Thứ Tư, 25 tháng 6, 2025

Chênh vênh 25

Tôi là ai? Tôi muốn gì? Cả tá những băn khoăn trong đầu mà chả thể được giải quyết. Đấy là khi cái "tôi" vươn mình sau một giấc ngủ dài, cựa quậy mãnh liệt muốn tìm đến một lẽ sống cao cả nào đó. 

Tôi thức giấc vào một buổi sáng tháng 6 oi ả. Tia nắng đầu ngày lén len qua ô cửa kính vỡ, để lại một vệt dài uể oải trên sàn gỗ. Trong thinh không, những hạt bụi li ti vươn vai đắm mình trong ánh sáng, nhảy nhót như vui thích điều gì. Tiếng chim lanh lảnh kéo tôi ra khỏi bến bờ mộng mị để sẵn sàng cho một trang sách mới trong đời. 

Lần đầu tiên sau ba năm ròng rã, bao trùm lên tâm hồn tôi là sự trống rỗng. Một sự trống rỗng an yên và đáng sợ khi tôi lựa chọn chào tạm biệt với công việc cũ và tập tễnh tìm hướng đi mới cho mình. Căn phòng bừa bộn hối hả ngày nào giờ đây lại tĩnh mịch, nhường chỗ cho tiếng chảy của thời gian. Không còn deadline, không còn tiếng chuông điện thoại réo rắt, chỉ còn tiếng đồng hồ kêu đều đặn như nhắc nhở rằng thời gian vẫn cứ trôi mặc cho điều gì xảy ra. Có lẽ chỉ còn lòng tôi là kẹt lại giữa những tiếng tích tắc ấy, để rồi tự dặn mình phải bước tiếp với những lựa chọn của bản thân.


Thất nghiệp là một cuộc chơi của cảm xúc. Có những ngày nắng lên cao, tôi vùng vẫy trong thế giới nhỏ của riêng mình. Một tách cà phê sáng, một gói xôi lạc vừng cũng đủ làm dậy lên ngày mới đầy hứng khởi. Những ngả đường tất bật bỗng nhẹ tênh, những hàng cây đi qua đi lại lắm lần nay xanh mướt. Tiếng còi xe hòa lẫn tiếng leng keng hàng rong như một bản giao hưởng phố thị mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ tận hưởng đến thế. Đâu đó là đứa bé khoác trên vai cái cặp to hơn người đang nhảy chân sáo đến trường. Ở một góc quán quen là các cụ đang ngồi vắt chân nhâm nhi chén trà, tay lật những trang đầu tiên của tờ báo mới. Thời gian trôi dịu dàng như thế. Cả thành phố chợt hẫng lại một nhịp và chậm rãi ôm tôi vào lòng.

Nhưng rồi cũng có ngày mây đen kéo tới giăng kín lòng tôi. Mưa xối xả như muốn cuốn trôi tất thảy những điều nhỏ nhoi mà tôi trân quý. Mỗi tiếng mưa là một tiếng vọng từ ngóc ngách sâu thẳm, gào thét những câu hỏi không lời. Tôi là ai? Tôi muốn gì? Cả tá những băn khoăn trong đầu mà chả thể được giải quyết. Đấy là khi cái "tôi" vươn mình sau một giấc ngủ dài, cựa quậy mãnh liệt muốn tìm đến một lẽ sống cao cả nào đó. Thành phố đã không còn vỗ về nữa mà đẩy tôi quay lại với thực tại phũ phàng. Gã trai 25 đang ngồi ngắm mưa ấy chênh vênh và vô định như con thuyền giấy thả trôi theo dòng nước. 

Trời vừa tạnh cũng là lúc tôi bước ra khỏi nhà. Không biết sẽ đi đâu nhưng chắc chắn không thể ở yên một chỗ. Tôi không cho phép những câu hỏi vẩn vơ quấy rầy thêm nữa nên đi tìm lại một vài tia nắng để xoa dịu lòng mình. Vậy mà có mấy khi khoảnh khắc lặp lại hai lần. Tôi lướt đi trên vỉa hè ướt sũng để rồi nhận ra cả góc phố đã thay màu áo mới. Vẫn những hàng cây xanh mướt, vẫn những con đường nhẹ tênh nhưng người đã không còn nữa, chỉ còn lác đác một vài hàng quán nhỏ đang hạ bạt cất ô. Gần đó là anh xe ôm đang tạm trú vào một hiên nhà cũ, kế bên là cô gái đang giao những ổ bánh mì cho khách với nụ cười tươi rói. Tôi trộm nghĩ, liệu rằng cơn mưa kia có tưới ướt tâm hồn của họ như tôi không? Liệu rằng trong dư âm của cơn mưa ấy, có ai lơ đễnh ngã vào vòng xoáy của những suy nghĩ bất tận mà chẳng thể nào tìm được lối ra?

Trời hửng nắng. Trong vô thức tôi đứng nhìn phố phường thật lâu. Cô gái bán bánh mì bỗng rút từ trong túi ra một ổ rồi đưa cho anh xe ôm. Trông anh ấy có vẻ ngạc nhiên, nhưng cũng vui vẻ nhận lấy rồi ăn ngấu nghiến. Họ, cũng như tôi, có những ngày mịt mù trong tâm tưởng, nhưng họ vẫn chọn đi tiếp. Cơn mưa kia có khi chỉ là một buổi tắm mát thường nhật mà thôi. Sau mưa, họ sẽ lấy tâm hồn mình ra phơi với sự dạn dày và vững chắc, song vẫn giữ lại sự thiện lương trên từng hành trình của mình. Đó mới là điều quan trọng sau cùng.

Tôi mỉm cười và trở về nhà, để lại góc phố ấy sau lưng. Dẫu rằng vẫn chưa thể trả lời cho những câu hỏi muôn thuở về bản thân, tôi đã không còn cảm thấy lạc lõng. Một thứ gì đó nảy nở trong lòng tôi, một cảm giác thoải mái và êm dịu hiếm hoi trong những ngày giông bão. Dường như thất nghiệp không tệ đến thế. Nó chỉ đem đến những khoảng lặng cần thiết để lắng nghe bản thân và thành phố này. Dù vô định đến đâu, tôi vẫn sẽ phải học cách bước tiếp với những gì mình có. Thành phố thì vẫn ở đó bất kể nắng mưa hay người đi kẻ ở. Từng con ngõ, mái nhà, hàng quán sẽ nâng đỡ từng bước tôi đi trong hành trình tìm lại mình và sẽ đón về với sự dịu dàng nếu thất bại. Tôi tự động viên mình như vậy. Thế cũng là đủ hành trang để đương đầu với tương lai rồi nhỉ?

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2025

Tiếng đạn bay trong đêm

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm. Đã nửa thế kỷ kể từ khi tiếng bom rền trời, tiếng báo động inh ỏi từ loa phát thanh, những cuộc hội ngộ và chia ly đầy bịn rịn. Ấy vậy, bóng ma chiến tranh vẫn phảng phất đâu đó ở thời bình, nơi mà tiếng đạn xé đêm thanh tĩnh mịch, nơi tiếng đồng đội gọi nhau í ới, nơi người ngã xuống để lại biết bao dang dở. Khi người người nhà nhà chìm vào giấc ngủ thì cũng là lúc cuộc chiến ấy bắt đầu. 

Mình đã từng nghe kể nhiều về những chiến dịch triệt phá ma túy. Từ đó mà cũng từng mơ hồ mường tượng sự khốc liệt và cam go trong công cuộc phòng chống tội phạm tại Việt Nam. Nhưng có lẽ vì mải mê trong thời bình với biết bao dự định và ước mơ, mình hiếm khi để tâm và thực sự thấu hiểu những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ cảnh sát cơ động. Cho đến gần đây khi có cơ hội được tiếp cận và tìm hiểu thêm thông qua báo đài, mình mới thấy choáng ngợp không chỉ trước sự manh động của tội phạm mà còn trước nỗi buồn đến tột cùng của người thân những chiến sĩ đã ngã xuống vì sự yên bình của nhân dân. Chúng ta hòa bình nhưng chưa hoàn toàn yên ổn. 


Theo chân báo đài đến những điểm nóng ma túy, bao trùm lên tất thảy là cái nhập nhoạng sâu hun hút của bầu trời vùng núi phía Bắc. Nửa sáng tối đan xen, tranh giành nhau như báo hiệu một mầm mống hỗn loạn khó kiểm soát. Trong đêm, những bước chân dồn dập và khẩn trương. Mưa ngớt cũng là lúc các chiến sĩ vào những vị trí được chỉ định sẵn, chỉ chờ nhóm vận chuyển ma túy sa ổ phục kích. Lệnh tấn công nổ ra, pháo sáng rợp trời, tiếng súng hòa lẫn loa gọi hàng đanh thép. Tiếng đạn bay trong đêm. Cái sống và cái chết cứ đan vào nhau trong một sự rung chuyển của đất trời. Thật khó tưởng tượng cánh rừng tĩnh mịch ấy lại đang vang lên những âm thanh của chiến tranh như từ xưa vọng về. 

Và rồi sự tĩnh lặng ập tới. Mùi thuốc súng tan dần. Giữa cuộc vây bắt áp giải nhanh chóng là những giọt nước mắt giấu vội. Đã có những người nằm xuống và không còn được thấy tia nắng ngày mai. Đó không chỉ là những chiến sĩ, mà còn là người con, người chồng với biết bao ước mơ và hoài bão. Họ hy sinh tương lai của mình cho sự yên bình của bao người dân. Sự hy sinh ấy để lại một nỗi đau khó nguôi ngoai cho những người ở lại. Còn gì ám ảnh hơn là những bữa cơm nhà cuối cùng, những lần nắm tay, những lời thủ thỉ về tương lai. Giờ đây các anh về trong vòng tay gia đình nhưng không còn có thể thấy những dự định của bản thân thành hiện thực. 

Sau tiếng súng, chúng ta đã triệt phá được những đường dây ma túy tầm cỡ, nhưng cũng đã đánh đổi quá nhiều. Mình đã khóc nghẹn khi được nghe những câu chuyện của người ở lại. Thời gian cuốn đi những tang thương nhưng nỗi mất mát vẫn đau đáu trong lòng của những người con mất bố, vợ mất chồng, gia đình mất con đến mãi sau này.

"Bố con là một chiến sĩ công an. Không phải là con không có bố. Con có một người bố và bố con là một anh hùng". 

Đó là những gì chị Thủy nói cho con mình nghe mỗi lần bé hỏi về bố. Anh mất khi chị đang mang bầu được một tháng cũng trong một chiến dịch truy quét ma túy. Dù chưa được gặp bố một lần nhưng qua ánh mắt của bé, mình thấy tràn ngập sự tự hào và ngưỡng mộ. Có lẽ từ giờ cho tới lúc lớn, bé sẽ chẳng cần phải tìm đâu xa hình mẫu anh hùng để dựa vào. Bố của bé sẽ luôn là người hùng lớn nhất, kiên cường và lý tưởng nhất. Chủ nghĩa anh hùng ấy sẽ được truyền tới những người đồng đội và thế hệ kế tiếp. Để dù có khó khăn, hiểm nguy đến đâu, những chiến sĩ công an vẫn sẽ luôn là lá chắn thép bảo vệ bình yên và ổn định của nhân dân. 

Xin được cảm tạ những cống hiến thầm lặng của các chiến sĩ. Cầu chúc cho các anh thật nhiều sức khỏe và sự may mắn để luôn vững lòng với những nhiệm vụ tiếp theo. Mong rằng một ngày nào đó, tiếng đạn sẽ không còn bay trong đêm, và sẽ không còn ai phải nằm xuống giữa thời bình nữa.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2025

Tết này chả khác Tết xưa là mấy

Nhiều người nói Tết này đã khác Tết xưa, rằng dịp nghỉ lễ cứ trôi tuột đi như một thủ tục và không còn nhiều dư vị như nhiều năm về trước. Có lẽ, sự phát triển vượt bậc của đời sống cũng như lo toan thường nhật đã vô tình khiến cho những đứa trẻ năm nào phải dần tập làm người lớn. Và trong quá trình khắc nghiệt đó, qua con mắt của những va vấp, buồn vui lẫn lộn thì Tết giờ có phần thật xa cách. 

Mình lại có góc nhìn khác. Mỗi năm một lần, cái nhạy cảm thái quá của mình lại được đẩy lên vượt ngưỡng khi tiết xuân về. Mình nhìn ngắm sự thay da đổi thịt của mọi thứ xung quanh và đâu đó vẫn bắt trọn những giá trị chẳng hề biến mất đi đâu cả. Có chăng chỉ là chúng ta đã lơ là, vô ý để rồi vụt mất những khoảnh khắc nhỏ nhoi ấy mà thôi. 



Những ngày cuối năm luôn là những ngày bồi hồi, bận rộn và lặng lẽ nhất. Thật khó để mô tả cái hối hả, tất bật nhưng tràn đầy nỗi niềm ấy. Mình như đứng giữa những lẫn lộn cảm xúc, với một bên là sự thôi thúc để lao vào công việc, cố gắng đến giờ cuối cùng để kiếm đồng ra đồng vào, một bên là những giây phút như lặng đi để suy nghĩ về cả một năm đã qua với đủ hỉ nộ ái ố. Và rồi trong cái hỗn độn, bày bừa của tâm trí ấy chợt nhận ra dù có ra sao đi chăng nữa, mình vẫn đang ở đây, còn sống và còn nơi để trở về. 

Có lẽ vì vậy mà mình không bị choáng ngợp trước sự thay đổi nhịp sống cuối năm. Không còn than vãn về đường tắc, về khói bụi. Không còn cáu gắt khi chuyện không như ý. Cũng không còn mong đợi và kỳ vọng quá nhiều vào những thứ không đâu vào đâu. Mình nhẹ nhàng đón nhận và đi qua từng ngày trước Tết như thế. 

Cái rét căm căm của mùa xuân mơn chớn trên da thịt, cùng với đó là tiếng người ra người vào khiến mình choàng tỉnh vào một buổi sáng nọ. Vừa mới lồm cồm bò dậy, hít thở những hơi đầu tiên trong ngày đã thấy có gì đó khang khác. À, thì ra đây là ngày đầu của dịp nghỉ Tết đoàn viên. Mẹ đang đun lá mùi già thơm phức lan từ phòng bếp tới mọi ngóc ngách trong nhà. Bố đang tỉ mẩn nhìn ngắm, chỉnh trang cây đào, cây quất sao cho đẹp mắt. Khắp phòng là những ngổn ngang cần dọn dẹp, sắp xếp. Ai nấy luôn tay luôn chân với những bận rộn cuối cùng của năm cũ. Ấy vậy đấy lại là sự bận rộn dễ chịu và đầy cảm hứng. Qua từng ánh mắt, nụ cười, qua từng lời gọi nhau í ới, mình biết đó là niềm hân hoan vô bờ bến, nhưng ẩn trong đó cũng là sự cảm tạ đất trời để 1 năm đi qua mà gia đình vẫn ở đây, vẫn quây quần như thế này.



Có lẽ vì hân hoan quá, biết ơn quá mà những ngày như này cũng trôi qua rất nhanh. Chỉ một thoáng chớp mắt, đổi tất bật lấy một giây phút lặng lẽ của giao thừa. Trong thời khắc chuyển giao ấy, có tiếc nuối vấn vương song có cả sự chấp nhận và mãn nguyện. Mình thinh lặng hồi lâu và nhìn về pháo nổ rợp trời. Mùi hương trầm trong không khí. Tiếng trẻ con nô đùa cùng ba mẹ. Những lời nguyện cầu âm thầm. Những cái ôm đầu tiên. Cả một năm rệu rã lại nhẹ nhõm đến thế. 

Nếu nửa đầu của kỳ nghỉ là những hối hả chóng vánh, thì nửa sau lại là những ngày đoàn viên có phần chậm rãi hơn. Đối với mình, đoàn viên không chỉ giới hạn cho gia đình, mà còn là họ hàng, bạn bè, thầy cô. Từng lần chạm mặt, từng cái nắm tay, nụ cười luôn khiến mình thổn thức. Vẫn những gương mặt cũ, những câu chuyện kể đi kể lại suốt bao lần, ấy vậy mà ướm qua màu Tết lại tươi mới và tràn đầy sức sống đến vậy.  Có lẽ, Tết là như thế. Mọi cung bậc cảm xúc gom góp suốt một năm dạt qua một bên, nhường chỗ cho một tấm áo mới được dệt nên bởi những đường chỉ hạnh phúc và đầy ước vọng. Tết đâu có mất đi đâu đâu. Chúng ta chỉ cần sửa soạn tâm hồn một chút thì dù chiếc áo có hiện đại, phá cách, nó vẫn ôm trọn một tâm hồn truyền thống chẳng thể phai mờ.

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Kỳ lạ tục thờ chó đá


 

Tục thờ chó, hay sau này là thờ chó đá, đã trở thành một nét tín ngưỡng dân gian phổ biến của nhiều dân tộc trên thế giới, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và một bộ phận ở Tây Nam Á ngày xưa. Chính nhờ sự di cư của các dân tộc Ấn - Âu chuyên chăn thả gia súc đã truyền bá thứ tín ngưỡng độc đáo này đến với người dân và đã trở thành một nét văn hóa sâu đậm không thể tách rời, xuất phát từ vai trò quan trọng của loài chó trong đời sống xã hội con người. Tại Việt Nam, tục thờ chó xuất hiện khắp nơi với nhiều mục đích khác nhau như cầu phúc cầu may hay trừ tà, xua đuổi loài quỷ dữ quấy nhiễu cuộc sống của dân thường. 


Nói đến hình tượng chú chó trong các nền văn hóa, đặc điểm chung được ghi nhận ở giống loài này chính là sự trung thành, mến chủ và sẵn sàng bảo vệ, giúp đỡ chủ khi cần. Trong đời sống thường nhật, chó còn là một con vật trông nhà, gác cổng, đảm bảo sự bình yên và an toàn của ngôi nhà cũng như những thành viên trong gia đình. Khái quát hóa vai trò của chó trong vị thế tâm linh, có thể nói, chó là một hộ môn thú. Ở Nhật Bản, chó là người bạn của con người, bảo hộ cho trẻ em, giảm nhẹ sự nhọc nhằn, đau đớn cho các sản phụ. nhưng cũng là linh vật có khả năng khống chế thủy quái gây ra động đất. Chùa Cầu nổi tiếng Hội An với vị thế trấn yểm thủy quái có tượng chó đá ở đầu cầu cũng bắt nguồn từ quan niệm này của người Nhật. Chó đá ở vùng nông thôn Trung Quốc cũng có trách nhiệm gác cổng tương tự, nhưng là gác cho cả một làng khỏi yêu ma quỷ quái. Mặt khác, nhiều dân tộc coi chó là thủy tổ, là anh hùng khai hóa của dân tộc, tiêu biểu như người Khuyển Nhung (Trung Quốc) tự hào cho rằng tổ tiên của mình là hai con chó trắng (Bạch Khuyển), vì thế mà sùng bái tổ chó trắng. Cũng có những giai thoại về chó với tư cách là cầu nối với cõi âm ty, hạ giới, liên kết hình ảnh con chó với thần chết cùng chức năng dẫn hồn người trong bóng đêm của cái chết. Người Mehico cổ nuôi những con chó chuyên để làm người bạn đồng hành và dẫn người đã khuất sang thế giới bên kia. Họ chôn cùng với người chết một con chó màu sư tử (màu lửa) để hộ vệ người quá cố. Hay người Iran và Bactrine phó mặc những chú chó cho những người già, người mắc bệnh đã gần đất xa trời, người Parsi ở Ấn Độ đặt chó cạnh người chết, để cho người và chó nhìn vào mắt nhau.  


Về với Việt Nam ta thì con chó nhà trở thành một vị thần gác cửa chính hiệu. Trong tâm thức người Việt, chó không chỉ là loài vật gần gũi mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng âm dương ngũ hành. Chó thường thì chỉ coi giữ được phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải nuôi chó đá, dân gian chôn chó đá để xua đuổi tà ma, quỷ quái. Tục thờ này khá phổ biến ở các làng, xã nông thôn ở Việt Nam, nhiều địa phương hiện nay vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, hoặc đặt chó đá trên bệ thờ, đền miếu để đuổi ma quỷ. Điểm khác biệt duy nhất giữa chó đá ở nhà và ở ngoài đền miếu, đình là về kích thước. Tượng chó ở nhà thường hiền lành và nhỏ hơn nhiều so với ở miếu, đình. Ở một vài vùng quê như Hải Dương, người thầy trừ tà ma chôn đầu chó trong một nồi lớn ở trước cửa nhà cùng với những lá bài tổ tôm xếp quanh như một báu vật trấn yểm. Một vài thanh niên ăn chơi đến tờ mờ sáng mới về, trong đêm tối chập choạng đã phải hoảng sợ bỏ chạy khi thấy trước cửa nhà là một người đầu chó cầm giáo mác đi qua đi lại trước cánh cổng. Sáng hôm sau đến kể lại với gia chủ mà họ vẫn còn rùng mình. Song, sự đa dạng trong việc thờ chó đá chưa dừng lại ở đó. Người Nùng quan niệm chó đá đem lại may mắn, vì vậy họ không bao giờ ăn thịt chó và luôn coi chó là con vật linh thiêng nhất để tôn thờ. Người Dao lại thể hiện sự tôn kính của mình với loài động vật này qua trang phục truyền thống. Trong ngày cưới, họ đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó. Trên bộ trang phục ấy còn điểm tô hình ảnh đôi chó ngộ nghĩnh quay lưng lại với nhau. Đó là minh chứng rõ nhất về vị thế tâm linh mà loài chó giữ vị trí trong tiềm thức của những người dân đất Việt.  


Tuy nhiên, việc thờ chó đá không phải chỉ là tín ngưỡng mang tính chất truyền đời theo quan niệm, mà ở một vài nơi, việc nuôi, thờ chó đá có tích truyện cụ thể lý giải. Ở làng Địch Vĩ, Đan Phượng, Hà Nội, người dân vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về Quan Hoàng Trạch cùng nỗi oan thấu trời. Truyện kể rằng thuở trước có hai anh em, người anh tên Ngọc Trì, người em tên Hoàng Thạch. Người anh đi lính về thấy vợ có thai nên nghi ngờ người em gian tình, vội giận dữ chém chết người em rồi vứt xác xuống sông. Đến khi sinh nở, người vợ lại sinh ra một vật quái dị, đến lúc này người anh mới biết em mình bị oan. Xác Hoàng Thạch trôi xông rồi hóa đá lúc nào không hay, theo dòng nước đến khúc đầu làng Địch Vĩ. Người dân thấy vậy thì vớt lên thờ, gọi là ông Quan lớn hay Quan Hoàng Thạch. Đến nay, tượng chó đá được đặt ngay ngắn được dựng hướng về làng Hát Môn - cũng chính là nơi quê hương của người em bấy giờ. Hai làng Địch Vĩ và Hát Môn từ đó mà kết nghĩa anh em, theo giao kết, trai gái hai làng không được phép yêu nhau. Trong tâm thức người làng Địch Vĩ, ông Hoàng Thạch như một vị thần bảo hộ cho dân làng được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở. Gia đình nào có việc lớn, đám cưới đám hỏi đều làm sớ ra trình Quan Hoàng Thạch để mong được ngài che chở may mắn. Mỗi khi có đám hiếu, khi đi qua tượng chó đá, người dân ai nấy kính cẩn nghiêng mình, dừng các lễ nghi, khóc lóc để bày tỏ sự kính trọng với ông Hoàng Trạch trước. Cách Đan Phượng hơn hai tiếng đi xe về phía Đông Nam, ta lại bắt gặp một khu vực có tục nuôi chó đá khác ở hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Nằm trên gò đất cao nổi giữa hồ, đền Cẩu Nhi (hay bây giờ là đền Thủy Trung Tiên) là một trong những di tích khác gắn liền với tục lệ thờ chó đá và sự tích xây dựng kinh thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Tương truyền rằng mẹ của vua sau khi mơ thấy thần chó đá, đã hạ sinh Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) đúng vào năm 934 là năm Giáp Tuất. Khi rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, năm kinh thành được chuyển giao cũng là năm 1010 (năm Canh Tuất). Thấy điểm trùng hợp, vua đã dựng nên miếu thờ thần Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi trên núi Nùng. Sách Tây Hồ chí có viết về nguồn gốc đền Cẩu Nhi rằng: "Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ phía Tây Bắc Hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có miếu thờ thần Cẩu Nhi dựng từ triều Lý. Nay vẫn còn". Ngày nay, người dân và khách du lịch đều rất thích thú chiêm ngưỡng các bức tượng, phù điêu và hăng hái tìm hiểu về tục thờ chó ở ngôi đền linh thiêng này. 


Có thể thấy, trong tâm thức người Việt nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung, chó là loài vật đã đi vào trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, là sản phẩm của sự gắn kết sâu nặng giữa người và động vật. Tục thờ chó đá ra đời một phần cũng để thỏa mãn nhu cầu gắn kết đó, đồng thời khỏa lấp đời sống tinh thần của người Việt bằng sự may mắn, lợi lộc và che chở như ý nghĩa của loài chó được thần thánh hóa trong dân gian. Tuy rằng rất khó để có thể chứng minh được sự màu nhiệm của tín ngưỡng này, song, chắc chắn rằng, khi con người có niềm tin, họ sẽ thoải mái, an tâm và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đây cũng chính là giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ chó đá trong tâm thức người Việt. 


Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Một vài nét đặc trưng của văn hóa miền Tây



"Quê tôi con nước lớn ròng
Mang nhiều nhung nhớ trong lòng phù sa
Miền Tây vốn tính thật thà
Con người chất phác đậm đà tình thương.
Tôi là hai lúa miệt vườn
Quanh năm lam lũ mà lòng thảnh thơi 
Cực thân tâm chẳng cực đời
Miền Tây sông nước gọi mời khách xa ..."


Xuôi theo dòng Cửu Long cuồn cuộn chảy, ta về với miền Tây chất phác và đầy tình thương. Con người nơi đây bao đời nay vẫn thế, mến khách, thật thà, song luôn tràn ngập niềm tự hào về một mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lễ nghi. Ở đó, bằng đôi bàn tay và khối óc, con người thăng hoa cùng nhau, kề vai sát cánh, kiến tạo và hưởng thụ những giá trị song hành với việc tiếp biến đến muôn đời. Hôm nay, tôi muốn mời bạn đọc du ngoạn với tôi về miền Tây, và cùng điểm qua một vài nét đặc trưng của văn hóa nơi đây.

 
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu những giá trị cụ thể, chúng ta cần điểm qua một vài yếu tố căn bản tạo dựng nên nét văn hóa độc đáo đó. Miền Tây gồm 13 tỉnh thành, trong đó có thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang. Là địa danh nằm ở phía Nam xa xôi của Tổ Quốc, miền Tây là một vùng đất bao quanh bởi những dòng phù sa màu mỡ trải dài, nơi cây trái miệt vườn quanh năm tươi xanh chín mọng. Từ xa xưa, nhờ những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng, miền Tây đã sớm phát triển những nền văn minh văn hóa cổ đầu tiên, phải kể đến như vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo. Văn minh của vương quốc Phù Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt đến đỉnh cao rực rỡ của nhiều lĩnh vực xã hội ngay từ thế kỷ I đến thế kỷ VII,  khi nền văn minh ấy hùng mạnh và lụi tàn từ biển. Bắt một chuyến xe lên Di tích Gò Cây Thị, nhìn ra núi Ba Thê, toàn bộ khu vực rộng đến hơn 450 ha kéo dài từ chân núi là những gì còn sót lại của văn hóa Óc Eo. Lịch sử loài người đã chứng kiến sự hình thành, phát triển rực rỡ của một đế chế ngay từ buổi bình minh những ngày đầu Công Nguyên. Vương quốc Phù Nam bấy giờ đặt tại thương cảng Óc Eo - Ba Thê, nay là Thoại Sơn - An Giang. Nơi đây trong nhiều thế kỷ đã trở thành đầu mối giao thương của nhiều tuyến đường biển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, sau đó, trung tâm giao dịch đường biển này chuyển dần sang eo biển Malacca, kéo theo sự lụi tàn của một trong những đế chế hùng mạnh nhất Đông Nam Á. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đến giữa thế kỷ XVII, đất nước Chân Lạp thống trị vùng này một thời lục đục vì tranh giành ngôi báu. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã ra tay giúp hoàng thân Batom Reachea lên ngôi, đổi lại là đất nước sẽ phải cống nạp cho Chúa Nguyễn hằng năm và cho người Việt làm chủ vùng đất khai hoang ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa. Cho đến năm 1679, khi các quan nhà Minh do không phục nhà Thanh nên mới xin làm dân Đại Việt, chúa Nguyễn Phúc Tần nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, đã cho họ vào ở đất Đông Phố (Gia Định). Những người này sau đó chia nhau đất Đồng Nai, Biên Hòa, Mỹ Tho thuộc Tiền Giang, cùng khai mở vùng đất mới cày ruộng, làm nhà, lập ra phố phường đông đúc. Chính sự giao thoa, hội nhập, kết hợp cùng với yếu tố đặc trưng của thiên nhiên trải dài suốt triều dài lịch sử mà khu vực Tây Nam Bộ đã dần hun đúc một nền văn hóa đặc biệt, mang tính chất bản địa rõ ràng và có những giá trị vật chất độc nhất mà không một nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam sánh bằng. 


Điểm qua một vài nét văn hóa độc đáo của khu vực này thì trước hết ta phải kể tới sự giao thoa của bốn nền văn hóa Kinh - Chăm - Khmer - Hoa, thứ đã tạo nên nền tảng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sinh hoạt văn hóa của người dân. Chính nhờ sự di cư, sáp nhập và bản chất của đất nước Phù Nam, Chân Lạp hiện hữu, có thể nói nền văn hóa Tây Nam Bộ như một nồi lập thập cẩm chọn lọc những giá trị tốt đẹp nhất của những nền văn hóa đã từng đi qua nơi đây. Những ví dụ tiêu biểu có thể dễ dàng thấy được đó chính là những công trình kiến trúc giờ vẫn còn hiên ngang như chùa Dơi Sóc Trăng, chùa Vàm Ray, chùa Âng Trà Vinh, v.v. Tự bao đời những người buôn bán nhỏ lẻ ở khu vực này học tiếng lẫn nhau để giao thương, buôn bán. Không ai có thể nhớ rõ cả ba dân tộc sinh sống trên vùng đất này đều xem lễ, tết của dân tộc khác là của mình từ lúc nào. Cho đến hiện nay, việc người Việt hay người Hoa làm Phật tử của chùa Khmer hay Hòa thượng Tăng Nô của chùa đều là điểu hiển nhiên và dễ thấy. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa còn thể hiện rõ ràng ở những món ăn đặc trưng xứ sở miền Tây. Khác với các vùng miền khác, những bữa ăn nơi đây đặc trưng bởi vị ngọt nhẹ nhàng, đậm tính sông nước và có sự giao thoa nhất định giữa khẩu vị của nhiều tộc người. Có thể lấy ví dụ như món "bún nước lèo" đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng, từng đạt giải nhất của liên hoan du lịch Mê Kông. Vị ngọt bùi của trứng và ruột cá lóc, hòa quyện hương vị đậm đà, mặn mà của mắm Pro-hốc của người Khmer, ăn kèm với bắp chuối non, rau muốn thái sợi, giá sống đích thị cung cách người Kinh, song hành một vài miếng bì heo quay giòn giòn, dai dai béo béo đúng sở trường của người Hoa. Đó là sự tiếp nhận văn hóa một cách chủ đích hòa hợp chứ không hòa tan, là sự hòa hữu của các cộng đồng dân tộc cùng chung sống và cũng là biểu tượng cho một nền văn hóa miền Tây tổng quát được cấu thành bởi những yếu tố không thể tách rời.  


Tiếp theo, ta đi tìm về mảnh trang phục đặc trưng nhất của người dân miền Tây - chiếc áo bà ba mộc mạc mà thân thương. Áo bà ba là loại áo may dưới dạng cổ tim hoặc cổ tròn. Thân áo là sự biến đổi của áo tứ thân miền Bắc nhưng độ dài của áo chỉ ngắn đến hông. Áo thường được may bằng chất liệu vải satin thoáng mát, nhưng không kém phần quyến rũ khi rất vừa vặn và thướt tha, người mặc cảm thấy vô cùng thoải mái. Người thợ may áo ba bà khi hoàn thiện chiếc áo sẽ không quên xẻ ra hai tà ở phía trước và may thêm hai cái túi nhỏ đối với áo nữ và hai túi to đối với áo nam. Thông thường, người miền Tây sẽ mặc áo bà ba với một chiếc quần đen dài tới cổ chân, đi cùng với khăn rằn trắng đen đặc trưng và chiếc nón lá mượt mà. Nhìn từ xa, ta có thể dễ dàng nhận ra ngay người dân miền Tây chất phác thật thà chỉ qua những mẩu trang phục đặc trưng này, nam thì thêm phần khỏe khoắn, nữ thì thêm phần dịu dàng kín đáo. Qua năm tháng với sự du nhập của văn hóa phương Tây, áo bà ba mặc dù được may mặc ít hơn so với trước đây, nhưng những cải tiến mới lạ thì có thể được thấy rõ. Áo không còn thẳng và rộng như xưa nữa mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân mình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn... đều được tiếp thu từ y phục nước ngoài. 


Nói đến miền Tây, ta không thể không nói tới văn hóa sông nước đã gắn bó từ lâu đời, con người nơi đây thuận theo tự nhiên để đưa mình trên những dòng chảy kiếm sống. Đánh cá, giao thương đều diễn ra trên những con sông, rồi từ lúc nào không hay họ hình thành nên những chợ nổi trao đổi hàng hóa linh hoạt, tạo nên những khung cảnh mua bán ngộ nghĩnh nhưng không kém phần độc đáo. Những chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy, Cái Răng (Cần Thơ) hay Ngã Năm (Sóc Trăng) đã trở nên vô cùng nổi tiếng và là một phần đi sâu vào tiềm thức người dân bản địa và du khách. Chợ thường họp vào buổi sáng sớm, khi trời vẫn còn mát mẻ, chưa bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Thông thường, dân du lịch sành sẽ chọn đi vào tầm 4 giờ 30 đến 5 giờ để kịp phiên chợ, bởi nếu dậy muộn một chút thôi, tầm khoảng 8 giờ sáng thì chợ đã vãn rồi. Lênh đênh trên chiếc thuyền ba lá, chúng ta sẽ được tiến vào một khoảng không tấp nập, xôm tụ không kém gì những ngôi chợ thông thường trên mặt đất. Ở đây bán đủ mọi mặt hàng, từ hoa quả, nước uống đến những món đồ ăn nóng hổi phục vụ ngay trên thuyền. Mỗi gian hàng bán đồ gì thì chủ thuyền sẽ treo một tấm biển nhỏ như một tín hiệu thông báo cho khách về mặt hàng mình đang bán. Người dân buôn bán luôn niềm nở, thân thiện và hiếu khách. Đi qua khắp các gian hàng, dù mệt nhọc đến đâu nhưng người miền Tây ai nấy đều nở những nụ cười hiền hậu và đáng yêu. Dọc theo con sông mát lành của phiên chợ sớm, chúng ta sẽ có cơ hội để hít no căng mùi nông sản tươi tràn ngập trong không khí, thưởng thức những món quà miệt vườn đậm chất miền Tây và hơn thế, là lắng nghe những tiếng rao, những câu hò, điệu dân ca mời gọi khách du lịch đến với chiếc thuyền, chiếc ghe của mình. Nói đến ghe xuồng, người dân miền Tây cũng rất trân quý, yêu thương phương tiện này như người thân trong gia đình họ. Chính vì thế, những người dân buôn bán trên ghe lâu nay vẫn lưu truyền tục cúng ghe trước khi ra khơi buôn bán. Họ tin rằng việc mua bán hay an toàn trên ghe đều có một đấng linh thiêng che chở và phù hộ, vì vậy nên việc cúng ghe là một việc làm tri ân đến đấng linh thiêng ấy, đồng thời là một trong những sinh hoạt dân gian mang tính chất củng cố tinh thần, thúc đẩy làm việc mỗi ngày. Tục cúng ghe nơi đây khá phong phú. Khi chuẩn bị đóng ghe mới, gia chủ bao giờ cũng cúng kiến ván gỗ đầu tiên, hay còn được gọi là cúng "ghim lô". Trên mâm đồ người ta thường để kèm theo một tấm vải đỏ, đây là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn. Miếng gỗ "ghim lô" luôn phải dày hơn những miếng gỗ tiếp theo, sau khi ghe hoàn thành thì người thợ sẽ phải rút đinh ra khỏi miếng gỗ ghim lô ra và "xảm" vào những cọc gỗ tương ứng. Theo quan niệm của người dân, trong công đoạn này nếu làm mất đinh, thì đó là báo hiệu cho điều xui xẻo, không may mắn. 


Có thể thấy, trên đây là một vài nét đặc trưng của văn hóa vùng Tây Nam Bộ Việt Nam. Sự độc đáo đến từ cả thiên nhiên và con người, đó sự hòa quyện ngọt ngào và hữu tình tạo nên bản sắc con người miền Tây. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng níu giữ đôi chân những vị khách lãng du lỡ sa vào lưới tình với mảnh đất mộc mạc chất phác này, cũng như là yếu tố thúc đẩy du lịch miền Tây mạnh mẽ. Trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid19, mong rằng bà con miền Tây vẫn sẽ luôn vững tay chèo, cùng nhau sát cánh đương đầu với những khó khăn và thử thách phía trước, luôn kiên cường và nồng hậu tựa cái chất Tây Nam Bộ từ ngàn đời. 

Bưu điện Sài Gòn - nơi ngưng đọng của thời gian


 

 

Sài Gòn những ngày giãn cách không còn cái náo nhiệt, ồn ảo của một thành phố trẻ tràn đầy nhựa sống và năng lượng. Từng con đường, góc phố như lắng lại, thu mình sau lớp áo phủ bụi thời gian để trầm ngâm suy tư và đương đầu với những khó khăn còn tiếp diễn. Ở ngoài kia, những chiến sĩ y tế đang ngày đêm gồng mình chống dịch, thì những người ở nhà, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt lại có cơ hội sống chậm đi và ngắm nhìn thành phố bỗng quá đỗi khác lạ so với ngày thường. Người ta nhìn thấy cái Sài Gòn xưa, không phải tự nhiên mà Sài Gòn được mệnh danh là "hòn ngọc Viễn Đông" một thời. Cùng với công viên, trường học, những tòa nhà cao ốc hay những đường phố đầy ắp bảng hiệu vẽ tay, cảnh quan đô thị Sài Gòn là mơ ước của nhiều nước trên thế giới, và đến hiện nay cũng vẫn mãi là tấm gương như vậy. Trong đó, một trong những tòa công trình cổ nổi bật giữa lòng Sài Gòn giờ im lìm đợi thời cơ được mở lại chính là tòa nhà bưu điện cũ, nằm ở số 2 Công trường Công xã Paris (quận 1), kế bên nhà thờ Đức Bà.

 
Quay về mốc thời gian khoảng giữa thế kỷ XIX, lúc này Pháp đã đánh Gia Định và chiếm thành công Sài Gòn. Năm 1860, Pháp cho xây dựng "Sở dây thép Sài Gòn" (tức Bưu điện Sài Gòn bấy giờ) ngay tại trung tâm thành phố và đến năm 1863 thì hoàn thành xong. Trong những năm 1864 trở đi, những con tem con cò (loại tem đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam) đã được gửi từ Sài Gòn đi khắp nơi trên thế giới. Trong những ngày đầu xây dựng và khánh thành, kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel - người thiết kế nên tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris (Pháp) đã chủ trì công trình này, nhưng rồi cũng đến thời điểm tòa nhà không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thời bấy giờ. Sau 23 năm thì hai kiến trúc sư tài ba Villedieu cùng cộng sự Foulhoux mới đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng mới lại. Cả công trình mất đến 5 năm để hoàn thành, từ năm 1886 đến năm 1891, trở thành một công trình đặc biệt về công năng và hình ảnh đô thị, gắn liền với sự phát triển của thành phố.  


Về tổng thể, công trình mang kiến trúc cổ điển Châu Âu kết hợp với nét trang trí Châu Á, phủ tông màu vàng đất nhạt, kết hợp với những đường gờ phù điêu màu trắng cùng những ô cửa màu xanh lá. Tòa nhà có bố cục đăng đối với hai khối bên hai tầng, khối giữa ba tầng, mái dốc lợp ngói. Trên mặt đứng có nhiều ô cửa cuốn vòm trang trí khá cầu kỳ. Trong khi đó, lối vào là một cổng vòm lớn với mái sảnh bằng sắt, bên trên có một chiếc đồng hồ tròn và tấm biển ghi rõ năm khởi công và khánh thành. Nếu hệ thống cửa sổ của khối nhà hai bên đều có dạng vòm hoặc hơi vòng cung thì khối nhà giữa lại mang dáng dấp hình chữ nhật. Những đường viền, đường chỉ trang trí chạy ngang, tạo nên một không gian sâu hun hút cho tòa nhà, đồng thời kéo thấp nó xuống với phong cách cổ kính, gợi cho ta nhớ đến những ga tàu lửa ở Châu Âu thế kỷ XIX. Cả tòa công trình bưu điện được nâng đỡ bởi hệ thống cột trụ chắc chắn và to lớn. Phần trụ ở mặt tiền có kết cấu hình khối vuông vắn, trên đầu trụ có gắn những mảng phù điêu với hoa văn đắp nổi rất công phu. Riêng phần trụ ở giữa tầng hai và tầng ba thì các mảng phù điệu được chạm khắc tinh xảo hơn, ôm chọn khối đá hình chữ nhật. Đặc biệt, trên mỗi phiến đá ở khoảng không gian này có khắc tên những nhà khoa học vĩ đại đã đóng góp vào sự phát triển của văn minh nhân loại trong mảng điện tín trên toàn thế giới. Qua cổng chính, ta có ta có thể thấy hai tấm bản đồ lớn lưu giữ lại một thời địa chính Sài Gòn "Saigon et ses evirons 1892" và "Lignes téléraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936", xen ở giữa là tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dọc theo tòa nhà là những cột sắt màu xanh lá thẳng tắp và hàng ghế gỗ bóng đã có từ lâu đời. Ngồi lại giữa sảnh của Bưu điện Sài Gòn, ta như được trải nghiệm cảm giác ngồi đợi chuyến tàu vượt thời gian về đến những ngày xưa cũ - một góc Châu Âu thu nhỏ được khéo léo đặt giữa lòng Sài Gòn thân thương. Kết hợp với sàn gạch màu kem sáng bóng điểm họa tiết Á Châu, Bưu điện Sài Gòn như là một điểm giao nhau của hai nền văn hóa tách biệt và độc lập, nhưng hòa quyện hữu tình, hợp lý đến độ thẩm mỹ cực cao. Quan sát một cách bao quát với điểm nhìn từ ngoài vào trong, có thể thấy hai bên sảnh chính vẫn lưu giữ những hòm thư cổ và các bốt điện thoại xưa, song hành cùng những cửa hàng lưu niệm như tái hiện một Sài Gòn hoa lệ, cổ kính năm nào, giờ được lưu trữ và bảo tồn trong một Sài Gòn lớn mạnh, hiện đại và hối hả.  


Hầu như du khách đến với Bưu điện Sài Gòn là vì muốn ngắm nghía, hồi tưởng lại một thời đã xa, tuy nhiên, đây còn là điểm hẹn của những tâm hồn yêu thành phố này da diết. Đặt trong khoảng không gian rộng lớn ở quận 1 Sài Gòn cùng với Nhà thờ Đức Bà, xung quanh đó là những công trình văn hóa và không gian đô thị như Công viên 30 - 4, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Bưu điện trở thành một phần tâm điểm của những trái tim yêu Sài Gòn da diết. Trong đó, phải kể đến cụ Dương Văn Ngộ - nay đã nghỉ hưu, là người viết thư tay thuê cuối cùng ở mảnh đất này. Ông gắn bó với Bưu điện từ xa xưa và trở thành một phần vĩnh cửu trong trái tim của biết bao thế hệ Sài thành. Trong nhưng năm 1990, ông đã xin phép lãnh đạo Bưu điện để được ngồi một góc sảnh viết và dịch thuê. Khách hàng của ông chủ yếu là những người nghèo không biết chữ, hay người Việt muốn viết thư cho người nước ngoài. Là một tấm chân tình đầy kiểu hãnh và hoài cổ giữa đất Sài Gòn, cụ luôn dành tâm huyết của mình cặm cụi đọc, viết rồi dịch chẳng mấy đã hơn hàng ngàn lá thư, chuẩn cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, song hành cùng cái kính lúp đặc trưng và những cuốn từ điển dày cộp cụ mang theo người. Sự hiện diện của cụ trong không gian Bưu điện cổ kính như gợi lại biết bao thương nhớ và hoài niệm, để mỗi khách hàng tìm khi tìm đến cụ thì như tìm đến một quý ông Sài Gòn xưa lịch lãm với chữ tín lên hàng đầu. Dù bây giờ cụ đã nghỉ  do sức yếu, tuy nhiên hình bóng của cụ trong một góc sảnh đã in sâu vào trong tâm trí của bất kỳ người con nào sinh ra ở nơi đây và trót lòng yêu lấy thành phố này. Cụ và Bưu điện như hòa làm một, người Sài Gòn yêu cụ cũng như cụ yêu Sài Gòn bằng tất cả những gì mình có.  


Bằng tất cả tình yêu và sự kính trọng, người Sài Gòn không chỉ coi Bưu điện thành phố như một sản phẩm của vẻ đẹp đô thị hay là một biểu tượng vật chất thông thường, mà nó còn là chứng nhân lịch sử đầy thăng trầm. Trải qua hàng trăm năm từ khi mới xây dựng và chứng kiến biết bao biến chuyển trong đời sống Sài Gòn, có thể nói, tòa bưu điện đại diện cho một lớp người cũ, vật cũ vẫn đồng hành cùng sự phát triển của thành phố, nhưng thi thoảng lại gợi về những giá trị xa xưa không dễ lu mờ. Ngoài trở thành nơi cung cấp dịch vụ liên lạc điện tín, Bưu điện còn đóng góp không nhỏ vào mảng giá trị tinh thần, là sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp có chọn lọc để tạo nên vẻ đẹp bên trong văn hóa và kiến trúc. Đó cũng là niềm tự hào hết mực của người Sài Gòn khi nhắc về nơi đây. 

Võ thuật cổ truyền Bình Định



Kể từ bình minh của lịch sử, dân tộc Việt đã phải gồm mình chinh phục không chỉ với thiên nhiên hoang dã để mở mang bờ cõi, mà còn đấu tranh quyết liệt với vô số giặc ngoại xâm. Qua nhiều thời đại, kỹ thuật chiến đấu của nhân dân ta ngày một hoàn thiện với binh pháp đúng đắn, khả năng sử dụng binh khí điêu luyện cùng những bài quyền đa dạng để đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Gần đây nhất phải kể đến đất Bình Định, dưới triều đại Tây Sơn (1778 - 1802),  đã sản sinh hệ phái võ thuật cổ truyền mang tính cận chiến cao cùng với vô vàn bài quyền đặc sắc. Về nơi đây, thỉnh thoảng ta vẫn còn nghe người dân truyền tai nhau câu ca dao mang đầy niềm tự hào đất võ: 


"Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền".


Bình Định trước đây là vùng đất của vương quốc Chămpa, nơi đã có truyền thống lâu đời về võ thuật theo ghi chép trên những phù điêu cổ. Đến khoảng thế kỷ XVIII, một số võ sư miền Bắc và Trung Hoa khi định cư tại vùng đất này mới tiến hành dạy võ cho người dân địa phương. Đến nửa cuối thế kỷ này, các võ sư đã gây dựng tại Bình Định phái võ Tây Sơn độc đáo, kết hợp nhiều hình thức kỹ thuật của các võ phái Bình Định khác nhau. Nguyên tắc của võ phái này là "nhất mạnh, nhì thanh, thứ ba giỏi", ý chỉ sự tập trung vào những kỹ thuật sức mạnh, sự khéo léo và có uy lực thực dụng. Có thể nói, võ cổ truyền thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ của các dòng võ tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bổ sung, bồi đắp vào kho tàng võ thuật chân truyền của dân tộc. Tuy nhiên, khi Quang Trung băng hà thì những món võ ấy cũng dần suy vong, sau chỉ còn được truyền dạy trong một vài võ phái ở đất này. Đây là kết quả của triều Nguyễn khi Nguyễn Ánh thẳng tay tiêu diệt mọi thành quả của nhà Tây Sơn nhưng võ cổ truyền vẫn có sức mạnh bền bỉ và mãnh liệt, "võ vườn" vẫn được bí mật truyền dạy và vẫn được ngầm nghiên cứu bởi những người của thế hệ sau. Những ghi chép, chứng tích được lưu giữ cẩn thận cho một nền võ thuật cổ truyền không dễ dàng bị xóa bỏ. Cho đến hiện nay, nhóm võ Bình Định đã bao gồm nhiều võ phái khác nhau, xuất phát từ chính Bình Định và các vùng lân cận như: roi Thuận Thuyền, quyền An Thái, quyền An Vinh và các hình thức võ thuật do các gia tộc, các nhà sư truyền dạy như Tây Sơn Nhạn, Bình Định Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Bình Định Gia, v.v. Một số bài quyền nổi tiếng đã được đưa vào chương trình khảo thí võ thuật thời Nguyễn và một số bài trở thành quy định của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Với sự du nhập ồ ạt của các loại hình võ thuật nước ngoài như Karate (Nhật Bản), Teakwondo (Hàn Quốc) hay Thiếu Lâm (Trung Quốc), võ thuật cổ truyền Bình Định vẫn không bị lấn át do vẫn gìn giữ và phát huy được những đặc điểm độc đáo của nó: 


"Tiếng đồn An thái, Bình khê 
Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo".


Nói đến đặc điểm của võ Bình Định, nghệ thuật đi quyền đã đạt đến đỉnh cao, phản ánh phần nào sắc thái địa phương của người dân: mộc mạc, cần cù, giản dị, nhân ái và kiên cường. Võ sư Hà Trọng Ngự cho rằng võ Tây Sơn Bình Định là một môn võ nằm trong hệ thống tự vệ rất tốt, đặc biệt là khi dùng cho đánh cận chiến, đánh nhập nội nên luôn tìm mọi cách áp sát đối phương để đánh. Khi đi vào tìm hiểu chi tiết, cũng như mọi môn võ khác, võ Bình Định cũng được cấu thành bởi nhiều thành tố, trong đó có võ thuật, võ lý, võ đạo, nội dung. Về khía cạnh võ thuật, khác với Teakwondo của Hàn Quốc tập trung nhiều vào những đòn đá, võ Bình Định dùng gối, củi chỏ rất nhiều, dùng đòn sát phạt gây hại đến đối phương và vô cùng uyển chuyển tránh, né rất đa dạng cho việc tự vệ. Đó chính là sự liên hoàn, tinh tế và uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa bên trong (tinh, khí, thần) và bên ngoài (thủ, nhãn, chỉ, thân). Về võ đạo, nhân sinh quan của người học võ được định hình dựa trên triết lý động, linh hoạt, uyển chuyển song hành cùng với những chuẩn mực của xã hội. Trong đó, tinh thần thượng võ, làm trò được đặt lên hàng đầu, nhưng cũng không coi nhẹ đạo lý uống nước nhớ nguồn, yêu nước, chống giặc ngoại xâm và trọng nhân nghĩa. Xét về võ lý, cũng như mọi mặt đời sống của nhân dân Việt Nam, môn võ cổ truyền cũng vận dụng triệt để triết học âm dương, ngũ hành - bát quái làm nguyên lý cơ bản của "Song thủ ngũ hành vi bản", "Lưỡng túc bát bộ vi căn", tức là cơ sở võ lý cho luyện tập bộ tay và bộ chân của võ Bình Định. Tuy nhiên, yếu tố làm cho môn võ này nổi bật lên hẳn là nội dung phong phú và đa dạng. Ở đó, ta có thể tìm thấy bốn nội dung cơ bản là: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Quyền có thể gọi là thảo bộ, hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền, đại diện cho hai bài tập khác nhau tập trung vào tấn công và phòng thủ. Trong võ tay không lại được chia thành bốn nhóm nhỏ tập trung vào nhiều mục đích như võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu. Trong các bài quyền gắn với những loại hình võ thuật ấy, binh khí cũng được tận dụng triệt để để tăng sát thương và đồng thời thêm phần điểm tô cho phần biểu diễn và thực hiện thêm đường nét hiệu quả. Có thể kể đến một vài binh khí phổ biến như roi (hay chính là võ bằng gậy, côn), song sĩ (hai cây gỗ kẹp chặt ở cánh tay, nhô ra phần đầu, dạng giống như dùi cui), đao, kiếm, siêu (giống đao nhưng cán dài hơn), thương, xà mâu, đinh ba, lăng, khiên, song trùy, v.v.


Thấu hiểu tường tận về nguồn gốc hình thành cũng như những yếu tố cấu thành nên môn võ Bình Định nổi tiếng, giờ ta đi sâu vào tìm hiểu một trong những bài quyển nổi tiếng nhất của môn võ này - quyền Ngọc Trản. Võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo từng nhận xét: "...Hầu như tất cả những thầy võ ở Bình Định đều cho rằng bài thảo bộ Ngọc Trản là bài thảo mực thước nhất, hoàn chỉnh nhất trong hệ thống tập luyện võ nghệ vùng Bình Định. Về vai trò chuyên môn, chúng tôi đồng ý". Quả thật là đúng như vậy. Bài quyền Ngọc Trản có lối đánh công phu, toàn diện, kín đáo, chắc đòn, nhu cương hợp lý, lại có thể né tránh, phản đòn rất lợi hại. Các động tác di chuyển vô cùng linh hoạt, rắn rỏi, khi trụ ngựa và ra đòn thì vững chắc và mạnh. Bộ tay trong bài quyền này ra đòn dứt khoát, nhanh và chính xác, đôi khi vờ như thế thủ để đánh lừa đối phương rồi tung ra toàn lực. Đối phương hoàn toàn bị vây hãm theo thế đánh dạng "Hư hư thực thực". Để thực hiện đúng tư thế bài Ngọc Trản, người học võ trước hết phải đứng theo tư thế dịch cân, thủ môn hiệu theo võ Bình Định, lễ tổ, mắt nhìn ra phía trước. Sau đó, ở bộ vị, trụ ngựa theo tư thế ngựa tứ bình, hai mắt nhìn thằng về trước. Chuyển sang bộ vị lần thứ hai thì dương quyền ở hai tay trái phải ở bộ vị, xòe hai chưởng, sau đó tay phải theo dương chưởng, tay trái theo âm chưởng, áp sát vào nhau thủ sát nơi chấn thủy, bái tổ rồi nhìn thẳng. Đi sâu vào triết lý của bài Ngọc Trản, ta nhận ra nhiều giá trị nhân sinh ẩn sau cả bài quyền. Ngọc Trản là chén ngọc, chén dùng để uống trà hay uống rượu vào ngày xuân, thường đặt trên ban thờ cùng cặp đèn cầy và lư hương. Phải chăng, khởi đầu của bài quyền lấy liên hệ tới chiếc chén nhỏ như đang nói đến "uống nước nhớ nguồn", ngụ ý tổ tiên đã bỏ công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu để kiến thiết nên đất nước Việt Nam, việc đầu tiên cần làm của người học võ là phải biết tri ân những bậc tiền bối và phải biết noi gương, dấn thân mình bảo vệ Tổ quốc? Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, "Ngọc" là sự trong sáng, "Trản" là san bằng mọi chướng ngại mang tính đối phó ở giai đoạn đầu, tức hóa giải và có hài hòa ở giai đoạn cuối, thể hiện ở bộ quyền ở tay, chân và thân mình khi luyện tập. Trong đó, cần phải tính đến công sức luyện tập tinh nhuệ của thể chất, ý thức được gộp lại thành một ý niệm thống nhất. Ý niệm đó được phô ra toàn bộ như tính thuần khiết của viên ngọc. Đó cũng là một bí quyết luyện tập theo lối âm - dương của Ngọc Trản công. 

Có thể nói, qua tìm hiểu về võ cổ truyền Bình Định, ta càng thêm tự hào về đất nước Việt Nam, là một trong số không nhiều các nước châu Á có nền võ học dân truyền với hệ thống hết sức đầy đủ và khoa học từ võ đạo đến võ lý hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa dân gian đáng quý. Với sự phát triển của võ Bình Định qua nhiều môn phái, võ đường thành lập khắp nơi trên cả nước, những bài học về nhân nghĩa, sức khỏe và tinh thần thượng võ sẽ mãi được duy trì ở đất nước chúng ta. Võ thuật Bình Định còn góp phần không nhỏ trở thành cầu nối giúp cho giới trẻ hiện đại đi tìm về cội nguồn giá trị văn hóa dân tộc, mà ở đó các bậc tiền nhân đã sáng tạo và xây dựng đất nước, chống lại không biết bao nhiêu ách đô hộ từ giặc ngoại xâm. Học võ - đối với giới trẻ cũng như học một loại ngôn ngữ của ông cha để thấu hiểu bản sắc, kế thừa tinh hoa và phát triển nó lên một tầm cao mới. 


Chênh vênh 25

Tôi là ai? Tôi muốn gì? Cả tá những băn khoăn trong đầu mà chả thể được giải quyết. Đấy là khi cái "tôi" vươn mình sau một giấc ng...