoặc bằng tre. Ông Đặng Văn Tố - người cuối cùng ở Huế làm xăm hường cho hay, để làm một bộ xăm cần đến 5 kg xương cẳng bò lấy từ các lò mổ. Những ống xương mua về sẽ được làm sạch, luộc và cưa ra từng khúc. Tiếp đó, người nghệ nhân sẽ ngâm xương với nước vôi để tẩy trắng, phơi khô và chia ra thành từng mảnh làm thẻ xăm. Ông Tố đã tự mày mò và thiết kế ra chiếc máy khắc do Pháp sáng chế, cặm cụi chạm trổ theo hình dáng ở trên giống với đầu Trạng nguyên, phía dưới như mang đôi hài từ thời xa xưa. Các hình ảnh ông Trạng, chữ Hán, chữ Nôm, sau này thêm cả chữ Quốc Ngữ để người chơi dễ dành nhận biết được khắc ở giữa bề mặt. Bên cạnh đó, việc sử dụng màu sắc tô điểm cho các ông Trạng cũng khá bắt mắt, thông thường gồm hai màu chủ đạo đỏ và xanh. Cuối cùng, các thẻ được cạo thật sạch và đánh bóng, chỉ giữ lại những nét mực ở đường khắc. Hơn 40 năm theo đuổi nghề, những mặt hàng của ông Tố hiện nay được rao bán ở nhiều nơi, từ những cửa hàng lưu niệm cho đến hàng thủ công mỹ nghệ hay chợ truyền thống, có mặt hàng lên tới 400 ngàn đồng một bộ. Dù là người duy nhất còn lại theo đuổi một giá trị văn hóa đã dần chìm vào quên lãng, ông vẫn luôn coi đó là cơ duyên và tiếp tục cống hiến, dù đôi lúc cũng canh cánh trong lòng nỗi buồn về một tinh hoa độc nhất đất cố đô đang mai một và thu nhập có phần bấp bênh, song, trò chơi vẫn có vai trò giáo dục, giúp giới trẻ có ý chí học hỏi, thi thố đồng thời nhắc nhở về những khoa thi, cấp trạng mang tính lịch sử nên ông vẫn ráng giữ gìn. 


Trải qua đến cả thế kỷ lưu truyền trong dân gian, nét đẹp văn hóa nào rồi cũng tới thời kỳ xuống dốc cần sự quan tâm và bảo tồn. Xăm hường là một trong số đó nhưng may thay, qua ông Tố, qua những cửa hàng mỹ nghệ và lưu niệm tấp nập lượt khách du lịch trong và ngoài nước, có lẽ tuy không còn được chơi nhiều nhưng bộ xăm vẫn sẽ được lưu giữ trong tâm trí người dân xứ Huế như một nét đẹp mãi không phai. Du khách từ tứ phương về tới nơi đây cũng góp phần không nhỏ cho sự trường tồn của tinh hoa ấy, bởi nếu còn người mua, còn người gìn giữ và nhớ về, không một nét đẹp nào có thể rơi vào quên lãng. Tay trao tay bộ xăm như thứ quà nơi cố đô không chỉ là trao đi một phần văn hóa Huế mà nó còn là sự bảo tồn cấp thiết cần phải có.  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...