Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Tranh Đông Hồ: đỉnh cao của nghệ thuật dân gian Việt Nam


 

Nền hội họa dân gian Việt Nam đã có một bề dày lịch sử cả ngàn năm, được ghi nhận sớm nhất vào thời Lý (thế kỷ 12) khi đã xuất hiện một vài gia đình, thậm chí cả một làng chuyên làm khắc ván, làm tranh. Trải qua những thăng trầm của thời gian đến đời nhà Mạc (thế kỷ 16) , tranh dân gian không còn là sản phẩm riêng của những người nông dân nữa, mà nó đã trở thành một thú chơi sang của giới quý tộc ở kinh thành Thăng Long, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán. Một hai thế kỷ sau, tranh dân gian bước vào một giai đoạn ổn định khi khắp nơi xuất hiện những làng nghề làm tranh, có thể kể tới như tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng ở Hà Tây hay tranh làng Sình ở Huế. Trong số những làng tranh ấy, nổi bật hơn cả là những sản phẩm tranh "Đám Cưới Chuột", "Lý Ngư Vọng Nguyệt", v.v của làng tranh Đông Hồ. 


Tranh Đông Hồ xuất phát từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh từ đầu thế kỷ 17. Nơi đây vốn là một vùng đất trù phú, nông nghiệp phát triển và người dân có đời sống văn hóa cao, chính vì thế mà có lẽ đây là nền tảng để những bức tranh mộc mạc, mang đậm tính dân dã thôn quê ra đời. Tính đến năm 1945, làng Đông Hồ có đến 17 dòng họ làm tranh, song, do những biến cố lịch sử và thay đổi của thời thế, đến nay chỉ còn hai nhà làm tranh là gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế. Họ cũng chính là những người cuối cùng của làng tranh nổi tiếng này còn lưu giữ và phục chế nhiều bản khắc gỗ phục vụ cho việc in tranh. Từ xa xưa, tranh Đông Hồ đã trở thành một trong những đồ trang trí không thể thiếu trong Tết Nguyên Đán. Cùng với "thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ", tranh Đông Hồ xuất hiện trong nhà của người dân Việt Nam, đặc biệt ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, như một phong tục đón Tết đón xuân về. Chơi tranh Đông Hồ không phải chỉ để tân trang nhà cửa đón mừng năm mới, thú chơi tranh cốt còn là sự mong cầu niềm hạnh phúc, bình an thông qua những thông điệp gửi gắm trên tranh. Với nhiều mẫu mã, thể loại, mỗi một bức tranh Đông Hồ đem đến một góc nhìn khách quan về một phần đời sống lao động của nhân dân ta, từ chăn trâu thổi sáo, hứng dừa, đến những phong tục như đám cưới, đấu vật, cả thảy tạo nên toàn cảnh làng quê Việt Nam và gửi vào trong đó Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý. Tranh dân gian Đông Hồ càng xem càng thêm chiêm nghiệm những lớp nghĩa sâu sắc, chứa đựng ẩn ý, răn dạy chi tiết về mọi điều đúng sai, đối nhân xử thế với tinh thần lạc quan, tha thiết với cuộc sống. Ngày nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 


Điểm nổi bật chung của những bức tranh dân gian đó chính là chất liệu tạo nên bức tranh. Nếu như trong mỹ thuật hiện đại ở Việt Nam (1925 - nay), các tác phẩm lớn mang tính sâu thẳm, tính phức tạp và tính nguyên sơ với các chất liệu như sơn dầu, sơn mài, v.v thì những bức tranh dân gian lại độc đáo hơn cả với màu sắc và giấy in hoàn toàn từ tự nhiên. Giấy dùng để in tranh được gọi là giấy Dó, vốn vì được chế tạo thủ công từ cây Dó, có đặc điểm như mỏng, xơ, thấm màu và không bị nhòe khi in. Bao bên ngoài lớp giấy in này là một thứ bột đặc biệt, mà người ta hay gọi là hồ điệp. Cái tên "Điệp" có nguồn gốc từ con sò điệp, bột được tạo ra từ vỏ sò được nung nóng rồi nghiền nhỏ, trộn với hồ nấu từ gạo tẻ hoặc gạo nếp. Sau đó, người nghệ nhân sử dụng một cái chổi chuyên dụng làm từ lá thông, quét hỗn hợp lên tranh. Thế mới thấy, nền tranh của tranh Đông Hồ có một màu lạ so với những loại giấy thông thường. Tùy vào cách thức trộn hỗn hợp và pha nước, nền tranh thường ngả ra ba loại màu đặc trưng là vàng chanh, trắng điệp và đỏ cam. Bên cạnh đó, màu in cũng phải loại màu hóa chất pha trộn như bây giờ, mà hoàn toàn lấy từ nguồn thiên nhiên có sẵn như hoa, lá, quả. có thể kể đến như màu đen lấy từ than tre hay than xoan, màu vàng từ cây hoa hòe, màu chàm xanh từ lá chàm. Cũng chính vì nguồn gốc từ thiên nhiên, nên người nghệ nhân cũng đặt tên cho loại màu in này những cái tên rất kêu: đỏ vàng vì lấy từ cây vang, đỏ son do được mài từ cây son. Tuy nhiên, chỉ màu và giấy thôi là chưa đủ, để có được tờ tranh, người nghệ nhân còn phải chế ra bản in. Có hai loại bản khắc  là bản khắc nét và bản khắc màu. Hai bản khắc với hai mục đích khác nhau nên loại gỗ được chọn làm bản cũng có những tính chất riêng. Đối với bản khắc màu, người ta thường chọn gỗ vàng tâm vì vàng tâm có thớ mềm, xốp, dễ hút màu hơn. Ngược lại, bản khắc nét lại thường làm từ gỗ thị, gỗ mõ, gỗ lồng mực vì chắc, bền, có thớ mịn, dẻo. Người nghệ nhân cứ thế truyền tay nhau in các màu trước rồi mới in nét, có bao nhiêu màu trong tranh thì có bấy nhiêu bản khắc màu và lần in. Cứ vậy sau khi xong hết các màu thì lại in nét để chặn các mảng màu lại với nhau. 


Từ đó, làng nghề Đông Hồ đã cho ra biết bao nhiêu tác phẩm độc đáo mà ở đó, người nghệ nhân đã truyền tải mọi mặt của đời sống người dân Việt Nam. Cái hấp dẫn của tranh Đông Hồ là không chỉ đề cập đến những sự vật gần gũi như: thóc đầy bồ, gà đầy sân, ước mong vinh hoa phú quý mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh, sâu sắc. Để điểm qua một vài tác phẩm, ta có thể kể đến tranh Ngũ Hổ, tranh Lợn, tranh Gà, tranh Đánh Ghen hay tranh Hứng Dừa. Trong nội dung bài viết này, tôi xin phân tích cụ thể ý nghĩa một vài bức tranh nổi tiếng của làng Đông Hồ, cụ thể là tranh Đám Cưới Chuột và tranh Hứng Dừa. 


Đám Cưới Chuột là một trong những bức tranh vô cùng nổi tiếng của làng Đông Hồ, là một tấm gương phản chiếu xác thực nhất xã hội phong kiến suy đồi. Bức tranh gồm hai mảng hình, mảng bên trên vẽ bốn con chuột đang dâng lễ vật lên con mèo. Cả bốn con chuột đều rất khúm núm, khom mình trước con mèo với dáng vẻ hung ác, cường quyền. Những dòng chữ Hán được thêu bên trên, từ trái qua phải có thể dịch thành: "Thủ thân" tức là giữ thân, "Lão thử" có nghĩa là con chuột già, "Tác lạc" là thổi kèn. Giữa con chuột đầu đàn và con mèo có chữ cống "Lễ", đằng sau con mèo có chữ "Miêu", là chữ "Mèo" trong tiếng Hán. Có thể đúc kết lại ở đây là mảng màu bên trên đã khắc họa rõ nét cảnh dòng họ nhà chuột đang dâng lễ vật lên con mèo. Mảng bên dưới của tranh là cảnh đám cưới ngày xưa, nổi bật lên là dòng họ nhà chuột, con thì nâng kiệu, con thì cầm lán che, con lại cưỡi ngựa, dáng vẻ rất hân hoan, trái ngược hẳn với mảng tranh bên trên. Xâu chuỗi lại hai mảng bức tranh, ta có thể mường tượng ra cảnh dòng họ chuột biếu lễ vật lên mèo nhằm thể hiện sự cung kính, mong cầu con mèo không phá đám, tung hoành làm hỏng lễ cưới của họ nhà chuột. Điều này đã thể hiện sự thối nát của xã hội phong kiến, khi nạn tham ô, cường quyền xảy ra tràn lan trong hệ thống quan lại triều đình (con mèo), luôn tìm cách đàn áp, bóc lột dân chúng đến cùng cực (họ nhà chuột), muốn yên thân phải đi đút lót cho bọn cường hào ấy. Có thể nói, bức tranh đã mang tính ẩn dụ đả kích sâu cay đối với bộ máy chính quyền đương thời. Ngày nào mà còn nạn tham ô tham nhũng, thì ý nghĩa bức tranh "Đám Cưới Chuột" còn được nhớ tới với những giá trị nhân văn, hiện thực. 


Ở một khía cạnh khác, bức tranh Hứng Dừa lại đem đến cho người xem cuộc sống đôi lứa, vợ chồng đầy hòa hợp. Tranh thể hiện một hạnh phúc viên mãn, người chồng trèo lên cây cao hái dừa, người vợ cùng những đứa con ở dưới hứng dừa. Tưởng chừng như bức tranh chỉ tái hiện lại cuộc sống bình dị, dân dã của gia đình Việt Nam như bao bức tranh khác nhưng ẩn ý đằng sau thì còn nhiều hơn thế. Người chồng trèo lên cây cao hái dừa, là ẩn dụ cho trách nhiệm người làm cha, vượt qua khó khăn thử thách để vươn đến đỉnh cao, và hái dừa chính là quả ngọt được gặt hái, là thành công sau mọi quãng đường ấy. Ở dưới, vợ và các con hứng dừa, vừa là để san sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc với chồng, nhưng đồng thời cũng thể hiện cho một hậu phương vững chắc, luôn sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, đốc thúc tinh thần người chồng nơi tiền tuyến. Hai đứa con bám chặt vào thân dừa, như biểu thị cho sự san sẻ gánh nặng trên vai người cha, tạo nên tam giác nhân quả: vợ - chồng - con cái trong một gia đình nề nếp, gia phong như thân dừa thẳng. Hai câu thơ tham gia trong bố cục tranh càng củng cố thêm cho nhận định ấy, có thể dịch sát nghĩa từ tiếng Hán như sau:


"Khen ai khéo dựng nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi."


Chung quy lại có thể thấy rằng, tranh Đông Hồ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật trong từng khâu sản xuất, mà còn đầy tính nhân văn trong việc phân phối màu sắc, châm biếm và phản ánh hiện thực xã hội. Một bức tranh Đông Hồ không những đại diện cho nét đẹp lao động, sự sáng tạo trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên có sẵn mà đằng sau đó, những mảng màu cuộc sống hiện lên thật rõ nét và độc đáo. Càng lớn, ta càng thêm chiêm nghiệm, càng thêm suy tư khi xem tranh Đông Hồ, không chỉ bởi vị sự thán phục bàn tay người nghệ nhân, mà còn bởi những lớp nghĩa xã hội mà ta nhận ra rằng, đâu đó ở thời kỳ này vẫn còn hiện hữu. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...