Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Kỳ lạ tục thờ chó đá


 

Tục thờ chó, hay sau này là thờ chó đá, đã trở thành một nét tín ngưỡng dân gian phổ biến của nhiều dân tộc trên thế giới, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và một bộ phận ở Tây Nam Á ngày xưa. Chính nhờ sự di cư của các dân tộc Ấn - Âu chuyên chăn thả gia súc đã truyền bá thứ tín ngưỡng độc đáo này đến với người dân và đã trở thành một nét văn hóa sâu đậm không thể tách rời, xuất phát từ vai trò quan trọng của loài chó trong đời sống xã hội con người. Tại Việt Nam, tục thờ chó xuất hiện khắp nơi với nhiều mục đích khác nhau như cầu phúc cầu may hay trừ tà, xua đuổi loài quỷ dữ quấy nhiễu cuộc sống của dân thường. 


Nói đến hình tượng chú chó trong các nền văn hóa, đặc điểm chung được ghi nhận ở giống loài này chính là sự trung thành, mến chủ và sẵn sàng bảo vệ, giúp đỡ chủ khi cần. Trong đời sống thường nhật, chó còn là một con vật trông nhà, gác cổng, đảm bảo sự bình yên và an toàn của ngôi nhà cũng như những thành viên trong gia đình. Khái quát hóa vai trò của chó trong vị thế tâm linh, có thể nói, chó là một hộ môn thú. Ở Nhật Bản, chó là người bạn của con người, bảo hộ cho trẻ em, giảm nhẹ sự nhọc nhằn, đau đớn cho các sản phụ. nhưng cũng là linh vật có khả năng khống chế thủy quái gây ra động đất. Chùa Cầu nổi tiếng Hội An với vị thế trấn yểm thủy quái có tượng chó đá ở đầu cầu cũng bắt nguồn từ quan niệm này của người Nhật. Chó đá ở vùng nông thôn Trung Quốc cũng có trách nhiệm gác cổng tương tự, nhưng là gác cho cả một làng khỏi yêu ma quỷ quái. Mặt khác, nhiều dân tộc coi chó là thủy tổ, là anh hùng khai hóa của dân tộc, tiêu biểu như người Khuyển Nhung (Trung Quốc) tự hào cho rằng tổ tiên của mình là hai con chó trắng (Bạch Khuyển), vì thế mà sùng bái tổ chó trắng. Cũng có những giai thoại về chó với tư cách là cầu nối với cõi âm ty, hạ giới, liên kết hình ảnh con chó với thần chết cùng chức năng dẫn hồn người trong bóng đêm của cái chết. Người Mehico cổ nuôi những con chó chuyên để làm người bạn đồng hành và dẫn người đã khuất sang thế giới bên kia. Họ chôn cùng với người chết một con chó màu sư tử (màu lửa) để hộ vệ người quá cố. Hay người Iran và Bactrine phó mặc những chú chó cho những người già, người mắc bệnh đã gần đất xa trời, người Parsi ở Ấn Độ đặt chó cạnh người chết, để cho người và chó nhìn vào mắt nhau.  


Về với Việt Nam ta thì con chó nhà trở thành một vị thần gác cửa chính hiệu. Trong tâm thức người Việt, chó không chỉ là loài vật gần gũi mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng âm dương ngũ hành. Chó thường thì chỉ coi giữ được phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải nuôi chó đá, dân gian chôn chó đá để xua đuổi tà ma, quỷ quái. Tục thờ này khá phổ biến ở các làng, xã nông thôn ở Việt Nam, nhiều địa phương hiện nay vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, hoặc đặt chó đá trên bệ thờ, đền miếu để đuổi ma quỷ. Điểm khác biệt duy nhất giữa chó đá ở nhà và ở ngoài đền miếu, đình là về kích thước. Tượng chó ở nhà thường hiền lành và nhỏ hơn nhiều so với ở miếu, đình. Ở một vài vùng quê như Hải Dương, người thầy trừ tà ma chôn đầu chó trong một nồi lớn ở trước cửa nhà cùng với những lá bài tổ tôm xếp quanh như một báu vật trấn yểm. Một vài thanh niên ăn chơi đến tờ mờ sáng mới về, trong đêm tối chập choạng đã phải hoảng sợ bỏ chạy khi thấy trước cửa nhà là một người đầu chó cầm giáo mác đi qua đi lại trước cánh cổng. Sáng hôm sau đến kể lại với gia chủ mà họ vẫn còn rùng mình. Song, sự đa dạng trong việc thờ chó đá chưa dừng lại ở đó. Người Nùng quan niệm chó đá đem lại may mắn, vì vậy họ không bao giờ ăn thịt chó và luôn coi chó là con vật linh thiêng nhất để tôn thờ. Người Dao lại thể hiện sự tôn kính của mình với loài động vật này qua trang phục truyền thống. Trong ngày cưới, họ đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó. Trên bộ trang phục ấy còn điểm tô hình ảnh đôi chó ngộ nghĩnh quay lưng lại với nhau. Đó là minh chứng rõ nhất về vị thế tâm linh mà loài chó giữ vị trí trong tiềm thức của những người dân đất Việt.  


Tuy nhiên, việc thờ chó đá không phải chỉ là tín ngưỡng mang tính chất truyền đời theo quan niệm, mà ở một vài nơi, việc nuôi, thờ chó đá có tích truyện cụ thể lý giải. Ở làng Địch Vĩ, Đan Phượng, Hà Nội, người dân vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về Quan Hoàng Trạch cùng nỗi oan thấu trời. Truyện kể rằng thuở trước có hai anh em, người anh tên Ngọc Trì, người em tên Hoàng Thạch. Người anh đi lính về thấy vợ có thai nên nghi ngờ người em gian tình, vội giận dữ chém chết người em rồi vứt xác xuống sông. Đến khi sinh nở, người vợ lại sinh ra một vật quái dị, đến lúc này người anh mới biết em mình bị oan. Xác Hoàng Thạch trôi xông rồi hóa đá lúc nào không hay, theo dòng nước đến khúc đầu làng Địch Vĩ. Người dân thấy vậy thì vớt lên thờ, gọi là ông Quan lớn hay Quan Hoàng Thạch. Đến nay, tượng chó đá được đặt ngay ngắn được dựng hướng về làng Hát Môn - cũng chính là nơi quê hương của người em bấy giờ. Hai làng Địch Vĩ và Hát Môn từ đó mà kết nghĩa anh em, theo giao kết, trai gái hai làng không được phép yêu nhau. Trong tâm thức người làng Địch Vĩ, ông Hoàng Thạch như một vị thần bảo hộ cho dân làng được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở. Gia đình nào có việc lớn, đám cưới đám hỏi đều làm sớ ra trình Quan Hoàng Thạch để mong được ngài che chở may mắn. Mỗi khi có đám hiếu, khi đi qua tượng chó đá, người dân ai nấy kính cẩn nghiêng mình, dừng các lễ nghi, khóc lóc để bày tỏ sự kính trọng với ông Hoàng Trạch trước. Cách Đan Phượng hơn hai tiếng đi xe về phía Đông Nam, ta lại bắt gặp một khu vực có tục nuôi chó đá khác ở hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Nằm trên gò đất cao nổi giữa hồ, đền Cẩu Nhi (hay bây giờ là đền Thủy Trung Tiên) là một trong những di tích khác gắn liền với tục lệ thờ chó đá và sự tích xây dựng kinh thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Tương truyền rằng mẹ của vua sau khi mơ thấy thần chó đá, đã hạ sinh Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) đúng vào năm 934 là năm Giáp Tuất. Khi rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, năm kinh thành được chuyển giao cũng là năm 1010 (năm Canh Tuất). Thấy điểm trùng hợp, vua đã dựng nên miếu thờ thần Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi trên núi Nùng. Sách Tây Hồ chí có viết về nguồn gốc đền Cẩu Nhi rằng: "Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ phía Tây Bắc Hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có miếu thờ thần Cẩu Nhi dựng từ triều Lý. Nay vẫn còn". Ngày nay, người dân và khách du lịch đều rất thích thú chiêm ngưỡng các bức tượng, phù điêu và hăng hái tìm hiểu về tục thờ chó ở ngôi đền linh thiêng này. 


Có thể thấy, trong tâm thức người Việt nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung, chó là loài vật đã đi vào trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, là sản phẩm của sự gắn kết sâu nặng giữa người và động vật. Tục thờ chó đá ra đời một phần cũng để thỏa mãn nhu cầu gắn kết đó, đồng thời khỏa lấp đời sống tinh thần của người Việt bằng sự may mắn, lợi lộc và che chở như ý nghĩa của loài chó được thần thánh hóa trong dân gian. Tuy rằng rất khó để có thể chứng minh được sự màu nhiệm của tín ngưỡng này, song, chắc chắn rằng, khi con người có niềm tin, họ sẽ thoải mái, an tâm và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đây cũng chính là giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ chó đá trong tâm thức người Việt. 


EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...