Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Thương nhớ Phố Phái


 


Vào khoảng giữa những năm 50 của thế kỷ trước, có một người con Hà Nội đã trót nặng tình nặng nghĩa với đất thủ đô ngàn năm văn hiến, để rồi bằng ngòi bút tài hoa đã phác thảo nên những bức tranh sơn dầu độc đáo, tôn vinh lên nét quyến rũ lịch sử của mảnh đất này. Không ai khác đó chính là họa sĩ Bùi Xuân Phái, người đã tái hiện lên Hà Nội đầy xúc cảm với những nét thâm trầm kiêu hãnh. Tìm xem tranh của ông, ta thấy một Hà Nội đơn sơ, những gian nhà cổ nằm san sát nghiêng mình theo từng đợt gió, là những chiếc xích lô ngang qua phố cũ, là gánh hàng rong vất vả ngược xuôi. Một mảnh hồn người phải gắn bó thân thiết lắm mới có thể họa ra những bức tranh sống động đến như thế, để rồi khái niệm "Phố Phái" từ đó vẫn còn mãi trong hoài niệm thương nhớ của rất nhiều người cho đến ngày hôm nay. 


Họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) sinh ra tại xã Vân Canh, huyện Hà Tây, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) và lớn lên trong một gia đình tiểu tư sản trung lưu trên phố Hàng Thiếc, sau chuyển về số 87 Hàng Bút hay chính là phố Thuốc Bắc ngày nay. Lớn lên giữa lòng phố cổ đầy hoài niệm với nếp sóng vất vả ngược xuôi, ông đã dần thuộc lòng mọi con đường, ngõ ngách, và cũng chính vì hoàn cảnh sống như vậy mà ông được truyền cảm hứng để vẽ về những con phố thân thuộc ấy. Xuất thân là sinh viên tốt nghiệp khoa hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941 -1945, ông đã từng tham gia kháng chiến và tham dự triển lãm ở nhiều nơi. Trong đó phải kể đến sự thành công của ông trong triển lãm ở Tokyo, đem về giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1946. Là những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng thời với Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, ông nổi bật với đam mê mảng đề tài phố cổ với chất liệu sơn dầu. Trong thập niên 70, tranh của ông đã vô cùng nổi tiếng và được giới mộ điệu ưu ái đặt cho dòng tranh cái tên "Phố Phái". Đó là bởi vì trong những năm tháng vất vả tiêu điều ấy, người Hà Nội mới nhận ra những góc phố tuy rất đỗi thân quen, đầm ấm nhưng cũng không kém phần thi vị vẫn hiện hữu tồn tại trong lòng thủ đô. Từ đó, họ nhìn tranh của ông mà thêm thấm, thêm yêu và trân quý từng mảnh đời người một thời mà tấm tắc khen ông "như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ" (theo Thái Bá Vân).      

Phong cách sáng tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái được phát triển qua các thời kỳ, từ khi ông còn là sinh viên cho đến khi ông có một chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa nghệ thuật nước nhà. Bức tranh vẽ phố đầu tiên của ông được vẽ vào những năm 1940, có tên là "Phố Hàng Phèn". Bức tranh này sau đó đã được vinh dự tham gia triển lãm ở Tokyo và có người mua ngay lập tức. Trong suốt những năm sau đó đến tận năm 1960, ông vẫn chưa có một phong cách cụ thể, hay một đề tài nào chuyên sâu, ông thường vẽ những bức tranh mang tính thể nghiệm, đột phá theo trường phái hiện đại thời bấy giờ, tiêu biểu là những bức khỏa thân và tranh tĩnh vật được thể hiện theo trường phái lập thể. Đâu đó quanh thời điểm này ông cũng cho ra đời những bức tranh phố cổ, tuy nhiên giới mộ điệu cho rằng những bức tranh ấy so với thời kỳ sau này thì còn chưa đặc sắc, dù ông chăm chút rất nhiều về các chi tiết, khác hẳn với sự khái quát sau này được thể hiện trong tranh. Sang đến những năm sau 1960, người ta mới thấy được cái hồn Hà Nội trôi nổi trong tranh, từ đó mới chia mảng đề tài phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ra làm ba giai đoạn chính: Thời kỳ Nâu (1960 - 1970), thời kỳ Ghi Xám (1970 - 1980) và thời kỳ Lam (1980 - 1988). Đi vào cụ thể, có thể nói thời kỳ Nâu mang dấu ấn đặc trưng nhất về phong cách, tinh thần Bùi Xuân Phái. Đặc trưng những bức tranh của ông trong thời kỳ này nổi bật lên là những khung cảnh phố cổ Hà Nội còn nguyên sơ, chưa sửa sang, cơi nới. Cái tên "Nâu" được đặt cho thời kỳ này cũng không phải là không có nguyên do. Tranh ông bấy giờ thường bàng bạc đượm buồn, cô đơn và hoài cổ. Xem tranh ông trong thời kỳ này có thể dễ dàng nhận ra sự tiếc nuối bao trùm, những góc phố vắng người qua, những mái nhà thâm nâu yên ắng lặng nằm trên sự tĩnh mịch phủ toàn con phố. Những ngôi nhà điểm các ô cửa sổ bằng vệt màu thẫm cũng phần nào thể hiện nỗi bi ai, bất lực và khốn khó của ông trong cuộc đời. Sang đến thời kỳ Ghi Xám, sự thay đổi của xã hội con người cũng có những ảnh hưởng nhất định lên những bức tranh, ở đó trên phố không còn những người đàn ông mặc áo dài nữa, những người bán dong được thay màu áo mới, các ô cửa sổ được vẽ kỹ hơn, xe bò kéo cũng không còn xuất hiện. Thời kỳ này, Bùi Xuân Phái vẽ tranh với gam màu ghi xám, nét vẽ tung tẩy, nhẹ nhàng, phong cách dần ngả sang theo hướng trừu tượng hóa. Cho đến tám năm cuối đời mình, thời kỳ Lam ghi dấu ấn với nét vẽ tươi vui, màu tranh trở nên nhẹ nhõm với gam màu ấm của nắng, của những vệt áo đỏ qua đường. Ông cũng bắt đầu tham dự nhiều triển lãm hơn, cả trong và ngoài nước, và đây cũng là thời kỳ mà tranh của ông được biết đến rộng rãi. Giới trẻ và người ngoại quốc yêu thích tranh ông trong thời kỳ này hơn cả. 


Từng giai đoạn là từng mảng màu khác nhau tạc nên Hà Nội một thời khó khăn thiếu thốn mà vẫn rất nên thơ, cho thấy ông là một họa sĩ hiểu rất rõ về chủ đề nghệ thuật của mình. Con người thật thà chỉ biết vẽ sự thật, chỉ có thể biểu lộ những nỗi niềm thật. Bùi Xuân Phái sẽ không bao giờ vẽ những gì mà ông không thấu đáo. Nhiều lúc lang thang trên phố cổ nội thành, người ta còn hay bắt gặp một người đàn ông gầy gò với vẻ mặt tương đối lãnh đạm cùng một cuốn sổ nhỏ, bìa cứng và chiếc bút chì mòn vẹt trong tay. Ông tỉ mẩn ghi chép từng mái nhà, từng ô vuông cửa cho tới từng ngã ba, góc phố, người đi qua hay những ngôi nhà cũ lam nham khói bếp. Đến khi sáng tác, ông chỉ cần mở lại cuốn sổ của mình ra, hồi tưởng lại khung cảnh mình đã chép lại rồi đặt vào đó một dòng cảm xúc, một cái hồn phủ đượm lên tranh và tác phẩm ra đời. Chính nhờ cách làm việc ấy, tranh vẽ phố của Bùi Xuân Phái luôn hiện lên tính thẩm mỹ nhưng không kém cạnh sự logic. Những ô cửa, căn nhà,... được lắp ghép với nhau theo trật tự viễn cận hoàn toàn chính xác. Bên cạnh đó, "Phố Phái" còn đem đến những bố cục cắt cảnh đầy bất ngờ và tài hoa, những nét đen khỏe khoắn, mới mẻ vạch ra trật tự con đường Hà Nội đầy sống động. Thế mới thấy, sẽ là nói không ngoa nếu ta ca ngợi Bùi Xuân Phái như một người thợ cần mẫn tạo dựng nên diện mạo của phố cổ Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ "Phố Phái" tồn tại từ nhiều năm trước khi họa sĩ còn sống, đấy là những bức tranh mang tầm tư tưởng chứ không chỉ còn là tả thực. Dưới đôi bàn tay tài hoa, đó có thể là trong veo mơ mộng nghe tiếng xích lô qua, là những "phố thâm nghiêm rợp bóng cây", là thưa thớt hàng liễu kéo dài đến Tháp Rùa xa tít tắp. Cái hồn của Hà Nội hiện lên không chỉ bằng màu sắc, bằng nét vẽ mà bằng cả tâm tình người con mảnh đất thủ đô ấp ủ trong đó. Bùi Xuân Phái yêu Hà Nội, Hà Nội và người Hà Nội cũng yêu Bùi Xuân Phái, chẳng có một ai yêu Hà Nội mà không mang trong tâm tưởng nỗi ám ảnh về phố cũ như trong tranh của ông. Chính tình yêu của ông đã thuyết phục người mua tranh chứ không nằm ở lí do nào khác. Người ta bị thuyết phục bởi chả có ai yêu phố cổ như cái cách ông yêu, chả có ai vẽ Hà Nội có hồn như cách ông vẽ. Người Hà Nội chia sẻ tình yêu của ông theo cách riêng, giản dị, không ồn ào và thầm chấp nhận ông là một phần rất tự nhiên trong cái đời sống văn hóa sâu lắng nhất, cùng với "Phố Phái" là nơi hội tụ những điều đẹp nhất còn được nhớ về ở đất Hà Thành. 


Phố Phái xưa và phố cổ Hà Nội nay đã có nhiều sự đổi khác, những căn nhà siêu vẹo trong lòng thành phố giờ được điểm tô bởi những ngôi nhà vững chãi hơn và hiện đại hơn. Dưới con mắt của giới trẻ, những bức tranh về phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái là một phần của lối sống nơi phố cũ, nơi những giá trị lâu đời và mới mẻ đan xen nhau, tôn nhau cùng phát triển. Nếu văn hóa đường phố độc lạ bây giờ được đại diện bởi các nguồn nghệ thuật ngoại lai, thì "Phố Phái" như một nét trầm lặng lẽ giữa thủ đô, ngày ngày được tôn vinh và nhớ về. Tìm về tranh của ông, là tìm về một dòng tranh có vị trí độc tôn trong kho tàng hội họa nước nhà, nơi ta thêm phần trân quý một thời Hà Nội đầy khó khăn nhưng tình yêu cho thủ đô thì vẫn luôn rực cháy. Với tất cả những giá trị như vậy, Bùi Xuân Phái xứng đáng được biết đến nhiều hơn nữa nhưng với tư cách một tượng đài yêu thành phố này da diết. 

>> Xem thêm: Hướng dẫn đổi vé máy bay Eva Air  

Tản mạn về tứ trấn Thăng Long xưa


  

Đất Thăng Long - Kinh Kỳ đã tròn 1011 tuổi với cả trăm lớp thế hệ truyền đời tiếp nối củng cố và xây dựng, có người đi, có người ở lại, song, trong tâm khảm của bất cứ ai từng sống ở mảnh đất lịch sử này cũng đều bồi hồi một niềm tự hào khó tả. Bom đạn, chiến tranh đã lùi xa, Thăng Long tuy có đổi mới nhưng vẫn giữ cho mình những giá trị cổ kính hiếm thấy ở thành phố khác, một chốn kinh thành nguy nga tráng lệ một thời vẫn còn vọng về. Đó là danh lam thắng cảnh Hồ Tây, là cột mốc số 0 hồ Hoàn Kiếm mộng mơ và cả những di tích văn hóa mà người đời tri ân. Trong số ấy, tứ trấn Thăng Long hiện lên như chứng tích về những huyền thoại che chở, dẫn lối cho người dân Kẻ Chợ muôn đời. 


Tìm hiểu về tứ trấn Hà Nội, người ta không khỏi ngạc nhiên bởi vẻ đẹp lịch sử lâu đời, từ kiến trúc, vườn tược hay khuôn viên, mà còn thán phục những điển tích điển cố về những thần thoại được giữ gìn trong lòng thủ đô. Năm 1010, sau khi rời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã rất chú tâm đến việc bảo vệ và quy hoạch nội đô, đảm bảo sự an toàn cho đời sống của nhân dân. Bên cạnh những rào chắn thiên tạo như: sông Nhị núi Tản, sông Tô núi Nùng, những lực lượng bảo vệ kinh thần về mặt tâm linh bao gồm bốn ngôi đền trấn yểm bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc, cụ thể là Đông trấn "Bạch Mã tối linh từ" (đền Bạch Mã) thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội, "Tây trấn từ" (đền Voi Phục) thờ thần Linh Lang, Nam trấn "Kim Liên từ" (đền Kim Liên) thờ Cao Sơn Đại Vương, và cuối cùng là Bắc trấn "Trấn Vũ quán" (đền Trấn Vũ) thờ Huyền thiên Trấn Vũ. Đi cùng với tứ trấn Thăng Long là bốn kinh trấn, có nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành ngay từ vòng ngoài khi kinh thành trực tiếp bị đe dọa. Đó lần lượt là trấn Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông và Sơn Tây. Ngoài công dụng trấn yểm long mạch, vượng khí của kinh thành, tứ trấn còn là nơi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng sôi nổi những ngày đầu xuân. Vua Lý Thái Tổ mỗi độ đầu năm sẽ đích thân đến từng trấn dâng hương, chính vì vậy mà truyền thống đó được lan truyền và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Bốn ngôi đền cũng vì thế mà đi sâu vào tiềm thức người dân kinh đô, trở thành nét độc đáo của tâm linh Thăng Long và niềm tự hào lịch sử của cha ông của người dân Việt. 


Đầu tiên là đền trấn Đông kinh thành - đền Bạch Mã, tọa lạc tại huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Được xây dựng vào thế kỷ IX, đây được coi là ngôi đền cổ xưa nhất trong tứ trấn Thăng Long. Trong đền thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương (thần Long Đỗ chính là vị thần núi Long Đỗ hay còn gọi là núi Nùng). Tương truyền rằng khi Lý Công Uẩn rời đô ra Đại La năm Canh Tuất 1010, khi đến khu vực này đã quyết định xây dựng mới lại một phần thành khi xưa. Ấy vậy mà đổ dồn biết bao tâm huyết và công sức thì lần nào thành cũng bị lở. Thấy làm lạ, nhà vua mới sai người đến cầu đảo thì bỗng từ trong đền, một con ngựa trắng đi ra, mang theo dấu chân rồi quay ngược lại trong đền. Linh tính mách bảo thần hiển linh chỉ dẫn, nhà vua sai người cứ theo dấu chân ngựa mà xây thì quả nhiên thành công, từ đó mới lấy tên là đền Bạch Mã. Cũng có một huyền tích khác kể rằng, năm xưa nước ta bị nhà Đường đô hộ, Cao Biền sai quân đắp thành Đại La, bỗng thấy trời tối tăm mù mịt, một vị thần cưỡi con rồng đỏ hạ phàm trên đám mây ngũ sắc. Thấy vậy, hắn dùng bùa chú trấn yểm thì đêm nằm mộng thấy thần hiển linh. Ngài đanh thép nói rằng: "Ta là tinh anh đất Long Đỗ, nghe nói ông sai đắp thành, cớ sao dùng bùa phép trấn yểm". Sau khi tỉnh dậy và bàng hoàng khi thấy sắt thép nơi trấn yểm bị lật tung lên hết, Cao Biền mới biết đây là vị thần thiêng nước Nam mà không dám tái phạm, bèn lập đền thờ để xin phù hộ. Qua nhiều lần sửa chữa, cho đến nay đền vẫn giữ được nét uy nghiêm tráng lệ. Đền quay mặt về hướng Nam, được bố trí hết sức hài hòa với nghi môn, phương đình, đại bái, cung cấm, thiêu hương, nhà hội đồng ở phía sau đền. Điểm đặc biệt ở đây là kiến trúc nội thất trong đền hoàn toàn làm bằng gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, bộ đỡ mái được làm theo đúng kiểu "giá chiêng chồng rường con nhị", nét chạm khắc tỉ mỉ, chắc và khỏe. Bên trong đền thờ một bức tượng con ngựa trắng và lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị, đặc biệt là 15 tấm bia ghi lại những điển tích, thần thoại trong việc xây dựng đền, những nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu, tôn tạo lại đền rất chi tiết. Hằng năm vào tháng hai âm lịch, trước đây đền là tổ chức lễ hội đánh trâu rước xuân, với ý nghĩa tiễn đưa mùa đông qua và nghinh đón mùa xuân mới, mong cho mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đặt trong không gian phố cổ Hà Nội, đền Bạch Mã đã trở thành một biểu tượng văn hóa không thể thiếu. Trải qua bao thăng trầm lịch sử mà ngôi đền ấy vẫn đứng vững, hiên ngang bảo vệ cho kinh thành xưa và cả một vùng Hà Nội sau này. 


Tiếp đến là trấn Tây với sự hiện hữu của đền Voi Phục, nay ở tại phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054), thờ hoàng tử Linh Lang, con của vua và vị vương phi thứ 9 tên là Dương Thị Quang. Tích xưa kể rằng vương phi trong một lần tắm ở hồ Dâm Đầm (hồ Tây), bỗng có rồng hiện lên phun nước thơm vào mình. Khi về nhà, bà dần nhận ra mình đã mang thai rồi 14 tháng sau sinh ra Linh Lang. Linh Lang lớn lên khôi ngô tuấn tú, thân thể cường tráng hơn người thường, trên người có 28 vết vảy rồng và 7 hàng chấm long lanh như ngọc trên ngực. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, Ngài đã góp công lớn trong việc đột phá quân giặc tan tác. Sau chiến thắng không lâu, Linh Lang về lại khu vực Thủ Lệ năm xưa rồi lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, Ngài mới tiết lộ thân phận mình là con của Long Quân thác sinh chuyển kiếp vào làm con vua, giúp vua dẹp giặc cứu nước, nay khi đã hoàn thành sứ mệnh thì muốn được trở về. Nói rồi Ngài hóa thành con thuồng luồng rồi trườn xuống hồ. Từ đó nhà vua sắc phong cho Ngài là Linh Lang thượng đẳng phúc thần, lập đền thờ tại nơi Ngài hóa. Trước cửa đền bây giờ là tượng hai con voi quỳ gối, tương truyền chính là hình tượng hai con voi mà Linh Lang đại vương từng thu phục trước kia, nên nơi đây mới mang tên đền Voi Phục. Trong đền có hai pho tượng tạc bằng đồng và có hòn đá to có vết lõm, là nơi Hoàng tử năm xưa nằm gối đầu lên rồi hóa thành con thuồng luồng trườn xuống hồ. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc ngôi đền ít nhiều đã thay đổi nhưng vẫn sự được sự uy nghiêm, linh thiêng vốn có tự bao đời. Trải qua thời gian, ngôi đền cũng thấm đẫm sự giao thoa với tín ngưỡng văn hóa dân gian, dần xâm nhập vào các lễ hội, hoạt động của người dân ven hồ. Đến ngày nay, vào mùng 9, mùng 10 tháng 2 âm lịch hằng năm, du khách thập phương vẫn còn đổ về đây cầu bình an, tiền tài, danh vọng, hình ảnh lễ rước kiệu còn mang ý nghĩa kiệu thánh đi vi hành ban lộc ban phúc cho nhân dân. Trấn yểm ở phía Tây kinh thành, ngôi đền đã trở thành một phần của dòng chảy văn hóa bất tận, một phần của lịch sử cần được bảo vệ và giữ gìn 


Sang đến phương Nam, ngôi đền chủ chốt trấn yểm phương này là đền Kim Liên thuộc phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội. So với ba ngôi đền còn lại, đền Kim Liên được xây dựng muộn hơn hẳn, vào khoảng thế kỷ XVII, thờ Cao Sơn Đại Vương. Theo tín ngưỡng dân gian, Cao Sơn Đại Vương vốn là một trong những người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi. Tương truyền rằng, thần Cao Sơn đã có công giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn và khôi phục nhà Lê. Sau nhờ ơn thần ngầm dẹp loạn ở Đông Đô, nhà vua đã xây dựng đền thờ Cao Sơn to đẹp ở Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ. Sau này, dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng ngay sát đền Kim Liên và bổ sung một số kiến trúc mới, tạo thành Đình Kim Liên. Ngoài Cao Sơn Đại Vương, đền thờ cũng có sự giao thoa tín ngưỡng thờ Tam Phủ, thờ Mẫu và thờ vị anh hùng dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xét về kiến trúc, đền được xây dựng trên một gò đất cao ở phía Đông, cổng đình hướng về phía Tây, bước từ sân lên phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm có hai con sấu đá niên đại từ thời nhà Lê, tam quan được xây theo kiểu nhà hoàn chỉnh với bốn cột trụ ở bốn góc. Kiến trúc của tam quan khá độc đáo và tinh xảo, bên trên có chạm khắc tứ linh thần thú vô cùng tỉ mỉ và mang đầy tính thẩm mỹ. Đình chính gồm Nghi môn, Đại bái và Cung cấm. Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc và mang hơi hướng kiến trúc họa tiết đặc trưng của triều Nguyễn. Đại bái thì có tổng năm gian, được tôn tạo vào năm 2000 với kiến trúc truyền thống. Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta. Nội thất trong nhà được bố trí như sau: gian ngoài cùng đặt hương án, gian thứ hai xây bệ gạch cao để đặt long ngai và các đồ tế khí, gian trong cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương và công chúa Huệ Minh. Trong đền ngự một bia đá đen mang tên "Cao Sơn Đại Vương Thần từ Bi minh" ghi nên công trạng của thần Cao Sơn trong việc trợ giúp nhà vua đánh bại quân giặc cùng với 39 đạo sắc phong cho thần. Cho đến nay, tấm bia đá này được coi là hiện vật giá trị nhất còn sót lại, là minh chứng lịch sử thần thánh của cả ngôi đền này.  


Cuối cùng trấn yểm ở phương Bắc là đền Quán Thánh, hay còn gọi là Quán Trấn Vũ, nằm ven hồ Tây - nút giao của đường Thanh Niên và đường Quán Thánh. Đền được xây dựng vào đầu triều Lý, nhưng đã trải qua vô số lần trùng tu, lần lượt vào những năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893 và 1941 (tất cả những lần trùng tu này đều được ghi chép rõ ràng trên văn bia). Trong đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần cai quản phương Bắc, đã nhiều lần hiển linh giúp nhân dân trừ tà ma, yêu quái trong vùng nên được người dân tôn sùng, các thời vua tin tưởng, mỗi lần hạn hán là dâng hương cúng bái cầu cho mưa thuận gió hòa. Trong những điển tích cổ còn sót lại, thần Trấn Vũ đã từng tiêu diệt cáo chín đuôi hung dữ ngay tại hồ Tây ngày nay. Trong thời vua Lý Thánh Tông, Ngài cũng từng hiển linh ngăn chặn quy tinh, hồ tinh và xà tinh đang có mưu đồ phá vỡ đê sông Hồng gây cảnh lụt lội cho dân chúng. Từ đó, đê sông Hồng được vững vàng, vua cho lập đền thờ được gọi là đền Trấn Vũ, chính là ngôi đền hiện nay. Trải qua những đợt trùng tu, các bộ phận kiến trúc của đền bấy giờ gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm khắc trên gỗ nơi đây có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục không gian thoáng và hài hòa, kết hợp với hồ Tây ngay phía trước tạo nên một bầu không khí mát mẻ và thoáng đãng. Trong đền có đặt tượng thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam cách đây hơn ba thế kỷ. Pho tượng nặng khoảng 4 tấn, cao gần 4 mét, mặt vuông, râu dài, mắt nhìn thẳng về phía trước, tóc xõa, đầu không đội mũ, mặc áo đạo sĩ nom dáng vẻ uy nghiêm, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa. Cũng giống như pho tượng ở Chùa Cầu Hội An, hình tượng thần Trấn Vũ hiện lên oai phong lẫm liệt, nhưng vẫn giữ được những yếu tố nhân dạng nhất quán, không có sự thêm thắt, thay đổi. Cùng với việc thờ cúng vị thần được coi là thành hoàng phương Bắc này, tín ngưỡng dân gian và lễ hội cũng được tiến hành ở nơi đây vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm - là nơi tề tựu của du khách thập phương tỏ lòng thành kính tới người đã có công diệt trừ tà mà, đem lại cuộc sống yên ổn cho nhân dân. 


Vén bức màn tâm linh bí ẩn đất Kinh Kỳ, có thể thấy tứ trấn Thăng Long không chỉ là những di tích lịch sử mang dấu ấn oai hùng của dân tộc, đây còn là nơi sự giao thoa tín ngưỡng văn hóa tiếp biến không ngừng, là một biểu tượng không thể thiếu cho sức sống Hà Nội hôm nay và mai sau. Tuy mỗi nơi thờ một vị thần riêng biệt và mang những nét độc đáo khác nhau, bốn ngôi đền ở tứ phương kinh thành đều hội tụ chung một nét đẹp văn hóa mang tính quy hoạch tâm linh ý nghĩa, vẫn ngày đêm trấn giữ để bảo vệ cho Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay ngày càng yên bình và phồn vinh.  

Trở về tuổi thơ với con giống bột


 


Dạo quanh những góc phố đi bộ Hà Nội, không khó để ta tìm cho mình một sạp nhỏ bày bán những con tò he đủ thể loại, màu sắc sặc sỡ được cắm trên thanh tre. Đối với hầu hết trẻ con miền Bắc, tò he đã là một phần trong mảng ký ức tuổi thơ đầy thân thuộc, một nét văn hóa dân gian thẩm thấu lâu đời từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tự bao giờ, trong dân gian đã truyền tai nhau những câu đồng dao cổ về món hàng độc đáo này như sau: 


"Tò he cụ bán mấy đồng 
Con mua một chiếc cho chồng con chơi 
Chồng con đánh hỏng thì thôi 
Con mua chiếc khác con chơi một mình". 


Nguồn gốc thực sự của thứ đồ chơi truyền thống này còn gây ra nhiều tranh cãi, không biết chúng bắt đầu như thế nào, hình thành và phát triển ra sao. Các bậc lão niên ở làng nghề chuyên nặn tò he cũng chỉ biết qua những lời kể mơ hồ của các bậc tiền nhân đi trước, rằng khi sinh ra thì trong nhà đã bày bán rất nhiều tò he rồi. Tò he đối với người miền Bắc thì phổ biến hơn cả, vốn trước đây là sản phẩm làm bằng bột để cúng lễ, nên mới có đa dạng hình thù như công, gà, trâu, bò, lợn, cá, vì thế đây còn được gọi là đồ chơi chim cò. Người dân xã Xuân La (Phú Xuyên - Hà Tây cũ) còn có câu ca: "Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò", để chỉ những nghề phụ tại địa phương, trong đó "chim cò" chính là nghề nặn con giống bột được nói tới. Một số vùng tại miền Bắc còn gọi chúng là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các loài động vật, người ta còn nặn bột thành hình quả cau, chân giò, đĩa xôi, tạo thành mâm cỗ để đi cúng bái ở chùa. Với màu sắc tương đối giống đồ thực có tẩm chút đường, con bánh còn có thể ăn được nên trẻ em và người lớn đều rất thích. Sau này, những vật phẩm mang tính chất thương mại thường được gắn với một chiếc kèn ống sậy, đầu kèn có dính kẹo mạch nha, nguyên liệu làm bằng bột gạo hấp chín, màu sắc tươi rói và nhiều chủng loại. Mỗi khi thổi vào đầu kèn thì tiếng ra rất kêu "tò te", người dân thấy vậy gọi luôn món này là tò te, sau đọc trại đi thành "tò he". Đó là sơ lược về những ngày đầu tò he đi sâu vào trong văn hóa dân gian thường nhật của người Việt Nam, tuy nhiên, con giống bột còn được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác với cách thức làm khá tương đồng. Ở Nhật Bản, một loại con giống bột được đặt tên là Amezaiku (飴細工) - một nghề thủ công truyền thống đã trở thành nét văn hóa đặc sắc xuất hiện ở nhiều lễ hội đường phố. Công đoạn và nguyên liệu làm nên loại vật phẩm này khá giống với tò he, song, chủ yếu người Nhật coi đây là một loại kẹo thay vì một món đồ chơi. 


Để làm ra một con giống bột chuẩn cần rất nhiều công đoạn. Là con giống bột, dĩ nhiên nguyên liệu bột phải được chuẩn bị đầu tiên. Tuy nhiên, bột phải được làm từ gạo nếp dẻo, trắng, tròn, thơm và mịn đến độ không dính tay. Sau đó, người nghệ nhân sẽ cho bột vào một nồi nước lớn để luộc chín. Điều này đòi hỏi người có kinh nghiệm thì mới có thể luộc bột thành công vì phải để ý nhiều đến thời gian luộc, độ to nhỏ của lửa sao cho vừa vặn, vì nếu chín quá thì bột sẽ nhão, khó nặn, còn nếu sống quá thì bột cứng, tò he dễ vỡ. Công đoạn tiếp theo cũng quan trọng không kém, đó là khi trộn bột với màu. Bản chất con giống bột là ăn được, nên những màu được trộn cũng có nguồn gốc tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe con người khi ăn. Có thể kể ra một vài loại màu đặc trưng như màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ là cây cơm nếp, màu đỏ từ ruột quả gấc chín hay màu tím từ củ nghệ đen. Có sẵn những viên bột đủ sắc màu, cái tài hoa của người nghệ nhân được đẩy đến bước cuối cùng - nặn bột. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những viên bột màu bỗng hóa thành những chú gà, nải chuối, buồng cau, hay cả những nhân vật mà bọn trẻ con yêu thích như chàng Thạch Sanh dũng mãnh, nàng công chúa, nàng tiên xinh đẹp tuyệt trần, v.v. Với sự phát triển, du nhập của các loại hình nghệ thuật nước ngoài, những nhân vật trong những tác phẩm ngoài nước cũng được sử dụng làm hình mẫu để nặn tò he như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Doremon, Pikachu đủ kiểu loại. Đến với những gian hàng tò he, du khách có thể tùy chọn cho mình một con mà thấy hợp mắt nhất, hoặc có thể thỏa sức tự sáng tạo tò he cho riêng mình dưới sự hướng dẫn tận tình của người nghệ nhân. Vừa được trải nghiệm một nét văn hóa dân gian, vừa có thành quả mang về, quả thật, những gian hàng bày bán tò he đã đem đến trải nghiệm hết sức thú vị. 


Trước sức ép về những món đồ chơi hiện đại, tò he tưởng chừng như đã bị quên lãng, song, giới trẻ cùng những làng nghề đã không để cho những giá trị văn hóa ấy bị mai một. Cách trung tâm Hà Nội 30 km, ngôi làng Xuân La huyện Phú Xuyên vẫn còn giữ lửa nghề tò he. Hơn ba phần tư người dân ở làng không kể già trẻ gái trai đều biết nặn thứ đồ chơi độc đáo này. Họ từ biết bao đời nay vẫn giữ truyền thống nhào nặn thứ bột màu ấy ngày này qua tháng khác với tôn chỉ chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu. Trải qua năm tháng, những nghệ nhân không bó buộc cái nghề của mình ở đất Xuân La, mà tản đi khắp nơi trên cả nước, truyền dạy nghề nặn tò he cho lớp trẻ ngày nay. Chính vì vậy, trong khu vực miền Nam Việt Nam cũng đã xuất hiện món đồ chơi này dù không nhiều, nhưng vẫn âm thầm phát triển lan rộng. Điển hình như nghệ nhân Đoàn Văn Hậu hơn 16 năm nay vẫn kiên trì, miệt mài theo đuổi con đường nhào nặn con giống bột. Dù thu nhập hiện tại bấp bênh, những món đồ chơi công nghệ ngày một nhiều và đa dạng, người nghệ nhân trẻ với niềm đam mê mãnh liệt ấy vẫn chưa có giây phút nào nghĩ đến ý định từ bỏ. Anh chia sẻ: "Tôi tự hào với nghề này, nó đem lại niềm vui cho mọi người. Mỗi người có quyền chọn cho mình mỗi nghề khác nhau nhưng tôi cảm thấy nghề tò he hợp và có duyên với tôi. Tính cách khá trầm nhưng thích giao lưu, mang lại niềm vui cho mọi người, tôi nghĩ nghề nặn tò he là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình". Giữ lửa với nghề là một chuyện, nhưng tâm huyết với nó hay không lại là một chuyện khác. Anh Hậu đam mê tò he từ nhỏ, lại là người làng Xuân La đầy quy tắc, anh vẫn tuân thủ theo những bước nhào nặn được truyền dạy từ ông cha với quan niệm, nặn gì thì nặn, nhưng nặn bông hoa thì phải nặn từ trên xuống dưới, nặn người thì nặn từ dưới lên trên, nặn động vật thì từ trong ra ngoài. Cũng như bao nghệ nhân mê mẩn với món nghề độc nhất của mình, anh Hậu cũng suy nghĩ nhiều về vấn đề bảo tồn và tìm kiếm những người kế cận. Chính vì vậy, anh đã mở những lớp dạy nặn tò he miễn phí cho học sinh từ lớp 6 cho đến lớp 12 với mong muốn nhiều người trẻ tiếp nối truyền thống cha ông, gìn giữ hồn cốt làng nghề. Anh muốn giảng dạy tận tình các bạn trẻ để họ cùng anh gắn bó. sống bằng chính nghề nghiệp ấy. Anh Hậu cũng chỉ là một ví dụ cho thái độ của giới trẻ hiện đại với văn hóa dân gian. Vào năm 2019, những người trẻ đã tham gia tổ chức triển lãm dành riêng cho các sản phẩm tò he tại VICAS Art Studio tại Hà Nội. Khi chọn tò he làm chủ đề chính, ban tổ chức muốn lan tỏa thông điệp về sự sáng tạo vô hạn của con người, rằng tò he như một đại diện của quá khứ nhưng khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật dân gian cho giới trẻ tràn đầy khát vọng. Đó là sự kết hợp giữa sáng tạo và công nhận, là sự kết hợp của quá khứ và hiện tại, một câu chuyện không bao giờ kết thúc của ước mơ và mong muốn của những người nghệ nhân. 


Có thể nói, từ lâu tò he đã không chỉ còn là món đồ chơi dân gian mang đậm hồn dân tộc, mà nó còn được xem như những tác phẩm nghệ thuật. Nó không chỉ xuất hiện ở hội làng, công viên, trường học, và cả ở những triển lãm lớn. Cầm con tò he trên tay, người ta không chỉ biết thán phục vẻ ngoài của nó hay trân trọng công sức lao động tài hoa của người nghệ nhân, mà còn hít hà lấy cái mùi thơm mang nét đồng quê tỏa ra từ bột nặn. Dù chỉ tồn tại được khoảng một tháng trước khi bột rắn lại tạo nên những nét nứt vỡ trên sản phẩm, nhưng tò he đã thật gần gũi với đời sống của người Việt, là một trong những cầu nối văn hóa bản địa với giới trẻ trong nước và bạn bè quốc tế, đem trong mình sự tích tụ của trí tuệ dân gian và hồn làng quê Việt Nam.  

  

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...