Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Đi tìm lại tiếng Chapi giữa đại ngàn


 

"Ở nơi ấy, tôi đã thấy, trên ngọn núi cao, có hai người, chỉ có hai người, yêu nhau. Họ đã sống, không mùa đông, không mùa nắng mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau. Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui. Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống thanh bình. Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi. Khi rung lên, vài sợi dây đàn đã đong đầy, hồn người Raglai. Ôi! Raglai! Những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn Chapi. Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi. Tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn, không vui. Tôi nghe Chapi chợt thấy nao lòng vì một giấc mơ, ôi Chapi!


Bài hát "Giấc mơ Chapi" đã được nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác từ khá lâu, nhưng dư âm của nó vẫn còn hiện hữu trong những món ăn tinh thần của biết biết bao thế hệ người Việt. Khi bài hát mới được hoàn thiện và tung ra công chúng, ngoài việc tấm tắc khen về chuyện tình yêu đẹp được khéo léo lồng ghép trong bài hát, người ta còn hiếu kỳ đi tìm hiểu về một cây đàn lạ xuất hiện trong câu chuyện - cây đàn Chapi. Cùng niềm ngưỡng mộ vô bờ bến với nhạc sĩ Trần Tiến và trí tò mò về những nét đẹp độc đáo khắp Việt Nam, mời các bạn cùng tôi chu du về nơi đại ngàn để tìm về tiếng Chapi năm nào. 


Đàn Chapi một thời được coi là linh hồn trong các hoạt động văn hóa của cộng đồng đồng bào người Raglai, phân bố chủ yếu ở khu vực tỉnh Ninh Thuận, phía nam tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận. Từ xa xưa, tộc người Raglai đã có một đời sống tinh thần văn hóa vô cùng phong phú. Tuy nhiên, vì điều kiện của mỗi nhà là khác nhau, không phải người dân Raglai nào cũng có thể sắm cho mình chiếc Mã La (dạng cồng chiêng của người tộc này) để có thể tham gia những sự kiện quan trọng của dân tộc. Chính vì thế mà người Raglai nghèo đã tự chế ra chiếc đàn Chapi bộ gảy mang âm hưởng tương tự như Mã La để sinh hoạt văn hóa. Nói đến bài "Giấc mơ Chapi" của nghệ sĩ Trần Tiến, người nghệ nhân chế tác Chapi duy nhất còn lại của vùng Ma Nới, tỉnh Ninh Thuận Chamaléa Âu tấm tắc: "Cái câu, ai nghèo cũng có cây đàn Chapi là nhạc sĩ nói rất đúng cái bụng của người Raglai xưa đó. Ngày trước, đã là người Raglai thì ai cũng có đàn Chapi cả".  Khác với Mã La, cây đàn Chapi nhỏ gọn, dễ mang theo bên người, người Raglai cũng lấy lợi thế đó để mang theo mỗi khi phải đi xa, lấy chiếc đàn ra gảy thì cả vùng trời quê hương như hiện về. Thuở ấy, trong những đêm thanh vắng, tiếng đàn vang lên khắp núi rừng. Con trai con gái túm năm tụm ba ngồi trên thềm nhà chơi đàn và thưởng thức tiếng đàn. Những thanh âm ngân nga cứ thế vang vọng khắp đất trời, hòa với rừng sâu thăm thẳm, cùng với con suối róc rách và muông thú hoang dã. Cả cuộc đời, nếp sống người Raglai một thời đã gắn liền với cây đàn Chapi, ăn ở cùng Chapi và buồn vui cũng cùng với Chapi. Tiếng đàn tuy đơn giản, đơn thanh, nhưng lại có thể chơi nhiều điệu đàn khác nhau, tùy vào từng dịp lễ quan trọng của cộng đồng dân tộc thiểu số này như lễ bỏ mả, đám cưới, ngày mùa, hát giao duyên, mừng lúa mới


Thanh niên trai tráng trong làng ai ai cũng muốn học làm và học chơi cây đàn độc đáo này. Đầu tiên, người Raglai sẽ đi vào rừng chọn những khóm tre đẹp nhất, khoảng tầm 1 năm tuổi, rồi chặt đem về phơi nắng một tháng trời. Sau đó, người dân chọn lọc ra những ống tre dài tầm 40 cm không bị cong vênh để tiến hành làm đàn. Nghệ nhân sẽ chọn những vật sắc nhọn để tỉa tót cho tạo phần dây đàn, thường là từ 4 - 6 cặp dây, mỗi dây cách nhau 2 cm cùng với 2 đốt che nhỏ ở đầu dây nhô lên so với thân đàn. Họ vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái rồi khoét rãnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mây bện chặt lại để giữ cho dây đàn luôn căng và cuối cùng thì dùng dùng dùi lửa khoét mắt tre để tạo âm thanh cho đàn. Sau khi cây đàn hình thành, cũng như mọi nhạc cụ khác trong bộ dây, người nghệ nhân sẽ phải sử dụng đôi tai lão luyện của mình nghe âm vang, căn chỉnh sao cho tiếng đàn Chapi có hồn. Khi làm đàn, họ chú ý tới căn chỉnh dây đàn ở mặt trên, mặt dưới để làm sao âm thanh phát ra giống với tiếng Mã La nhất. Mỗi cây đàn khi được làm ra, nếu tuân thủ đúng quy trình và thủ pháp, có thể tồn tại cả đời người. Bởi vậy mới thấy, những người nghệ nhân mặc dù năm nay đã ngoài 60, 70 nhưng họ vẫn mang theo mình những cây đàn Chapi đã được chế tác từ xa xưa, vẫn ngân vang nốt nào ra nốt đó, chuẩn chỉnh không kém cạnh những cây đàn mới. Nghệ nhân Chamalé Âu cũng vậy. Ông nhớ như in cái thời mình say mê tiếng Chapi thuở thiếu thời: "Từ nhỏ, nghe hoài đàn Chapi, mê lắm. Mê thì học gẩy, học làm. Ông cậu Chamalé Lư thấy mình ham Chapi nên dạy cho, dạy bằng cách gảy cho nghe và làm cho xem... Thế đấy, mê Chapi từ nhỏ tới giờ!". Niềm đam mê của người Raglai là thế, mê âm thanh quyện cùng bản hòa tấu của núi rừng, nhưng còn ham thích tìm hiểu ngọn ngành cách làm sao cho chuẩn và chính xác. 


Tuy nhiên, niềm mê thích ấy cũng không còn giữ được lâu. Đi sâu vào những bản của tộc người Raglai khu vực Khánh Hòa, hay Ma Nới, Ninh Thuận, tiếng Chapi vang vọng ngày càng thưa dần. Hiện đại hóa đã tràn vào bản làng như cơn sóng dữ cuốn trôi đi niềm say mê ngày nào, để giờ chỉ còn những người nghệ nhân già cặm cụi chơi đàn và hoài niệm về ngày xa xưa. Số lượng nghệ nhân đã ít, số lượng thanh niên trai tráng yêu quý đàn Chapi cũng ngày một thưa hơn. Không còn ai đủ kiên trì theo đuổi thứ âm thanh thuần túy thiên nhiên ấy nữa, mà hầu như chạy theo thời đại, chạy theo thứ nhạc mê hoặc của nhạc cụ phương Tây, vốn có thể được mua bán ở khắp nơi mà không tốn công sức tìm tòi chế tác. Đau đáu trong lòng những người nghệ nhân già như Chamalé Âu không chỉ là tấm lòng sắt son một thời của người Raglai với cây đàn Chapi, mà còn là nỗi niềm giấu kín khi nhạc cụ dân tộc không thể truyền dạy cho ai nữa. Ông chia sẻ rằng mặc dù đã nhiều lần đại diện dân tộc mình đi diễn ở nhiều sự kiện lớn nhỏ, với mục đích quảng bá và đem văn hóa bản địa đi giao lưu với những dân tộc khác, nhưng thoáng qua trong đôi mắt ông vẫn đượm một nỗi buồn không nguôi. Một mình ông gìn giữ giá trị tinh thần cốt lõi của Raglai, vậy sau này thì Ma Nới còn ai phát huy nữa. Đấy là tình yêu mãnh liệt và cháy bỏng với một tinh hoa dân tộc, một động lực đã thôi thúc những người nghệ nhân cống hiến, truyền dạy và luôn thường trực suy nghĩ về số mệnh của nét đẹp văn hóa đang có nguy cơ phai nhạt như thế này. Còn đâu những ngày Chapi theo người dân lên rẫy lên nương. Còn đâu câu hát tâm tình bập bùng theo tiếng Chapi người con trai trao cho người con gái. Có lẽ, đúng như tựa đề của bài nhạc, tất cả giờ chỉ còn là "Giấc mơ Chapi", một giấc mơ khắc khổ, nao lòng như hồn người đi tìm tiếng đàn giữa sương khói hoang hoải miền sơn cước. 


Có thể nói, chúng ta vui vì chợt nhận ra sao đất nước, con người Việt Nam lại có thể sản sinh ra những nhạc cụ dân tộc đáng trân quý đến thế, nhưng cũng đượm buồn vì có lẽ, những điều tốt đẹp nhất thì không tồn tại được lâu. Đối với bạn đọc nói chung, ta đều đã mường tượng và lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất về cây đàn Chapi trong tiềm thức, nhưng liệu ta có thể làm gì để níu giữ lại âm hưởng dân gian đang dần mai một này? Câu trả lời không chỉ nằm ở những người Raglai còn mê đắm Chapi, mà còn nằm ở chúng ta, những người có tình yêu mãnh liệt với văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của cộng đồng dân tộc Raglai và những người trẻ sống trong thời đại mới, giải pháp hợp lý sẽ được đưa ra và trong tương lai gần, cây đàn huyền thoại này sẽ được lưu giữ và bảo tồn ở cấp độ cao nhất. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...