Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Võ thuật cổ truyền Bình Định





Kể từ bình minh của lịch sử, dân tộc Việt đã phải gồm mình chinh phục không chỉ với thiên nhiên hoang dã để mở mang bờ cõi, mà còn đấu tranh quyết liệt với vô số giặc ngoại xâm. Qua nhiều thời đại, kỹ thuật chiến đấu của nhân dân ta ngày một hoàn thiện với binh pháp đúng đắn, khả năng sử dụng binh khí điêu luyện cùng những bài quyền đa dạng để đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Gần đây nhất phải kể đến đất Bình Định, dưới triều đại Tây Sơn (1778 - 1802),  đã sản sinh hệ phái võ thuật cổ truyền mang tính cận chiến cao cùng với vô vàn bài quyền đặc sắc. Về nơi đây, thỉnh thoảng ta vẫn còn nghe người dân truyền tai nhau câu ca dao mang đầy niềm tự hào đất võ: 


"Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền".


Bình Định trước đây là vùng đất của vương quốc Chămpa, nơi đã có truyền thống lâu đời về võ thuật theo ghi chép trên những phù điêu cổ. Đến khoảng thế kỷ XVIII, một số võ sư miền Bắc và Trung Hoa khi định cư tại vùng đất này mới tiến hành dạy võ cho người dân địa phương. Đến nửa cuối thế kỷ này, các võ sư đã gây dựng tại Bình Định phái võ Tây Sơn độc đáo, kết hợp nhiều hình thức kỹ thuật của các võ phái Bình Định khác nhau. Nguyên tắc của võ phái này là "nhất mạnh, nhì thanh, thứ ba giỏi", ý chỉ sự tập trung vào những kỹ thuật sức mạnh, sự khéo léo và có uy lực thực dụng. Có thể nói, võ cổ truyền thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ của các dòng võ tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bổ sung, bồi đắp vào kho tàng võ thuật chân truyền của dân tộc. Tuy nhiên, khi Quang Trung băng hà thì những món võ ấy cũng dần suy vong, sau chỉ còn được truyền dạy trong một vài võ phái ở đất này. Đây là kết quả của triều Nguyễn khi Nguyễn Ánh thẳng tay tiêu diệt mọi thành quả của nhà Tây Sơn nhưng võ cổ truyền vẫn có sức mạnh bền bỉ và mãnh liệt, "võ vườn" vẫn được bí mật truyền dạy và vẫn được ngầm nghiên cứu bởi những người của thế hệ sau. Những ghi chép, chứng tích được lưu giữ cẩn thận cho một nền võ thuật cổ truyền không dễ dàng bị xóa bỏ. Cho đến hiện nay, nhóm võ Bình Định đã bao gồm nhiều võ phái khác nhau, xuất phát từ chính Bình Định và các vùng lân cận như: roi Thuận Thuyền, quyền An Thái, quyền An Vinh và các hình thức võ thuật do các gia tộc, các nhà sư truyền dạy như Tây Sơn Nhạn, Bình Định Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Bình Định Gia, v.v. Một số bài quyền nổi tiếng đã được đưa vào chương trình khảo thí võ thuật thời Nguyễn và một số bài trở thành quy định của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Với sự du nhập ồ ạt của các loại hình võ thuật nước ngoài như Karate (Nhật Bản), Teakwondo (Hàn Quốc) hay Thiếu Lâm (Trung Quốc), võ thuật cổ truyền Bình Định vẫn không bị lấn át do vẫn gìn giữ và phát huy được những đặc điểm độc đáo của nó: 


"Tiếng đồn An thái, Bình khê 
Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo".


Nói đến đặc điểm của võ Bình Định, nghệ thuật đi quyền đã đạt đến đỉnh cao, phản ánh phần nào sắc thái địa phương của người dân: mộc mạc, cần cù, giản dị, nhân ái và kiên cường. Võ sư Hà Trọng Ngự cho rằng võ Tây Sơn Bình Định là một môn võ nằm trong hệ thống tự vệ rất tốt, đặc biệt là khi dùng cho đánh cận chiến, đánh nhập nội nên luôn tìm mọi cách áp sát đối phương để đánh. Khi đi vào tìm hiểu chi tiết, cũng như mọi môn võ khác, võ Bình Định cũng được cấu thành bởi nhiều thành tố, trong đó có võ thuật, võ lý, võ đạo, nội dung. Về khía cạnh võ thuật, khác với Teakwondo của Hàn Quốc tập trung nhiều vào những đòn đá, võ Bình Định dùng gối, củi chỏ rất nhiều, dùng đòn sát phạt gây hại đến đối phương và vô cùng uyển chuyển tránh, né rất đa dạng cho việc tự vệ. Đó chính là sự liên hoàn, tinh tế và uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa bên trong (tinh, khí, thần) và bên ngoài (thủ, nhãn, chỉ, thân). Về võ đạo, nhân sinh quan của người học võ được định hình dựa trên triết lý động, linh hoạt, uyển chuyển song hành cùng với những chuẩn mực của xã hội. Trong đó, tinh thần thượng võ, làm trò được đặt lên hàng đầu, nhưng cũng không coi nhẹ đạo lý uống nước nhớ nguồn, yêu nước, chống giặc ngoại xâm và trọng nhân nghĩa. Xét về võ lý, cũng như mọi mặt đời sống của nhân dân Việt Nam, môn võ cổ truyền cũng vận dụng triệt để triết học âm dương, ngũ hành - bát quái làm nguyên lý cơ bản của "Song thủ ngũ hành vi bản", "Lưỡng túc bát bộ vi căn", tức là cơ sở võ lý cho luyện tập bộ tay và bộ chân của võ Bình Định. Tuy nhiên, yếu tố làm cho môn võ này nổi bật lên hẳn là nội dung phong phú và đa dạng. Ở đó, ta có thể tìm thấy bốn nội dung cơ bản là: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Quyền có thể gọi là thảo bộ, hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền, đại diện cho hai bài tập khác nhau tập trung vào tấn công và phòng thủ. Trong võ tay không lại được chia thành bốn nhóm nhỏ tập trung vào nhiều mục đích như võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu. Trong các bài quyền gắn với những loại hình võ thuật ấy, binh khí cũng được tận dụng triệt để để tăng sát thương và đồng thời thêm phần điểm tô cho phần biểu diễn và thực hiện thêm đường nét hiệu quả. Có thể kể đến một vài binh khí phổ biến như roi (hay chính là võ bằng gậy, côn), song sĩ (hai cây gỗ kẹp chặt ở cánh tay, nhô ra phần đầu, dạng giống như dùi cui), đao, kiếm, siêu (giống đao nhưng cán dài hơn), thương, xà mâu, đinh ba, lăng, khiên, song trùy, v.v.


Thấu hiểu tường tận về nguồn gốc hình thành cũng như những yếu tố cấu thành nên môn võ Bình Định nổi tiếng, giờ ta đi sâu vào tìm hiểu một trong những bài quyển nổi tiếng nhất của môn võ này - quyền Ngọc Trản. Võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo từng nhận xét: "...Hầu như tất cả những thầy võ ở Bình Định đều cho rằng bài thảo bộ Ngọc Trản là bài thảo mực thước nhất, hoàn chỉnh nhất trong hệ thống tập luyện võ nghệ vùng Bình Định. Về vai trò chuyên môn, chúng tôi đồng ý". Quả thật là đúng như vậy. Bài quyền Ngọc Trản có lối đánh công phu, toàn diện, kín đáo, chắc đòn, nhu cương hợp lý, lại có thể né tránh, phản đòn rất lợi hại. Các động tác di chuyển vô cùng linh hoạt, rắn rỏi, khi trụ ngựa và ra đòn thì vững chắc và mạnh. Bộ tay trong bài quyền này ra đòn dứt khoát, nhanh và chính xác, đôi khi vờ như thế thủ để đánh lừa đối phương rồi tung ra toàn lực. Đối phương hoàn toàn bị vây hãm theo thế đánh dạng "Hư hư thực thực". Để thực hiện đúng tư thế bài Ngọc Trản, người học võ trước hết phải đứng theo tư thế dịch cân, thủ môn hiệu theo võ Bình Định, lễ tổ, mắt nhìn ra phía trước. Sau đó, ở bộ vị, trụ ngựa theo tư thế ngựa tứ bình, hai mắt nhìn thằng về trước. Chuyển sang bộ vị lần thứ hai thì dương quyền ở hai tay trái phải ở bộ vị, xòe hai chưởng, sau đó tay phải theo dương chưởng, tay trái theo âm chưởng, áp sát vào nhau thủ sát nơi chấn thủy, bái tổ rồi nhìn thẳng. Đi sâu vào triết lý của bài Ngọc Trản, ta nhận ra nhiều giá trị nhân sinh ẩn sau cả bài quyền. Ngọc Trản là chén ngọc, chén dùng để uống trà hay uống rượu vào ngày xuân, thường đặt trên ban thờ cùng cặp đèn cầy và lư hương. Phải chăng, khởi đầu của bài quyền lấy liên hệ tới chiếc chén nhỏ như đang nói đến "uống nước nhớ nguồn", ngụ ý tổ tiên đã bỏ công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu để kiến thiết nên đất nước Việt Nam, việc đầu tiên cần làm của người học võ là phải biết tri ân những bậc tiền bối và phải biết noi gương, dấn thân mình bảo vệ Tổ quốc? Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, "Ngọc" là sự trong sáng, "Trản" là san bằng mọi chướng ngại mang tính đối phó ở giai đoạn đầu, tức hóa giải và có hài hòa ở giai đoạn cuối, thể hiện ở bộ quyền ở tay, chân và thân mình khi luyện tập. Trong đó, cần phải tính đến công sức luyện tập tinh nhuệ của thể chất, ý thức được gộp lại thành một ý niệm thống nhất. Ý niệm đó được phô ra toàn bộ như tính thuần khiết của viên ngọc. Đó cũng là một bí quyết luyện tập theo lối âm - dương của Ngọc Trản công. 


Có thể nói, qua tìm hiểu về võ cổ truyền Bình Định, ta càng thêm tự hào về đất nước Việt Nam, là một trong số không nhiều các nước châu Á có nền võ học dân truyền với hệ thống hết sức đầy đủ và khoa học từ võ đạo đến võ lý hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa dân gian đáng quý. Với sự phát triển của võ Bình Định qua nhiều môn phái, võ đường thành lập khắp nơi trên cả nước, những bài học về nhân nghĩa, sức khỏe và tinh thần thượng võ sẽ mãi được duy trì ở đất nước chúng ta. Võ thuật Bình Định còn góp phần không nhỏ trở thành cầu nối giúp cho giới trẻ hiện đại đi tìm về cội nguồn giá trị văn hóa dân tộc, mà ở đó các bậc tiền nhân đã sáng tạo và xây dựng đất nước, chống lại không biết bao nhiêu ách đô hộ từ giặc ngoại xâm. Học võ - đối với giới trẻ cũng như học một loại ngôn ngữ của ông cha để thấu hiểu bản sắc, kế thừa tinh hoa và phát triển nó lên một tầm cao mới. 


1 nhận xét:

  1. Quy định hành lý xách tay chuẩn của Eva Air: https://eva-air.com.vn/quy-dinh-hanh-ly-xach-tay-eva-air/

    Trả lờiXóa

EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...