Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Nghệ thuật trà Việt - thanh tao và nhã nhặn

"Bán dạ tam bôi tửu
  Bình minh sổ trản trà
  Nhật nhật cứ như thử
  Lương y bất đáo gia."


Dịch nghĩa: 
"Buổi tối ba chén rượu
  Sáng ra uống chén trà
  Ngày nào cũng như thế
  Thầy thuốc không đến nhà." 
(Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác)


Mời trà và thưởng trà từ lâu đã trở thành một trong những nét văn hóa lâu đời của các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi nơi một khác, từ loại trà được chọn lọc kỹ lưỡng, đến cách thưởng trà cũng vô cùng khác nhau. Đặc biệt, phong cách uống trà của người Việt ta không hề bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc hay Nhật Bản như quan niệm của nhiều người, bởi lẽ từ phong cách ấy, ta dễ dàng nhận ra được quy tắc xử sự, đối nhân xử thế đậm đà bản sắc Việt Nam, ở đó con pha nước mời ba mẹ ông bà, vợ pha nước mời chồng. Từ việc kỹ lưỡng chọn lá trà thơm, cùng pha trà theo phong thái đầy sự tỉ mỉ, cẩn trọng đến tay trao tay chén trà nóng, cùng nhau uống những ngụm đầu tiên, tất cả đều tôn lên một nét chấm phá đầy lễ nghi, nhưng cũng vô cùng độc đáo mà có lẽ, không ở đâu có được như nghệ thuật thưởng trà Việt.


Lội ngược dòng lịch sử, trước hết ta cùng tìm hiểu nguồn gốc cặn kẽ của trà Việt - thức uống tươi mát đã thấm nhuần vào đời sống văn hóa, thi ca nhạc họa của dân tộc và cách thức pha trà đầy thú vị. Nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng, dấu vết trà Việt đã có niên đại vô cùng lâu đời, từ thời các Vua Hùng, mà cụ thể hơn là đời vua Hùng Duệ Vương (408 - 258 TCN). Truyện kể rằng quý phi của Vua Hùng đã từng về làng Văn Luông (nay được đổi tên là Văn Phú), Phú Thọ ngày nay dạy dân trồng chè, trông bông và canh tác sinh sống. Người dân đời đời nhớ ơn vị quý phi, liền tụ về nơi đây an cư lạc nghiệp, lập nên xóm Bãi Chè, Bãi Bông vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chè Việt và phong cách uống trà vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, ta cũng cần phải đặc biệt chú ý tới sự khác biệt rõ nét của giới Hoàng tộc và bình dân ngày xưa khi pha trà. Trong khi người trong Hoàng Cung pha trà rất cầu kỳ và tỉ mỉ, nước dùng phải là loại sương tinh khiết đọng trên búp sen khi trời chưa sáng thì các cụ khi xưa chủ yếu lấy nước mưa pha trà, để trà còn có chút vị ngọt lưu lại nơi cổ họng. Đối với từng loại trà khác nhau mà ta có những loại ấm khác nhau. Trước khi pha trà cần phải tráng ấm qua nước sôi, vừa là để ấm trà nóng lên giúp lưu giữ hương vị trà, đồng thời cũng là một cách khử khuẩn đơn giản trước khi pha. Bỏ trà vào ấm rồi rót nước sôi từ trên nắp ấm xuống để cánh trà được thấm dần đều. Hiện nay, để khử bớt phần cặn của trà, khi cánh trà được thấm dần đều người ta còn đổ đi lượt nước đầu tiên, rót lượt nước thứ hai rồi đợi cho trà thấm mới thưởng thức.



  



Vậy, hiện nay ở Việt Nam có những loại trà nào? Trên thực tế, trà ngon ở Việt Nam có thể được tìm thấy ở các vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai hay Lai Châu. Ở độ cao trên 1000m, những lá trà may mắn được thiên nhiên ban tặng những điều kiện thuận lợi để hấp thụ tinh hoa đất trời, cho ra những sản phẩm trà đầy đậm đà và thơm ngon. Những loại trà phổ biến ở Việt Nam có thể kể đến như trà hương, trà sen, trà mạn, chè tươi, trà hoa sứ và trà ngũ hương. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin được đề cập tới ba thức trà phổ biến nhất hiện nay của người Việt mình, đó là trà hương, trà mạn, và chè tươi. Trà hương là thức trà đặc trưng của Việt Nam. Sở dĩ gọi là trà hương, vì người Việt Nam rất thích uống trà ướp hương hoa, có thể đặc biệt kể đến như trà sen, trà ngũ hương hay trà hoa sứ. Thú thưởng trà ướp hương chủ yếu đến từ sự cầu kỳ khi chuẩn bị chén nhỏ uống trà, khi các chén được tráng qua một lượt nước nóng rồi úp lên các cánh hoa bất kỳ (hoa sen, hoa ngâu, hoa cúc, v.v) để ly lưu lại hương hoa, từ đó rót trà vào thưởng thức. Trà ướp hương mang đến sự thưởng thức đầy thi vị, từ vị ngọt của nước trà đến hương hoa thoang thoảng chạm nhẹ nơi đầu môi. Tiếp đến phải kể tới trà mạn, là loại trà không được ướp hương. Những người uống trà sành điệu miền Bắc thường chuộng thức uống này hơn, vì nó giữ nguyên bản được cái vị của trà. Khác với trà ướp hương, trà mạn đề cao tính thưởng trà đạt đến ngưỡng độ nghệ thuật khi đề ra những yêu cầu vô cùng khắt khe về trà, nước pha trà, ấm pha và cách thức thưởng thức. Tùy thuộc theo loại trà (trà mạn Tàu hay trà mạn Thiền) mà phong cách thưởng trà cũng rất khác nhau, khi trà mạn Tàu chủ yếu gợi lên tinh thần uống trà đậm tính Trung Hoa, trà mạn Thiền lại lấy trà làm duyên để hướng vào tâm, chủ yếu nghiêng về giáo dục con người. Cuối cùng, một trong những thức trà bình dân, mang đậm tình làng nghĩa xóm nhất phải nói tới trà tươi (chè tươi) - cách uống trà cổ xưa nhất của người Việt. Trà tươi đúng như tên của nó được chế biến từ lá trà chưa qua xử lý, được rửa sạch sẽ, vò nhẹ rồi cho vào nồi nấu. Cứ vậy mà trà được rót ra các bình to rồi thưởng thức. 






Khi đã pha xong một ấm trà, mời trà và thưởng trà cho đúng mới thể hiện hết được tinh hoa hồn trà Việt. Mời trà là một trong những nghi thức tiếp khách phổ biến nhất trong mọi gia đình, thể hiện sự thanh tao, nhã nhặn mà vô cùng hiếu khách. Ở đó, điều kiêng kỵ số một trong mời trà là mời khách tách trà nguội hay trà vẫn còn cặn bẩn đóng ngấn hoen ố của nước trà cũ. Mời trà là mời từ cái tâm, là thể hiện cái tâm của gia chủ đối với khách, chính vì thế mà loại trà dù hảo hạng hay không cũng không quan trọng. Trên hết, sự hiếu khách thể hiện qua cách pha trà, cách trao chén trà mời khách. Gia chủ Việt thường sẽ dùng hai tay để trao chén trà, một tay đỡ bên chén, một tay đỡ đáy chén để mời, khi uống trà cũng tương tự như vậy. Uống trà cũng uống từng ngụm nhỏ chứ không vồn vã, cảm nhận từng dư vị thơm ngon của trà từ lúc chạm đầu lưỡi đến khi trôi xuống cuống họng. Hai tay nâng đỡ chén trà cũng nhờ thế mà cảm thấy rõ rệt hơi nóng phả vào bàn tay, ấm áp như tình hữu nghị giữa hai bên. Có thể nói, uống trà là một cách biểu thị sự tâm đắc và cảm tình giữa những người đối thoại. Nhưng đó lại là câu chuyện về mời trà tiếp khách, vậy còn việc thưởng trà diễn ra như thế nào? Thưởng trà có lẽ là một thú chơi đầy tính thi vị, khi riêng khái niệm về thưởng trà đã vượt ra khỏi không gian thông thường, vượt ra cả những ý niệm cơ bản nhất về trà và về tiếp đãi. Thưởng trà là món ăn tinh thần, trải nghiệm qua nhiều giác quan chứ không chỉ có mỗi vị giác hay khứu giác. Các cụ ngày xưa cầu kỳ hơn thế khi có các hội trà. Đó là trà thưởng xuân, trà thưởng hoa hay trà ngũ hương. Tết đến xuân về, các cụ dạy sớm đi sắm cây đào, cây mai về bày trí cho nhà cửa, rồi chọn cho mình một vị trí thích hợp nhất (thường là giữa nhà) để nhâm nhi chén trà nóng ngắm hoa nở rộ. Khi nhà nào có cây hoa quý mới nở, các cụ lại cùng nhau tụ họp lại bàn luận về hoa, nói về thế sự, trao nhau những chén trà như một sự liên kết giữa các câu chuyện. Hội trà ngũ hương lại là một thú chơi hoàn toàn khác. Các cụ tụ tập lại nhưng thay vì luận bàn về hoa, các cụ sẽ cùng nhau thưởng trà ngũ hương, mỗi người sẽ đoán hương trà mình đã uống và nhận xét. Sau mỗi tuần trà sẽ lại hoán vị các chén trà để tất cả mọi người đều thưởng thức được tinh túy của năm loại hoa. 

Tóm lại, nghệ thuật trà thanh tao và nhã nhặn đã hội tụ đầy đủ sự tinh tế về những khía cạnh của văn hóa ứng xử của người dân Việt Nam. Pha trà, mời trà và thưởng trà đã trở thành một trong những nét đẹp truyền thống, mang đậm tính triết học dân gian với cái tiếp cận đầy nhân tính với không gian và sự ứng xử hợp lý với thời gian. Ở đó, nghệ thuật trà là cầu nối cho sự giao thoa hữu tình giữa người với người và người với cảnh, tạo nên một thể thống nhất mang đậm nét cổ truyền hào hoa, phong nhã. Cùng với thời gian, nghệ thuật trà tuy đã dần mai một với những biến thể khác nhau trong loại trà hay cách pha, nhưng mối tâm tình thể hiện qua trà vẫn luôn được giữ gìn và phát huy đến thế hệ sau này. Là một người trẻ trên con đường lan tỏa những nét đẹp văn hóa Việt, tôi tự hào đại diện cho một tầng lớp những người đào sâu tìm hiểu, nắm bắt những nét tinh hoa xưa cũ và ngày ngày giữ gìn, phát huy và lan tỏa nghệ thuật trà đến mãi về sau. 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...