Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Lễ hội Katé của đồng bào người Chăm


 


Dân tộc Chăm đã có mặt trên mảnh đất hình chữ S từ rất lâu, đem theo đó là những giai thoại về nhà nước Lâm Ấp xuất hiện vào khoảng năm Sơ Bình thứ 3 nhà Hán (192) đến năm Đại Nghiệp thứ nhất nhà Tùy (605). Đời sống của họ trong khoảng 500 năm vô cùng phong phú và giàu tính tâm linh. Khi hòa mình vào dòng chảy đời sống văn hóa và chính thức trở thành 1 trong 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam, người Chăm cũng không quên góp vào những tục lệ văn hóa, tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc mình và bảo tồn phát huy những giá trị ấy đến tận ngày nay. Người Chăm sống rải rác ở nhiều nơi khu vực phía Nam như Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa, Tây Ninh, ... với hàng chục lễ hội lớn nhỏ khác nhau được tổ chức hằng năm, trong đó có lễ hội Katé - một mảng màu văn hóa Chăm đặc sắc mà chỉ ở khu vực Nam Trung Bộ mới có. 


Trong suốt tiến trình lịch sử đến cả ngàn năm, người Chăm đã có sự phân chia cộng đồng theo nhiều tín ngưỡng khác nhau. Trong đó, hai cộng đồng lớn nhất cho đến ngày nay là cộng đồng người Chăm Ahier theo tôn giáo Bà La Môn và Chăm Awal theo tôn giáo Bà Ni. Người Chăm Bà La Môn nổi tiếng với lễ hội Katé còn người Chăm Awal lại nổi bật với lễ hội Ramuwan. Hai cộng đồng này tuy tách biệt về tín ngưỡng tôn giáo nhưng vẫn thường xuyên qua lại với nhau khi các lễ lạc của dân tộc mình diễn ra. Chính vì thế, khi tổ chức lễ hội Katé, người chủ trì buổi lễ sẽ là tộc Chăm Bà La Môn, còn tộc Chăm còn lại sẽ chỉ tham gia kính viếng, dâng kính lễ vật. Ngoài hai cộng đồng dân tộc Chăm nói ở trên, một bộ phận tộc người khác cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong buổi lễ là tộc Raglai. Dựa theo tiến trình lịch sử thì người Chăm xưa và người Raglai có quan hệ anh em thân cận. Người Raglai là em út của người Chăm theo tập quán mẫu hệ lưu truyền trong sử sách, vì vậy mà cộng đồng tộc người này mang danh em út kế thừa tài sản, nên mọi đồ vật quan trọng để thờ phụng tổ tiên sẽ do người Raglai giữ hết. 


Dựa theo từ điển của E. Aymonier - A. Cabaton, Katé là danh từ bắt nguồn từ Katik của Hindu và từ kattika của Phạn ngữ Ấn Độ. Ý nghĩa của từ Katé này theo nghĩa hẹp có nghĩa là lễ hội tháng 7 lịch Chăm, song ở Ấn Độ không hề có tục cúng lễ này. Vì vậy, lễ hội này là lễ hội bản địa mang bản sắc Champa xưa. Katé được tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm, tương đương tháng 10 ở dương lịch ở Ninh Thuận như một sự tri ân và bày tỏ lòng thành kính của người dân với các vị thần linh thiêng và các anh hùng dân tộc trong văn hóa tín ngưỡng như Po Klong Garai, Po Rome, v.v. Po Klong Garai  là vua Champa trong hơn 50 năm, từ năm 1151 đến năm 1205. Ông đã lãnh đạo người Chăm đương cự thành công ách đô hộ của triều đình Angkor, bình định xứ sở và phát triển nông nghiệp, từ đó mà được người dân tôn sùng nhưng vị thần thủy lợi. Về mặt khác, Po Rome cũng là 1 vị vua được người dân Chăm tôn lên làm thần, làm vua của tiểu quốc Panduranga vào khoảng những năm từ 1627 đến năm 1651. Lễ hội Katé diễn ra trong khoảng 1 tháng ở các khu vực rộng lớn, thường là đền, tháp trong làng, là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, sinh hoạt, tập tục, tín ngưỡng, mỹ thuật thông qua các đồ cúng tế, những y phục và những bản thánh ca ca ngợi những vị vua hiền có công với đất nước và dân tộc. Đây cũng là dịp để trai tài gái sắc phô diễn trước công chúng những điệu nhảy, bài ca mang đậm bản sắc Chăm độc đáo, hòa với tiếng kèn Samanai, tiếng trống Ginang làm lay động lòng người. Theo nhịp điệu của kèn, trống, những vần thơ ca ngợi sự hưng thịnh, sản vật trăm hoa, trăm quả, trăm nghề vang khắp cả đất trời. Chính giờ phút linh thiêng ấy, con người Chăm trần thế đang giao tiếp với các vị thần, đánh thức cả những ngôi đền, ngôi tháp phủ màu bụi thời gian đua ra trăm sắc trăm hương. 


Lễ hội Katé được chia ra làm 5 lễ chính bao gồm: lễ rước y trang, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần và cuối cùng là đại lễ, diễn ra ở ba địa điểm là đền tháp, làng, và nhà (gia đình). Xong lễ hội ở đền tháp, người ta mới bắt đầu lễ Katé ở làng một vài ngày sau đó rồi mới tiếp tục lễ ở từng gia đình. Nếu như lễ hội Katé ở đền tháp nghiêng về phần lễ, nặng tính tâm linh nghi thức chuẩn mực, thì lễ hội Katé ở làng và ở gia đình phần lễ lại nhẹ hơn mà chủ yếu tập trung vào phần hội - khi mà các hoạt động tương tác giữa các dân tộc Chăm thực sự diễn ra. 


Ở lễ hội đền tháp, người làm chủ lễ là thầy cả sư (Po Dhia), cùng với đó là thầy kéo đàn Kanhi (On Kadhar) hát thánh ca, bà bóng (Muk Payau) dâng lễ và ông từ (Camunay) chủ trì lễ tắm thượng. Ngoài ra còn có một vài tu sĩ Bà La Môn sẽ làm phụ lễ. Các lễ vật dâng lên sẽ bao gồm 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế ở tháp, 5 mâm cơm, canh cúng với thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả. Tuy nhiên đây chỉ là những lễ vật được dâng lên cúng ở tháp, dưới chân tháp còn đến hàng trăm mâm cỗ được dâng lên bởi những người đi tham gia lễ. Đầu tiên, cộng đồng em út Raglai như đã nêu trên sẽ bắt đầu rước y phục của nữ thần Po Nagar (Mẹ xứ sở) từ trên núi lên đến tháp. Người Chăm làm lễ đón y trang do người Raglai truyền lại để chúng vào một ngôi đền gần tháp. Trước khi tiến hành làm lễ thì đoàn người Raglai đã tập trung đông đủ, chờ ông từ giữ đền làm lễ dâng trứng, rượu, trầu cau xin rước y trang của Mẹ xứ sở về để làm lễ. Trong không khí trang nghiêm, vị cả sư và ông từ trông coi tháp tiến hành lễ mở cửa tháp bằng cách đọc một vài câu thơ trong kinh hành lễ: 


            "Chúng con lấy nước từ sông lớn 
            Chúng con đội về tháp tắm thần
Thần là thần của trời đất
                          Chúng con lấy những tấm khăn đẹp nhất
                                Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần ..."


Sau đó, ông từ cầm lọ nước tắm thần tạt lên bức tượng thần Siva ở vòng chính của tháp. Bà bóng và thầy kéo đàn từ từ tiến lại cửa tháp rồi ngồi xuống, hát thánh ca mở tháp trong khói hương nghi ngút. Tiếp đến, cửa tháp được mở và ông từ bắt đầu tiến hành lễ tắm tượng thần. Lễ này sẽ được diễn ra trong đền tháp, chính vì vậy nên chỉ có những người tổ chức buổi lễ chính mới được tham gia. Trong đền, cả vị cả sư, ông từ, bà bóng, thầy kéo đàn Kanhi sẽ đều tham gia tắm cho thần, trước hết qua những lời trong kinh cổ rồi sau đó mới bắt đầu cầm lọ nước tắm vẩy lên tượng đá. Những người tham gia tắm cho tượng đều lấy chút nước tắm thoa lên cổ, lên đầu để lưu lại sức khỏe, may mắn, tài lộc mà thần ban. Theo đó sau khi tắm tượng thần xong, các tu sĩ hỗ trợ ông từ và vị sư cả làm lễ mặc y phục cho tượng thần. Thầy kéo đàn bắt đầu hát một bài thánh ca, cứ hát đến đâu thì mặc cho tượng thần đến đấy, bắt đầu từ dưới lên, từ mặc váy rồi mới đến mặc áo. Cuối cùng là đại lễ được tổ chức khi tượng đã mặc xong xiêm y lộng lẫy. Thầy kéo đàn sẽ bắt đầu hát để mời 30 vị thần xuống chứng giám lòng thành và dự lễ, mỗi vị thần một bài thánh ca riêng. Bà bóng bắt đầu điệu nhảy thiêng của mình để kết thúc đại lễ, dưới chân tháp thì hội cũng bắt đầu mở với âm thanh dìu dặt của kèn Samanai và nhịp thôi thúc của trống Ginang. 


Một vài ngày sau lễ ở đền tháp, người dân tiến hành lễ hội Katé làng. Lúc này lễ hội sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều, người chủ trì buổi lễ sẽ không mang tính chất tôn giáo nữa mà chủ yếu sẽ là già làng. Để chuẩn bị cho phần lễ và hội làng, dân làng sẽ tụ họp nhau lại quét dọn đền thờ, ngôi nhà chung của làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi. Sau khi dâng lễ vật cầu mong cho dân làng bình an, khỏe mạnh và phát đạt, các trò chơi cổ truyền sẽ được tổ chức. Một vài trò chơi có thể kể đến như thi dệt vải (ở làng Mỹ Nghiệp), thi đội nước, đá bóng, văn nghệ,... Cuối cùng, người dân về gia đình của mình và làm lễ Katé gia đình. Lễ này khá giống như Tết Nguyên Đán của người Kinh khi các thành viên trong gia đình sẽ dâng lễ vật lên tổ tiên, thần linh, cầu mong phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn phát đạt. Đây cũng là một dịp để gia đình tụ họp đông đủ, ăn uống và chúc cho nhau những lời chúc tốt lành, hạnh phúc cả về cuộc sống lẫn công việc, là một ngày tết đoàn viên thực sự dành cho người con đồng bào dân tộc Chăm. 


Có thể thấy, mặc dù dân tộc Chăm ở nước ta chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nền văn hóa Ấn Độ, song, lễ hội Katé lại là một lối đi riêng biệt hoàn toàn, là tinh hoa của sự học hỏi văn hóa ngoại lai và sự phát triển của văn hóa bản địa. Nếu như người Ấn thờ thần linh và cầu mong sự che trở từ các thế lực siêu nhiên, dân tộc Chăm Bà La Môn ở Việt Nam dù phần nào đó cũng thờ thần, nhưng họ lại biết kết hợp với tín ngưỡng dân gian khi thờ thêm cả những vị anh hùng dân tộc, người có công với đất nước và nhân dân. Mối giao thoa ấy tạo nên một bản sắc riêng, một góc nhìn riêng về văn hóa độc đáo này. Đặt trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á hiện nay đang dần có sự ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau, chính sự phá cách đặc biệt ấy đã giúp cho tín ngưỡng của người Chăm mãi trường tồn mà không bị mai một như những dân tộc khác. Đó là mấu chốt biểu hiện sức sống mãnh liệt, làm đa dạng hóa diện mạo lễ hội Katé, đồng thời góp phần làm phong phú thêm cho vườn hoa văn hóa đa sắc, đa màu của các dân tộc Việt Nam. Nhờ có sự độc lạ hiếm thấy này mà vào năm 2019, Sở Văn hóa, Truyền thông và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã triển khai việc lập và trình UNESCO công nhận lễ hội Katé là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bước tiến này như thêm phần khẳng định giá trị văn hóa mà lễ hội này mang lại và sự thành công trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội mà ngành văn hóa, truyền thông và du lịch tỉnh Ninh Thuận đã đạt được. 




 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...