Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021
Những câu chuyện trên chuyến tàu Bắc Nam
Theo muôn nẻo đường xa, những câu chuyện thường nhật vẫn cứ lặp đi lặp lại hội tụ ở chuyến tàu Nam Bắc. Mỗi một sân ga mà nó đi qua, người đi kẻ ở lại vẫn truyền tai nhau biết bao niềm vui nỗi buồn, biết bao thức quà bánh dân dã mộc mạc hồn quê cùng những lời tấm tắc khen hình hài Tổ quốc qua ô cửa sổ đã cũ. Cả một sức sống căng tràn, những suy nghĩ, tập tục, tín ngưỡng khác nhau len lỏi từng toa tàu, một Việt Nam thu nhỏ nằm gọn trong lòng tuyến đường sắt này tự bao đời. Đó là cả một lịch sử bi tráng, hào hùng của dân tộc và là cả một thời khó quên để có được chuyến tàu yêu dấu nối cả trời thương nhớ Hà Nội - Sài Gòn, nối trọn vẹn tình yêu hai miền Nam - Bắc.
Còn nhớ vào những ngày tháng mịt mù chiến tranh, quân đội Mỹ đã bắn phá ác liệt vào các tuyến đường sắt nhằm cắt đứt viện trợ từ Bắc vào Nam. Trong suốt khoảng thời gian đó, người Bắc và người Nam đâu có thể trao gửi yêu thương nhiều như bây giờ. Mãi đến năm 1976, tuyến đường sắt dài hơn 1700 km ấy mới lại được nối liền với hai đoàn tàu Thống Nhất được tổ chức xuất phát cùng giờ, đem theo ước mơ, hy vọng và niềm tự hào của người dân Việt Nam. Con tàu thiên lý ấy rục rịch xuất phát từ sâu trong khoảng sân ga Hàng Cỏ (bây giờ là ga Hà Nội) rồi vun vút đi xuyên qua biết bao tỉnh thành trong cả nước trước khi cập bến Sài Gòn hoa lệ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, con tàu Việt Nam "đi suốt bốn mùa vui" ngày nào chuyên chở những ước mơ, hoài bão và khát vọng của những người con máu đỏ da vàng đã không còn quá xa lạ với chúng ta nữa. Vẫn những khoang tàu ấy nhưng giờ đã đẹp đẽ, khang trang và đảm bảo an toàn vệ sinh, cùng với muôn kiếp người mới lên xuống tàu với những câu chuyện vùng miền, văn hóa tiếp biến hằng ngày. Được một lần ngồi hoặc nằm mà thưởng thức trọn vẹn cung ray nối hai dải non sông gấm vóc ấy có lẽ là một cái thú khó cưỡng cho những người muốn trải nghiệm và sống chậm lại.
Xã hội thay đổi, cấp tiến kéo theo sự thay đổi của những chuyến tàu Bắc Nam ngày nào. Một con tàu giờ đã có nhiều khoang hơn với vô số công ty lữ hành đường sắt khác nhau thuê và cải tạo. Trải nghiệm khách hàng cũng dần được cải thiện qua những tiện nghi mới được lắp đặt, từ điều hòa, wifi cho đến những chiếc giường lớn lót nệm êm, với ga giường, ga gối được thay đổi đều đặn mỗi ngày. Khi xuống đến những toa hạng hai hạng ba với giá vé rẻ và ít tiện nghi hơn thì khung cảnh cũng quá đỗi khác biệt so với nhiều năm về trước. Ghế ngồi đã bọc đệm, có thể ngả ra phía sau để khách nghỉ lưng. Đường đi ở giữa rộng và thoáng. Khu ngồi cứng mặc dù vẫn giữ hình hài của dãy ghế bằng gỗ nâu sậm nhưng đã vơi bớt cảnh người người nhà nhà rải chiếu, ôm túi nilon lăn ra ngủ. Đầu tàu có một khoang bếp riêng chuyên phục vụ ba bữa mỗi ngày cho các thực khách, tuy không gian còn nhỏ nhưng không khí vô cùng ấm cúng, ngào ngạt mùi thơm của những bánh phở, nước lèo hay vô vàn những món ăn đặc sắc khác. Ngay cả khu vực vệ sinh cũng dần được cải tạo lại, cọ rửa vệ sinh hằng ngày để có thể đáp ứng được tối đa nhu cầu về trải nghiệm của du khách. Trang thiết bị như hệ thống cửa, loa đài báo, phát thanh cũng được lắp đặt kín để không ảnh hưởng đến những giờ nghỉ của mọi người trên tàu. Khang trang, sạch sẽ là vậy, song, cái dáng dấp của một Việt Nam thu nhỏ ngày nào thì có lẽ đến cả chục năm sau chuyến tàu ấy cũng không thay đổi. Mỗi toa tuy khác nhau về giá vé, tiện ích nhưng đều là một xã hội thu nhỏ mà ở đó, những câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra. Cả đêm, khách ngồi trên toa được nghe đủ thứ chuyện chia sẻ từ các vùng miền, không ầm ĩ, đủ để nghe và nếu ai mệt thì có thể thiếp đi một cách dễ dàng. Với nhiều thành phần văn hóa khác nhau, những toa tàu là nơi mà khách Bắc - Trung - Nam có thể ngủ lại với nhau như một nhà, điều mà ít phương tiện chuyên chở nào có thể làm được. Có lẽ vì thế cái tên Thống Nhất đặt cho tàu nó không chỉ là khát vọng non sông liền một dải, mà nó còn là một ước mơ cao cả hơn thế, là nơi mà người dân ba miền Tổ quốc tìm đến với nhau, dù xa lạ những qua đôi ba lần trò chuyện cũng thấu hiểu phần nào đó về vùng đất mà họ tìm tới, cũng như chia sẻ về những nỗi niềm của những người con xa nhà, xa quê. Ở mỗi sân ga mà tàu đỗ, đâu đó người ta cũng bắt gặp những cảnh đoàn viên, những cái ôm trìu mến và đôi khi cả những giọt nước mắt. Tất thảy tạo nên một dòng cảm xúc tình thương xuyên suốt cả cuộc hành trình, mà vô hình chung cái kết nào cũng được chuyên chở bởi chuyến tàu đẹp đẽ ấy.
Tôi nhớ như in lần đầu tiên cùng gia đình lên chuyến tàu SE chạy xuyên Việt vào một ngày mùa hạ không quá chói chang. Nhà tôi có mặt ở ga Hà Nội từ sáng sớm để chuẩn bị vé, tất tả ngược xuôi một hồi thì cũng xong. Tôi và ông anh cùng rủ nhau ra quán nước trước cổng ga để làm một ly trà đá cho mát và cùng ngắm nhìn dòng người tấp nập qua lại. Vào những ngày thế này, người ra vào ga Hà Nội rất đông, ai ai cũng muốn mau chóng xong thủ tục vé để vào toa tàu của mình. Một cơn gió thoáng thổi qua tóc, tôi tiếp tục nhâm nhi ly trà đá trên tay cho đến khi có hiệu lệnh mời vào sân ga. Con tàu SE03 rục rịch vào ga với sự trầm trồ và ngỡ ngàng của biết bao người, một niềm bồi hồi khó tả dấy lên trong lòng tôi, thôi thúc tôi phải tìm bằng được toa xe và khám phá nội thất toa của mình. Khi cánh cửa sắt nặng nề của tàu được khóa lại, một hành trình mới mẻ và lạ lẫm chính thức bắt đầu. Tôi và gia đình của mình sẽ có hơn một ngày để sống và sinh hoạt với người lạ. Toa của tôi là toa sáu giường nằm, tuy hơi chật trội nhưng bày trí rất hiện đại và tiện nghi. Với 6 chiếc giường hai bên lối đi, một chiếc bàn đặt một lọ hoa nhỏ cũng là nét chấm phá đặc biệt trong trang trí nội thất của phòng. Qua ô cửa sổ với chiếc rèm hoa, đoàn tàu của chúng tôi dần len lỏi vào khu phố đường tàu Hà Nội đoạn Giải Phóng - Lê Duẩn, những ngôi nhà nhỏ ven đường ray cứ thế vun vút vượt qua khỏi tầm mắt. Đâu đó ngoài kia có những ánh nhìn liếc qua chúng tôi, những cánh tay vẫy chào xa lạ như giã từ một thứ gì đó thân thương ra khỏi mảnh đất thủ đô. Chúng tôi bắt đầu khám phá khu giường của mình. Sáu giường thì có hai giường trên có thể gấp úp vào tường nếu không dùng đến, tạo một không gian thoáng đãng hơn cho căn phòng. Điều hòa lắp đặt trên trần được tùy chỉnh theo ý khách, nên dù sáu người nằm thì giữa mùa hè vẫn vô cùng mát mẻ. Rời Hà Nội vào khoảng hơn 1 tiếng trên tàu, chúng tôi dần chạm đất Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Ở mỗi sân ga tàu dừng khoảng 15 phút thuận lợi cho việc lên xuống, cũng là lúc chúng tôi lắng nghe những tiếng rao thứ quà bánh quen thuộc mà những người bán hàng rong tràn vào bãi đỗ. Ai nấy cũng háo hức xuống xem qua xem lại một tí, mua được vài bịch bánh nhãn nhâm nhi nói chuyện lúc đi đường, thấy mà vui. Đến tầm xế chiều, chúng tôi vào đến Vinh và cũng là lúc mấy anh em phải san sẻ phòng với một vài vị khách khác. Câu chuyện của chúng tôi vốn một chiều thì giờ đa dạng và nhiều chiều sâu hơn. Thay vì ngắm nghía hình hài Tổ quốc, chúng tôi nói chuyện với những vị khách xa lạ kia. Mỗi người một ý về bản tin thời sự sáng nay, lan man đến công việc cá nhân, những trải nghiệm và cả những suy nghĩ, hoài bão của riêng mình. Những con người xa lạ cứ thế nhờ chuyến tàu mà đi ngang qua đời nhau như thế.
Suốt từ cung đường qua ga Huế, những xóm làng trù phú, yên bình lùi dần về phía sau. Tiếp cận khu vực đèo Hải Vân, tàu đi chậm lại. Người trên toa không ai bảo ai đều dồn ra phía mạn trái của tàu để ngắm nhìn. Tổ quốc, nếu nhìn từ vị trí này trở nên kỳ vĩ, lớn lao và đẹp đẽ đến nhường nào. Núi cao ngất. Sương mù mịt mò vào cửa sổ. Phía dưới là biển Đông xanh mút mắt, những bãi đá lô nhô sóng bạc đầu. Con tàu vặn mình cong đến nỗi toa trước có thể nhìn thấy rõ những toa ở sau đang dần đi ra khỏi hầm gió đen ngòm. Háo hức, vui vẻ là vậy nhưng còn gì đẹp hơn con tàu khi màn đêm dần buông. Những người con ba miền Bắc - Trung - Nam ai nấy ở yên trong phòng của mình, yên lặng trò chuyện để không gây ảnh hưởng đến người khác. Tôi còn nhớ như in những bước chân lặng thầm đi dọc chuyến tàu khuya về phía khu vệ sinh để đánh răng trước khi đi ngủ, những ánh đèn báo hiệu xanh đỏ trên tàu cũng vì thế mà sáng hơn bao giờ hết. Trong cái tối đen mịt mùng trên tàu ấy thì ngoài kia thi thoảng lại lóe lên một vệt sáng rồi vụt tắt. Đám thanh niên chúng tôi về phòng nhưng đâu có chịu ngủ ngay. Người thì mang trong mình một cuốn sổ ghi chép vội vài dòng nhật ký, người kể thao thao bất tuyệt về cuộc đời, nhưng cũng có người chỉ nằm mãi ở giường tầng thứ nhất và lặng thinh ngắm ra ngoài cửa sổ. Chớp mắt một cái ngày mới đã sang. Một đêm hơi khó ngủ với riêng tôi và nhiều người, phần vì lạ chỗ, những cũng một phần vì chưa quen với tiếng tàu mỗi khi vào ga. Tờ mờ sáng tôi bất chợt tỉnh dậy vì tiếng người ra người vào, ngó ra cửa sổ thì thấy đã gần đến ga Bình Định, và chuyến du lịch cũng chỉ còn vài tiếng nữa là kết thúc. Như được thúc giục bởi một thứ sức mạnh vô hình, tôi vội vã sửa soạn đi qua các toa tàu một lần nữa, chào tạm biệt những con người tôi gặp và nói chuyện rồi sắp xếp hành lý để xuống ga. Ai nấy tuy mệt rã rời nhưng đều cười rất tươi, có bà chị còn dúi vào tay tôi một gói bánh cáy để ăn lót đường. Tất cả đều rất thân thương và đáng trân quý. Tôi xuống ga mà còn đứng ngoái lại mãi phía sau nhìn về đoàn tàu nằm im lìm nghỉ, trên tay vẫn ôm chặt tuyển thơ của Nguyễn Bính:
"Có lần tôi thấy một người yêu Tiễn một người yêu một buổi chiều Ở một ga nào xa vắng lắm Họ cầm tay họ bóng liêu xiêu..."
Tôi không có tiễn người yêu như thơ ông, nhưng tôi tiễn một chuyến tàu thân thương và chào tạm biệt với những kỷ niệm khó quên. Chúng tôi là khách du lịch nên không có người ra đón, chỉ có con tàu nằm đó và nếu như nó có tri giác, tôi tin rằng nó cũng chào và chúc chúng tôi có một kỳ nghỉ vui vẻ. Những cung đường của đất nước mà tôi đã đi qua, những con người của mọi miền Tổ quốc mà tôi gặp đã góp phần hình thành nên một trải nghiệm hoàn chỉnh đối với tôi. Rồi tiếp tục sẽ có bao nhiêu kiếp người nữa được du hành trên con tàu ấy, để văn hóa được giao thoa, được mở mang tầm mắt và thêm yêu quý con tàu Bắc Nam. Ngày trở lại với những chuyến đi sẽ không còn xa, mong rằng con tàu ấy sẽ ngày một được tân trang và phát triển, và mãi là cầu nối văn hóa của người dân ở mọi miền Tổ quốc.
Đi tìm lại tiếng Chapi giữa đại ngàn
"Ở nơi ấy, tôi đã thấy, trên ngọn núi cao, có hai người, chỉ có hai người, yêu nhau. Họ đã sống, không mùa đông, không mùa nắng mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau. Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui. Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống thanh bình. Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi. Khi rung lên, vài sợi dây đàn đã đong đầy, hồn người Raglai. Ôi! Raglai! Những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn Chapi. Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi. Tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn, không vui. Tôi nghe Chapi chợt thấy nao lòng vì một giấc mơ, ôi Chapi!"
Bài hát "Giấc mơ Chapi" đã được nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác từ khá lâu, nhưng dư âm của nó vẫn còn hiện hữu trong những món ăn tinh thần của biết biết bao thế hệ người Việt. Khi bài hát mới được hoàn thiện và tung ra công chúng, ngoài việc tấm tắc khen về chuyện tình yêu đẹp được khéo léo lồng ghép trong bài hát, người ta còn hiếu kỳ đi tìm hiểu về một cây đàn lạ xuất hiện trong câu chuyện - cây đàn Chapi. Cùng niềm ngưỡng mộ vô bờ bến với nhạc sĩ Trần Tiến và trí tò mò về những nét đẹp độc đáo khắp Việt Nam, mời các bạn cùng tôi chu du về nơi đại ngàn để tìm về tiếng Chapi năm nào.
Đàn Chapi một thời được coi là linh hồn trong các hoạt động văn hóa của cộng đồng đồng bào người Raglai, phân bố chủ yếu ở khu vực tỉnh Ninh Thuận, phía nam tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận. Từ xa xưa, tộc người Raglai đã có một đời sống tinh thần văn hóa vô cùng phong phú. Tuy nhiên, vì điều kiện của mỗi nhà là khác nhau, không phải người dân Raglai nào cũng có thể sắm cho mình chiếc Mã La (dạng cồng chiêng của người tộc này) để có thể tham gia những sự kiện quan trọng của dân tộc. Chính vì thế mà người Raglai nghèo đã tự chế ra chiếc đàn Chapi bộ gảy mang âm hưởng tương tự như Mã La để sinh hoạt văn hóa. Nói đến bài "Giấc mơ Chapi" của nghệ sĩ Trần Tiến, người nghệ nhân chế tác Chapi duy nhất còn lại của vùng Ma Nới, tỉnh Ninh Thuận Chamaléa Âu tấm tắc: "Cái câu, ai nghèo cũng có cây đàn Chapi là nhạc sĩ nói rất đúng cái bụng của người Raglai xưa đó. Ngày trước, đã là người Raglai thì ai cũng có đàn Chapi cả". Khác với Mã La, cây đàn Chapi nhỏ gọn, dễ mang theo bên người, người Raglai cũng lấy lợi thế đó để mang theo mỗi khi phải đi xa, lấy chiếc đàn ra gảy thì cả vùng trời quê hương như hiện về. Thuở ấy, trong những đêm thanh vắng, tiếng đàn vang lên khắp núi rừng. Con trai con gái túm năm tụm ba ngồi trên thềm nhà chơi đàn và thưởng thức tiếng đàn. Những thanh âm ngân nga cứ thế vang vọng khắp đất trời, hòa với rừng sâu thăm thẳm, cùng với con suối róc rách và muông thú hoang dã. Cả cuộc đời, nếp sống người Raglai một thời đã gắn liền với cây đàn Chapi, ăn ở cùng Chapi và buồn vui cũng cùng với Chapi. Tiếng đàn tuy đơn giản, đơn thanh, nhưng lại có thể chơi nhiều điệu đàn khác nhau, tùy vào từng dịp lễ quan trọng của cộng đồng dân tộc thiểu số này như lễ bỏ mả, đám cưới, ngày mùa, hát giao duyên, mừng lúa mới.
Thanh niên trai tráng trong làng ai ai cũng muốn học làm và học chơi cây đàn độc đáo này. Đầu tiên, người Raglai sẽ đi vào rừng chọn những khóm tre đẹp nhất, khoảng tầm 1 năm tuổi, rồi chặt đem về phơi nắng một tháng trời. Sau đó, người dân chọn lọc ra những ống tre dài tầm 40 cm không bị cong vênh để tiến hành làm đàn. Nghệ nhân sẽ chọn những vật sắc nhọn để tỉa tót cho tạo phần dây đàn, thường là từ 4 - 6 cặp dây, mỗi dây cách nhau 2 cm cùng với 2 đốt che nhỏ ở đầu dây nhô lên so với thân đàn. Họ vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái rồi khoét rãnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mây bện chặt lại để giữ cho dây đàn luôn căng và cuối cùng thì dùng dùng dùi lửa khoét mắt tre để tạo âm thanh cho đàn. Sau khi cây đàn hình thành, cũng như mọi nhạc cụ khác trong bộ dây, người nghệ nhân sẽ phải sử dụng đôi tai lão luyện của mình nghe âm vang, căn chỉnh sao cho tiếng đàn Chapi có hồn. Khi làm đàn, họ chú ý tới căn chỉnh dây đàn ở mặt trên, mặt dưới để làm sao âm thanh phát ra giống với tiếng Mã La nhất. Mỗi cây đàn khi được làm ra, nếu tuân thủ đúng quy trình và thủ pháp, có thể tồn tại cả đời người. Bởi vậy mới thấy, những người nghệ nhân mặc dù năm nay đã ngoài 60, 70 nhưng họ vẫn mang theo mình những cây đàn Chapi đã được chế tác từ xa xưa, vẫn ngân vang nốt nào ra nốt đó, chuẩn chỉnh không kém cạnh những cây đàn mới. Nghệ nhân Chamalé Âu cũng vậy. Ông nhớ như in cái thời mình say mê tiếng Chapi thuở thiếu thời: "Từ nhỏ, nghe hoài đàn Chapi, mê lắm. Mê thì học gẩy, học làm. Ông cậu Chamalé Lư thấy mình ham Chapi nên dạy cho, dạy bằng cách gảy cho nghe và làm cho xem... Thế đấy, mê Chapi từ nhỏ tới giờ!". Niềm đam mê của người Raglai là thế, mê âm thanh quyện cùng bản hòa tấu của núi rừng, nhưng còn ham thích tìm hiểu ngọn ngành cách làm sao cho chuẩn và chính xác.
Tuy nhiên, niềm mê thích ấy cũng không còn giữ được lâu. Đi sâu vào những bản của tộc người Raglai khu vực Khánh Hòa, hay Ma Nới, Ninh Thuận, tiếng Chapi vang vọng ngày càng thưa dần. Hiện đại hóa đã tràn vào bản làng như cơn sóng dữ cuốn trôi đi niềm say mê ngày nào, để giờ chỉ còn những người nghệ nhân già cặm cụi chơi đàn và hoài niệm về ngày xa xưa. Số lượng nghệ nhân đã ít, số lượng thanh niên trai tráng yêu quý đàn Chapi cũng ngày một thưa hơn. Không còn ai đủ kiên trì theo đuổi thứ âm thanh thuần túy thiên nhiên ấy nữa, mà hầu như chạy theo thời đại, chạy theo thứ nhạc mê hoặc của nhạc cụ phương Tây, vốn có thể được mua bán ở khắp nơi mà không tốn công sức tìm tòi chế tác. Đau đáu trong lòng những người nghệ nhân già như Chamalé Âu không chỉ là tấm lòng sắt son một thời của người Raglai với cây đàn Chapi, mà còn là nỗi niềm giấu kín khi nhạc cụ dân tộc không thể truyền dạy cho ai nữa. Ông chia sẻ rằng mặc dù đã nhiều lần đại diện dân tộc mình đi diễn ở nhiều sự kiện lớn nhỏ, với mục đích quảng bá và đem văn hóa bản địa đi giao lưu với những dân tộc khác, nhưng thoáng qua trong đôi mắt ông vẫn đượm một nỗi buồn không nguôi. Một mình ông gìn giữ giá trị tinh thần cốt lõi của Raglai, vậy sau này thì Ma Nới còn ai phát huy nữa. Đấy là tình yêu mãnh liệt và cháy bỏng với một tinh hoa dân tộc, một động lực đã thôi thúc những người nghệ nhân cống hiến, truyền dạy và luôn thường trực suy nghĩ về số mệnh của nét đẹp văn hóa đang có nguy cơ phai nhạt như thế này. Còn đâu những ngày Chapi theo người dân lên rẫy lên nương. Còn đâu câu hát tâm tình bập bùng theo tiếng Chapi người con trai trao cho người con gái. Có lẽ, đúng như tựa đề của bài nhạc, tất cả giờ chỉ còn là "Giấc mơ Chapi", một giấc mơ khắc khổ, nao lòng như hồn người đi tìm tiếng đàn giữa sương khói hoang hoải miền sơn cước.
Có thể nói, chúng ta vui vì chợt nhận ra sao đất nước, con người Việt Nam lại có thể sản sinh ra những nhạc cụ dân tộc đáng trân quý đến thế, nhưng cũng đượm buồn vì có lẽ, những điều tốt đẹp nhất thì không tồn tại được lâu. Đối với bạn đọc nói chung, ta đều đã mường tượng và lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất về cây đàn Chapi trong tiềm thức, nhưng liệu ta có thể làm gì để níu giữ lại âm hưởng dân gian đang dần mai một này? Câu trả lời không chỉ nằm ở những người Raglai còn mê đắm Chapi, mà còn nằm ở chúng ta, những người có tình yêu mãnh liệt với văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của cộng đồng dân tộc Raglai và những người trẻ sống trong thời đại mới, giải pháp hợp lý sẽ được đưa ra và trong tương lai gần, cây đàn huyền thoại này sẽ được lưu giữ và bảo tồn ở cấp độ cao nhất.
Bàn về mặt nạ tuồng truyền thống
Khi nói đến tuồng cổ, chúng ta nghĩ ngay đến một lối trình diễn nhạc kịch thịnh hành tại Việt Nam, chủ yếu mang âm hưởng hùng tráng với những nhân vật xả thân vì đại nghĩa, tận trung báo quốc, những nét ứng tác, đối nhân xử thế đương thời phù hợp trong những hoàn cảnh riêng biệt, những tình cảm gia đình và Tổ Quốc cao cả, bi tráng. Nhắc đến tuồng là nhắc đến cả những nét diễn xuất bằng giọng nói, lời ca đanh thép và cả bằng những chiếc mặt nạ tưởng chừng vô hồn nhưng ẩn sau lại giấu nhiều lớp nghĩa dân gian thú vị. Người nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật qua lớp mặt nạ, để rồi xướng tấu những vở tuồng truyền thống một cách chân thực mà tự nhiên. Chắc hẳn, ai ai khi đã trót mê đắm loại hình nghệ thuật dân gian này đều nhớ những câu tuồng đầy dứt khoát trong "Ngũ hổ bình Liêu":
Định Quốc:
Ờ ờ!
Cũng cho ngươi mở miệng
Rồi mỗ sẽ lấy đầu
Những chuyện trước chuyện sau
Khá nói đi nói lại nghe chơi
Trương Trung:
Tôi dám hỏi anh đây
Từ Nguyên nhung thất thủ
Cùng Ngũ Hổ bị cầm
Sao anh không ra sức chém đâm
Mà lại cố tìm phương lánh trốn ới là mần răng hử?
Tuồng là loại hình sân khấu ước lệ, vậy nên để truyền tải thành công cái hồn cái vóc của các nhân vật tạo thành từng mắt xích nhỏ trong câu chuyện, người nghệ sĩ phải được hóa trang một cách đặc biệt, mục đích này cũng tương tự như Hí kịch của Trung Quốc và kịch Kabuki của Nhật Bản. Các tuyến nhân vật của tuồng chủ yếu là: kép, tướng, đào, đào võ, lão,.. với mỗi loại nhân vật lại có cách hóa trang riêng. Việc hóa trang ở đây nằm ở hai phương diện chính, vẽ trực tiếp lên khuôn mặt hoặc sử dụng mặt nạ truyền thống. Dù sử dụng biện pháp nào đi chăng nữa, màu sắc và bố cục của khuôn mặt vẽ hay mặt nạ đều như nhau, chỉ cần lên sân khấu là khán giả có thể biết ngay nhân vật đó là trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay đức độ. Có thể nói, mặt nạ tuồng chính là linh hồn của từng nhân vật trong mỗi vở, mang tính tượng chưng cao và là chìa khóa tiếp cận một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo nhất của dân tộc Việt Nam. Để có lối diễn xuất thuyết phục nhất, hầu như người nghệ sĩ nào khi đã theo nghiệp tuồng thì đều phải học vẽ mặt nạ, hay trang điểm hóa trang mặt nạ. Họ sẽ phải tự mày mò, nhớ thứ tự màu sắc, bố cục, chi tiết các bước vẽ rồi vẽ theo những nghệ nhân đi trước. Việc hiểu rõ nhân vật cũng dần dần được hình thành nếu người nghệ sĩ nắm bắt được những quy luật ước lệ có sẵn, ví dụ như người xưa cho rằng: "Những người ti hí mắt lươn, trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người", hay những kẻ xu nịnh thì thường "râu rìa, lông ngực đôi bên", v.v. Tất cả những quy ước chung đó đều xuất phát từ quan niệm truyền thống về những loại người khác nhau trong xã hội, được khái quát hóa dưới góc độ nghệ thuật và đưa lên những vở diễn.
Màu sắc sẽ là thứ nổi bật lên đầu tiên khi đi sâu vào chi tiết của một chiếc mặt nạ tuồng, nó giữ một vai trò quan trọng trong nghệ thuật tạo hình mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông. Các mảng màu sẽ được vẽ lên trước rồi mới được vẽ nét lên sau. Nhìn sơ qua, nhiều người sẽ lầm tường những chiếc mặt nạ tuồng Việt Nam sao mà giống kinh kịch Trung Quốc thế, nhưng sự thật thì không phải như vậy. Người Việt sử dụng lối trang trí đơn giản với ít màu sắc hơn hẳn, đa phần còn là màu nguyên chất như đen, trắng, đỏ, cùng với những màu phụ trợ như xanh, vàng, lục kết hợp với lối vẽ mềm mại vừa đủ, còn kinh kịch Trung Quốc dù tận dụng tối đa những màu nguyên bản nhưng vẫn cầu kỳ chấm phá thêm nhiều màu khác như xanh lục, xanh dương, tím, nâu, vàng thư, vàng chanh, vàng đất. Tương quan màu sắc cũng là một nét đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình mặt nạ tuồng Việt Nam khi các nghệ sĩ và nghệ nhân đặt màu sắc cạnh nhau một cách vô cùng khoa học, màu này bổ trợ màu kia, đôi khi kết hợp màu trắng để cả mảng màu như chết đi một độ tươi vậy. Nhìn từ xa, tổng thể các dải màu được pha theo phép xen kẽ tạo nên sự thú vị nhất định. Đó là độ tương phản, đối chọi mạnh mẽ được hình thành bởi những cặp đen - trắng, trắng - đỏ, đen - đỏ và những cặp phù trợ như đỏ - lục, vàng - lam. Chính những nét đậm nhạt đối màu ấy đã thổi hồn cho từng nhân vật, làm nổi bật tính cách và tâm thế con người trên sân khấu. Có thể thấy ví dụ điển hình như nhân vật Trụ Vương với khuôn mặt đỏ pha thêm màu đen tạo nên màu đỏ bầm, thể hiện là người trí dũng chững chạc. Sự hòa hợp của màu sắc cũng có phần ảnh hưởng từ ngũ hành, khi màu lạnh như: lục, đen đại diện cho chất âm đi cùng với màu đối là màu nóng đỏ, vàng đại diện cho chất dương. Đặc biệt, màu đỏ vốn tượng chưng cho hành Hỏa, phối màu cực tốt với màu đen tượng trưng cho hành Thủy, hai hành tương khắc nhau vì thế mà dung hòa được cho nhau. Chính từ ngũ hành mà ta cũng có thể chỉ ra nhân vật xấu và nhân vật tốt, như Quan Công mặt đỏ là dương, là người chính trực, thiện lành còn nhân vật Tạ Ôn Đình mặt đen rằn đầy khí âm, là kẻ tiểu nhân, mang sắc thái hắc ám, thù địch. Xét về địa lý, màu sắc cũng phản ánh phần nào xuất thân của nhân vật. Các nhân vật có màu da xanh, xám hoặc có màu da đen thường xuất thân từ vùng núi rừng, như các vai yêu đạo mặt mang màu xanh cây hoặc xanh thẫm. Ngược lại, những nhân vật da mặt trắng xuất thân ở thị thành, như các vai công tử bột, quan lại, tiểu thư. Một nhân vật khá nổi tiếng là Đào Tam Xuân có khuôn mặt nửa xám, nửa trắng hồng do vốn sống ở vùng núi nhưng sau này lại về chốn đô thành làm quan nên mới có sự phân chia như vậy.
Bố cục màu sắc là khái niệm tiếp theo chúng ta cần điểm tới khi nói về mặt nạ tuồng Việt Nam. Nếu như những đường nét, màu sắc, hình khối, độ đậm nhạt, ... toát lên được cái hồn và tính cách của nhân vật thì việc sắp xếp những yếu tố đó trong một khuôn khổ nhất định theo cảm xúc và ý tưởng của người nghệ sĩ sẽ khiến cho tổng quan chiếc mặt nạ thêm phần cuốn hút và phù hợp với các vở diễn khác nhau. Trong nghệ thuật tuồng, chiếc mặt nạ khi bắt đầu được trang trí có thể chia thành bốn bố cục khác nhau như bố cục đối xứng, bố cục cân đối 2/3, bố cục theo chủ đề và bố cục theo nhịp điệu. Trước hết, bố cục đối xứng, vốn là kiểu kinh điển phân khuôn mặt ra làm hai phần đối xứng nhau. Tuy việc trang trí theo bố cục này khá dễ dàng so với các loại khác, để có được yếu tố màu sắc tổng hòa, tạo ấn tượng cho người xem lại vô cùng khó. Người nghệ sĩ tuồng đã phải rất khéo léo chọn lựa màu sắc, phân chia cân đối khuôn mặt theo đường trung trực, chia 2 mắt, 2 tai, chia nửa mũi và miệng để kết hợp các mảng màu sao cho hợp lý. Tiếp tới là bố cục 2/3 hay còn gọi là bố cục tuân theo nguyên tắc cân đối. Với chỉ 4 đường thẳng riêng biệt, khuôn mặt được chia thành 9 phần diện tích, sao cho tỉ lệ giữa chiều rộng của phần nhỏ và chiều rộng phần lớn bằng đúng tỉ lệ chiều rộng của phần lớn so với chiều rộng của chiếc mặt tổng thể. Việc chia cân đối như vậy được gọi là tỉ lệ vàng, để từng bộ phận trên khuôn mặt nằm trên những mảng diện tích khác nhau nhưng tuân theo một quy tắc nhất định. Những mảng màu phủ lên những phần diện tích đó tạo một cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người xem. Vì tuồng là những vở diễn sân khấu với cốt truyện và ca từ, nên việc lựa chọn chia bố cục mặt nạ theo chủ đề và nhịp điệu cũng là những ý kiến rất hay. Về chủ đề, bố cục của mặt nạ sẽ góp phần truyền đạt tính cách của nhân vật đến người xem. Vì phản ánh chân thực hình tượng của nhân vật, những hoa văn và họa tiết trên mặt nạ theo bố cục này được sắp xếp tinh ý, thường có xu hướng tương phản mạnh về màu sắc, đường nét, có thể lấy ví dụ như một vài nhân vật võ tướng như Đổng Trác hay Tào Tháo. Tuy nhiên khuôn mặt của nhân vật không phải lúc nào cũng cứng ngắc. Đối với việc vẽ trực tiếp mặt nạ lên mặt, mỗi cử chỉ như một cái nháy mắt, một cái nhíu lông mày cũng tạo nên sự uyển chuyển độc đáo. Chính vì vậy, bố cục nhịp điệu ra đời như một giải pháp và cũng như một thử thách với người nghệ sĩ tuồng để họ sáng tạo chiếc mặt nạ của mình có sự thay đổi, biến chuyển, có tính lặp lại mà không nguyên si, có chu kỳ lên xuống. Quả thật, không phải nói quá nếu ta cho rằng mặt nạ hóa trang truyền thống của nghệ thuật tuồng là một bức tranh sống động theo đúng nghĩa, và người nghệ sĩ phải thực sự tài hoa mới có thể truyền tải hết được những giá trị ấy lên trên khuôn mặt.
Có thể thấy, dù trải qua bao thăng trầm nhưng chiếc mặt nạ tuồng xưa nay vẫn thế, vẫn lưu giữ những nét tinh hoa độc lạ mà chỉ môn nghệ thuật này mới có. Ở đó, ta thấy cái hồn của người nghệ sĩ thông qua lớp mặt nạ hóa trang và càng thêm tấm tắc những giá trị cốt lõi làm nên người nghệ sĩ. Họ phải hiểu nhân vật đến nhường nào để vừa có thể truyền tải thông qua vở diễn, thông qua nét mặt và cả chiếc mặt nạ tự tay làm nên. Thấu hiểu chiếc mặt nạ tuồng cũng chính là bước đầu để khán giả chạm đến trái tim của một vở diễn, bởi lẽ khi thưởng thức nghệ thuật với kiến thức nền tảng vững chắc sẽ là một cuộc chơi hoàn toàn mới. Mắt ta nhìn, tai ta nghe nhưng tâm ta lại biết trân trọng, đó mới là điều đáng quý.
Thật đáng mừng khi hiện nay công nghệ thông tin phát triển, các loại hình nghệ thuật số ra đời nhưng tuồng vẫn không hề mai một. Ngược lại, những người trẻ đã biết cách tận dụng lợi thế sẵn có để quảng bá loại hình nghệ thuật này ngày một nhiều, từ các diễn đàn đến các cổng thông tin trên mạng. Mong rằng trong tương lai, tuồng nói chung và mặt nạ tuồng cổ nói riêng vẫn sẽ mãi là tượng đài trong vườn hoa nghệ thuật dân gian Việt Nam, hoa văn trang trí cùng bảng màu đặc sắc của hóa trang nghề tuồng sẽ mãi truyền cảm hứng cho các thế hệ sáng tạo sau này.
Về Bát Tràng nghe câu chuyện gốm sứ
Với hơn cả ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam luôn tự hào là một quốc gia kiên cường, độc lập với những giá trị cố hữu lâu đời. Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy những giá trị ấy như một lời răn nhắc nhở con cháu đời sau về một thuở cha ông ta khi xưa đã dùng bàn tay và khối óc gây dựng nên. Những làng nghề truyền thống cũng vì thế mà được truyền lại từ đời này đến đời khác và lấy những tiêu chuẩn của cha ông xưa làm kim chỉ nam dựng nghiệp và phát triển. Bát Tràng là một trong những làng nghề ấy, vẫn tiếp tục tưới nước lên những hạt giống gốm sứ đã được gieo trồng mấy trăm năm nay.
Dọc theo hướng cầu Vĩnh Tuy rồi rẽ phải đi lên đê khoảng 5 - 6 km, ta đặt chân đến xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi có làng nghề làm gốm đã có tuổi đời hơn 500 năm. Câu chuyện về gốm sứ không phải là câu chuyện mới, những gốm Bát Tràng không chỉ còn là cái tên cho môt làng nghề, mà còn là một thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Xen qua những nếp nhà hoài cổ và những con ngõ hun hút đã nhuốm màu thời gian, ta như được lạc vào một thế giới nơi thời gian ngưng đọng, ở đó, mái đình xưa bên bờ sông Hồng vẫn hiên ngang đón chờ khách vãng lai, thi thoảng có tiếng trẻ con kêu đùa ríu rít và đặc biệt hơn cả, vẫn là một nếp sống nền nã đầy quy củ, một nguyên tắc làng nghề truyền dạy mà ngôi làng ấy nhất mực tuân theo. Theo nghĩa Hán Việt, chữ "Bát" (鉢) là bát ăn của nhà sư (theo tiếng Phạn là Patra), còn chữ "Tràng" (場) nghĩa là cái sân lớn, là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Phân tích sâu hơn về chữ "Bát" có bên trái là bộ Kim (金) - sự giàu có sung túc, đi kèm với chữ " bản" (本) là nguồn gốc nguồn cội. Người làng vẫn thường lấy cái tên này để dạy lại cho con cháu đời sau phải luôn biết giữ lấy cái gốc, cái rễ hình thành thì mới đạt được phồn vinh phú quý. Làng nghề Bát Tràng khởi phát từ thời nhà Lý, người dân theo chân vua Lý Thái Tổ từ huyện Yên Mô phủ Trường Yên (nay là huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình) dời đô về Thăng Long và lựa chọn huyện Gia Lâm thuộc Kinh Bắc trước đây để lập nghiệp. Trải qua các triều đại phong kiến, dù trong tình thế bị bế quan tỏa cảng hay chiến tranh liên miên, người dân vẫn tiếp tục bám lấy nghề làm gốm và âm thầm duy trì giá trị cổ truyền quý báu này. Ngày nay, sản phẩm gốm Bát Tràng ngày một đa dạng và phong phú. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa,... kiểu mới, các loại vật liệu xây dựng hay đồ sứ cách điện hiện đại, những sản phẩm được đổi mới mẫu mã và trang trí để xuất khẩu nước ngoài. Bên cạnh đó, với công nghệ hiện đại, người dân ngày nay lại tiếp tục áp dụng để phục chế những món đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng, nước men từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc. Đó cũng chính là biểu hiện của con đường đi tìm về những tinh hoa nguồn cội, là lời khẳng định chắc nịch của người dân về lẽ sống "uống nước nhớ nguồn" đáng trân trọng.
Đến với Bát Tràng là đến với một không gian văn hóa làng nghề cổ xưa mà hiện đại. Cổ xưa ở khí chất, ở nguyên tắc và cái tâm với nghề không mai một, nhưng xen lẫn là những kỹ thuật, máy móc hiện đại tăng cao năng suất lao động xã hội. Những quy trình sản xuất gốm đến hiện nay vẫn được tuân thủ đủ ba bước: tạo cốt gốm, trang trí hoa văn và phủ men, nung. Bước vào giai đoạn đầu, người nghệ nhân cần phải chọn được nguồn đất sét phù hợp. Một trong những lý do người dân tìm đến khu vực này để tiếp tục cơ nghiệp từ buổi đầu cũng là vì họ đã phát hiện ra nguồn đất sét trắng quý giá. Đến thế kỷ 18 thì nguồn nguyên liệu này cũng dần đến cạn kiệt nên người nghệ nhân buộc phải đi tìm nguồn đất mới. Tiếp đó, họ xử lý đất bằng qua bốn bể khác nhau, bể ngâm để lọc tạp chất trong khoảng từ 3 - 4 tháng, chuyển sang bể lắng để lấy đất sét, bể phơi sẽ là quy trình thứ ba trước khi đất sét được chuyển sang bể ủ. Ở đây, oxit sắt và các tạp chất sẽ được khử bằng phương pháp lên men với thời gian ủ càng lâu thì càng tốt. Sau khi đất đã được xử lý, người nghệ nhân sẽ tiến hành tạo dáng cho vật phẩm. Đây chính là lúc mà những chiếc bát, chĩa đĩa hay bình hoa được hoàn thiện dưới bàn tay tài hoa của con người. Trong khâu tạo dáng, người thợ thường sử dụng bàn xoay cùng với kỹ thuật "vuốt tay, be trạch" và trước đây thường do phụ nữ đảm nhiệm. Người thợ đắp nặn gốm đòi hỏi phải có kỹ thuật và mỹ thuật cao, ở đó, đôi bàn tay sẽ phải liên tục nhào nặn, vuốt dần lên để tạo dáng. Có lẽ hình ảnh người thợ làm gốm hiện lên đẹp nhất ở trong quy trình này. Một tay họ làm nghệ thuật trên bàn xoay, tay còn lại lau những giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán. Dù lấm lem bùn đất nhưng chính sự cần cù lao động đã toát lên cả một vẻ đẹp sáng ngời. Và thành quả của khối óc và bàn tay lấm lem ấy chính là những tạo vật xinh xắn, cân đối và hữu dụng. Người thợ tiếp tục đem chúng đi phơi sấy cho khô sao cho không để sản phẩm bị nứt nẻ, méo mó gây ảnh hưởng đến hình dáng tổng thể, song, khi sấy xong họ lại cẩn thận đem chúng lên bàn xoay để chỉnh lại một lần nữa.
Tiếp đến chính là công đoạn trang trí hoa văn và phủ men, lại thêm một quá trình mà ta có thể coi người thợ gốm chính là những người nghệ sĩ thực thụ. Thông thường, họ sẽ dùng bút lông vẽ trực tiếp lên sản phẩm. Tùy vào kiểu dáng và thể loại mà hoa văn vẽ cũng khác nhau sao cho phù hợp và hài hòa. Có thể nói, những chi tiết trên gốm đã đưa sản phẩm này lên đến ngưỡng độ nghệ thuật cấp cao, đòi hỏi con người phải khéo tay đến nhường nào. Qua từng thời đại khác nhau thì nét vẽ của người thợ cũng đổi khác, như thế kỷ XIV - XV nổi tiếng với kiểu khăc chìm, tô men nâu, thế kỷ XVII nổi bật lên với kỹ thuật chạm khắc, đắp nổi với những đề tài trang trí mới: bộ tứ linh, hổ phù, nghê, hạc,... Đến thế kỷ XIX thì gốm hoa lam được phục hồi và nghệ thuật trang trí đã đạt đến đỉnh cao với việc sử dụng nhiều loại men khác nhau. Dạo gần đây, một vài kỹ thuật trang trí mới cũng đã được áp dụng, ví dụ như kỹ thuật hấp hoa, một lối trang trí có sẵn lấy decal in sẵn nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, phương pháp mới này không làm nên cái hồn của sản phẩm Bát Tràng và không toát lên được hết tinh túy của người thợ làm gốm. Đồ gốm sứ trao tay cho khách mua hàng, không chỉ là trao một món đồ thủ công hời hợt với vài đường in, mà là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ như bao tác phẩm nghệ thuật khác. Người mua gốm cũng như người mua tranh mua tượng, họ có quyền thưởng thức tinh hoa của lao động và bản thân người Bát Tràng cũng tự ý thức được cái tâm làm nghề khi họ sản xuất sản phẩm gốm theo phong cách truyền thống. Sau khi sản phẩm thô hoàn thiện, người nghệ nhân sẽ nung ở nhiệt độ thấp, rồi tiến hành tráng men cho đồ gốm. Thông thường, sản phẩm trước khi tráng men sẽ được dùng chổi quét cho sạch bụi. Đối với những món đồ mà xương gốm có màu trước thì phải được phủ một lớp men lót để che bớt màu, đồng thời lúc ấy người thợ cũng phải tính toán nhiều đến tính năng của mỗi loại men định tráng, nồng độ men, thời tiết và mức độ khó. Sau cùng lại là những lần tỉ mỉ sửa sang lại từng món đồ trước khi đem vào quá trình nung, bước này được gọi là "sửa hàng men".
Giữ trong tay những sản phẩm đẹp mắt men tráng đầy đủ, bước cuối sẽ quyết định thành quả của cả một quá trình thẩm mỹ và nghệ thuật. Người dân Việt Nam trong mọi nghề sản xuất đều để tâm rất nhiều đến bước đầu và bước cuối, đầu xuôi thì đuôi lọt, chính vì vậy mà ở giai đoạn này, kỹ thuật lành nghề, tay làm lâu năm là chưa đủ. Họ sẽ nhờ cậy một phần tổ nghề, thần thánh tứ phương để có được hỗ trợ tốt nhất, thiên thời địa lợi nhân hòa. Riêng ở làng Bát Tràng, trước khi đưa gốm vào nung, người thợ lâu năm kinh nghiệm nhất sẽ làm lễ cúng, thành kính cầu mong trời đất và vị thần Lửa trong tín ngưỡng dân gian phù hộ cho từng mẻ gốm được hoàn thiện chỉn chu nhất. Sau nghi lễ, họ bắt đầu đưa gốm vào bao nung và sắp xếp sao cho hợp lý để lửa có thể nung đều tất cả. Bao nung được ghép thành bởi các loại gạch vuông, sau hai ba lần sử dụng trong lò đến độ lửa cao và cứng gần như sành. Tuy nhiên, gần đây bao nung thường được làm bằng loại đất sét chịu nhiệt có màu xám trộn với bột gạch hoặc bao nung hỏng nghiền nhỏ. Sau đó người nghệ nhân giàu kinh nghiệm sẽ đốt lò nung để ngọn lửa đạt đến nhiệt độ cao nhất. Lại một lần nữa hình ảnh người thợ hiện lên đầy trác tuyệt, nhưng không còn nằm trong giới hạn sáng tạo nghệ thuật nữa, mà nằm trong nét khỏe khoắn làm chủ ngọn lửa và sức nóng. Con người đứng đối diện với nguyên tố tự nhiên thuần thục và khéo léo. Từ lúc ánh lửa bập bùng trong lò đến lúc lò nguội cũng phải mất tới 3 ngày 3 đêm. Khi nung xong người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi và lỗ xem lửa để làm nguội từ từ. Sản phẩm lúc hoàn thành sẽ được đánh giá, phân loại cẩn thận cho tiêu dùng hay cho sửa chữa lại từ đầu. Đó cũng chính là lúc quy trình tạo nên gốm sứ Bát Tràng kết thúc.
Năm tháng đổi thay, công nghệ lên ngôi đem theo những giá trị mới, những phương pháp sản xuất bớt cầu kỳ hơn, hiệu quả và năng suất hơn nhưng không một phương pháp nào đem đến vẻ đẹp lao động mà quy trình truyền thống đem lại cho làng nghề gốm Bát Tràng. Đến với ngôi làng cổ truyền này, ta không chỉ cảm nhận cái nếp làng từ ngàn xưa vẫn đang sôi sục trong những trái tim từ già đến trẻ, ta còn thêm trân quý một sản phẩm thủ công đã đi vào hàng ngũ di sản của đất nước. Nếu trung tâm Hà Nội đại diện cho nhịp sống mới đang ngày một lan rộng, với con tim và khối óc kết hợp với công nghệ hiện đại tạo nên cái hối hả đô thị, thì làng Bát Tràng như một dấu lặng trong bản hòa ca huy hoàng, là nét lắng lại của thủ đô với nghề truyền thống làm gốm ngày ngày xoay quanh đất sét và củi lửa. Ở đó, nét đẹp lao động và nét đẹp con người hòa quyện hữu tình và là sợi dây gắn kết không thể tách rời. Về Bát Tràng nghe câu chuyện gốm sứ là lắng nghe hơi thở nghệ thuật dân gian và lắng nghe cả một vùng trời lao động cống hiến không ngừng nghỉ.
Ngây ngất trước làn điệu quan họ Bắc Ninh
"Mấy khi vui vẻ thế này. Vui tày đám hỏi đốt cây nhang trầm. Lòng yêu, yêu vụng nhớ thầm ... điếu đổ lăn xe ... Yêu ai thì quyết chớ nghe người dèm...".
Mấy câu quan họ vang lên giữa trời đất Kinh Bắc làm xao xuyến biết bao du khách thưởng ngoạn ghé qua nơi đây. Cùng với Chầu văn, Ca trù, Hát dặm, Hát xoan,... Quan họ như một bông hoa xứ Bắc cùng đua nở trong vườn hoa những làn điệu dân ca Việt Nam. Cái luyến cái láy, cái ngân nga từng nốt ở làn điệu ấy sao mà mê hoặc và bắt tai đến thế. Tâm tình người con Bắc Ninh như được chuyển vào từng câu ca, từng khuông nhạc, để rồi vang lanh lảnh như dịu dàng gọi mời hay hờn dỗi trách móc. Từ ấy mà cả một bầu trời đời sống sinh hoạt văn hóa dân gian đồng bằng Bắc Bộ gắn chặt với làn điệu ấy tựa một chất keo kết dính không thể tách rời.
Quan họ là một làn điệu đặc biệt khởi nguồn và phát triển ở đất Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay với dòng sông Cầu chảy qua được gọi là "dòng sông quan họ". Tuy xuất phát điểm từ cả Bắc Giang và Bắc Ninh, nhưng làn điệu quan họ được mọi người biết đến nhiều nhất ở Bắc Ninh. Đây cũng là địa phương còn gìn giữ và phát huy làn điệu quan họ cho những thế hệ sau này. Đặc biệt, với nỗ lực thúc đẩy du lịch văn hóa, vào năm 2019 thì Ủy ban linh chính phủ Công ước UNESCO đã ghi danh Dân ca quan họ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề nguồn gốc tên "Quan họ". Nhiều người cho rằng nên phân tích những tiếng cấu thành từ "Quan họ", từ đó họ suy luận ra làn điệu này gắn với những âm nhạc cung đình khi xưa, hoặc gắn với tích ông quan nọ ghé chơi qua đất Kinh Bắc rồi say mê làn điệu biểu diễn bởi các liền anh, liền chị (họ) nên mới đặt tên như vậy. Tuy nhiên, nếu xét về hình thức trình diễn, cách thức tổ chức và giao lưu, nhiều người lại cho rằng quan họ khởi đầu từ nghi lễ tôn giáo dân gian mang tín ngưỡng phồn thực chứ làn điệu này không phải xuất phát từ âm nhạc cung đình. Nhưng tất cả những ý kiến trên vẫn chỉ là của một bộ phận nhỏ những người nghiên cứu về quan họ. Cho đến nay, Quan họ không chỉ lối hát giao duyên giữa liền anh và liền chị mà còn là một môn nghệ thuật biểu diễn trao tâm tình đến với khán giả. Đặc biệt, quan họ còn có lối hát đối đáp tùy theo kịch bản hay tự ứng biến của hai bên. Trên các lời ca cũ, các liền anh, liền chị có thể ứng tác đặt lời để đổi giọng, đối nghĩa. Với 213 giọng điệu khác nhau, Quan họ có tổng số giọng điệu cao nhất trong các làn điệu dân ca ở Việt Nam.
Quan họ Bắc Ninh là sự sáng tạo nghệ thuật trong việc xử lý mối quan hệ giữa ca từ và âm nhạc, làn điệu. Mỗi đoạn giọng (giai điệu âm nhạc) đều có lời ca riêng phù hợp. Với việc sử dụng thuần thục những kỹ thuật như vang, rền, nền, nảy, dân ca quan họ đã đạt đến một mức độ nhuần nhuyễn nhất định. Khi hát đối đáp mỗi cặp nam hay nữ sẽ phân công người hát dẫn, người hát luồn, song giọng của hai người phải luôn hòa âm, tưởng hai mà một. Riêng với việc hát đối đáp, một cặp nam nữ sẽ là những nhân vật chính đưa đi đối lại những câu hát đầy tâm tình. Trai của làng này hát với gái của làng kia với chất giọng đối nhau và ca từ riêng biệt. Cùng những chủ đề như tình yêu nam nữ, những lời ca mộc mạc ấy đã vượt qua cả ngưỡng độ của trình diễn nghệ thuật mà đã đi vào đời thực như những lời tâm tình tự sự của chàng trai cô gái đang đương độ xuân nồng, tìm đến nhau và yêu nhau nhưng còn e thẹn khó nói. Nhưng tình yêu không phải là chủ đề duy nhất mà những làn điệu quan họ khai thác. Ở đó, ta đươc đắm mình vào nỗi buồn man mác sâu lắng khi chia xa, nỗi vui mừng khôn xiết đến thổn thức con tim của những lần hội ngộ. Chính từ việc chạm đến cảm xúc sâu thẳm qua làn điệu dân ca, Quan họ Bắc Ninh đã chinh phục được trái tim của biết bao thế hệ con người. Tuy là vậy, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa những làn điệu Quan họ truyền thống và những làn điệu mới. Nếu những điệu dân ca mới đây được sáng tạo với mục đích tuyên truyền, trình diễn và thương mại hóa thì Quan họ truyền thống chỉ còn tồn tại ở vỏn vẹn 67 làng trên đất Kinh Bắc ngày nay. Đây là tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am hiểu và tuân theo luật lệ. Vì vậy mà người dân thích "thú chơi Quan họ" hơn là "hát Quan họ". Hát là trình diễn, là phô diễn nghệ thuật, nhưng thú chơi ở đây thì lại là một khía cạnh hoàn toàn khác. Người dân chỉ "chơi" Quan họ trong những dịp lễ đặc biệt, không nhạc, không loa, liền anh liền chị đối đáp nhau qua lại, vừa là người trình diễn mà cũng vừa là người thưởng thức.
Để thưởng thức một làn điệu Quan họ thì ngoài thanh âm luyến láy, trang phục cũng góp phần không nhỏ để truyền tải thông điệp thêm trọn vẹn. Liền anh và liền chị đều sử dụng những trang phục truyền thống mang đậm bản sắc dân gian. Trang phục của liền anh thường đơn giản hơn liền chị rất nhiều, thường là áo dài năm thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Áo dài bên ngoài chủ yếu là màu đen, chất liệu là lương, the hoặc đối với người khá giả hơn thì may áo kép. Quần thường có màu trắng, ống rộng, may dài tới mắt cá chân, chất liệu chủ yếu là diềm bâu, phin, trúc bâu hoặc lụa truội màu mỡ gà. Trước kia nam giới vùng này hay để tóc búi tó nên dùng khăn nhiễu để vấn tóc lên, tuy nhiên xã hội thay đổi, ngày nay liền anh thường mua khăn xếp để vừa tiện mà vừa phù hợp với mọi loại tóc khác nhau. Ngoài ra, liền anh còn tự chuẩn bi những tư trang cho mình như một chiếc ô, một chiếc khăn tay hay một cái lược nhỏ - những đồ vật nhỏ bé, thường nhật nhưng truyền tải câu chuyện vô cùng hợp lý. Trái ngược với các liền anh, trang phục của các chị có phần độc đáo hơn, màu sắc hơn nhưng cũng không kém độ trang nhã và dịu dàng. Trang phục của liền chị thường được gọi là áo mớ ba mớ bảy, có nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo lồng vào nhau, hoặc bảy mớ áo dài lồng vào nhau. Trên thực tế, các chị thường chọn mặc ba áo, lót bên trong là chiếc yếm màu sặc sỡ làm bằng lụa truội nhuộm, bên ngoài là áo dài năm thân. Chiếc áo dài này có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Áo ngoài cùng mang tông màu trầm và nền nã hơn như nâu, đen, đi kèm với váy sồi, váy lụa. Người biết mặc váy khéo là không để cho váy hớt trước, không để váy quây tròn lấy người, mà phải biết cách thu xếp sao cho phần váy phía trước rủ xuống hình lưỡi chai, dài gần tới mu bàn chân. Ngoài ra, một tư trang quen thuộc của các liền chị mà không thể không kể tới là chiếc nón quai thao, hay như xưa còn được gọi là "ba tầm". Chiếc nón đặc biệt này thường được lợp bởi lá cọ hoặc gồi, có hình dạng như cái lọng hoặc tai nấm, đỉnh phẳng, đường kính rơi vào khoảng từ 70 - 80cm. Vì vốn là một hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân từ ngàn xưa, chiếc nón ấy cũng đã đi vào những điệu Quan họ nổi tiếng:
Trèo lên quán dốc ngồi gốc í a cây đa
Rằng tôi lý ối a cây đa
Rằng tôi lới ối a cây đa,
Ai đem ôi à tính tang tình rằng,
Cho đôi mình gặp
Xem hội cái đêm hôm rằm rằng tôi lý ối a cây đa
rằng tôi lới ối a cây đa
Chẻ tre đan nón, kìa nón í a ba tằm
Rằng tôi lý ối a ba tằm
Rằng tôi lới ối a ba tầm,
Ai đem ôi à tính tang tình rằng,
Cho cô mình đội
Xem hội cái đêm trăng rằm rằng tôi lý ối a tháng Giêng
rằng tôi lới ối a tháng Giêng".
Chung quy lại có thể thấy, từ những ca từ mộc mạc, từ đời sống văn hóa tinh thần đầy màu sắc, Quan họ ra đời như một thú chơi, rồi sau này trở thành một loại hình dân ca trình diễn nổi tiếng. Thưởng thức Quan họ là thưởng thức một lối sống thường nhật với thanh âm ngọt sắc đan lát vào từng lời ca, là say mê trước liền anh liền chị áo quần sặc sỡ duyên dáng. Đấy là đỉnh cao của nghệ thuật, là sự thăng hoa của đời sống đến ngưỡng độ cao nhất. Về với Bắc Ninh là về với Quan họ, về với một biểu tượng cổ truyền vẫn đang ngày ngày được gìn giữ, phát huy và lan truyền từ đời này đến đời khác. Là một di sản văn hóa thế giới, làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa đóng góp vào tầm nhìn và nhận thức âm nhạc truyền thống cấp độ địa phương, vừa là cầu nối giữa người dân Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè ngoài nước.
Nhà thờ Mằng Lăng - một dấu ấn kiến trúc cổ Châu Âu
Tôn giáo là vô biên, là không phân định màu da hay khoảng cách địa lý. Dấu ấn của các tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới đều đã được ghi nhận ở Việt Nam, song ở mỗi nơi mà tôn giáo lan tỏa tới, ở đó không chỉ có những đức tin bất diệt, những giáo hội trang nghiêm mà còn có những dấu tích kiến trúc độc đáo trường tồn mãi với thời gian. Trong một chuyến du lịch tới mảnh đất duyên hải Phú Yên, tôi tình cờ đã được tham quan một trong những dấu tích vĩnh cửu đó, không đâu khác chính là nhà thờ Công giáo Mằng Lăng.
Nhà thờ nằm trên địa phận xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, là một nhà thờ lớn của Giáo xứ Mằng Lăng, thuộc Giáo hạt Mằng Lăng, Giáo phận Quy Nhơn. Nếu xét theo phong thủy, khu vực này có thể coi là một vị trí đắc địa, "tiền thông hậu thuận" khi tiếp giáp phía Bắc là Giáo xứ Sông Cầu, phía Nam giáp Giáo sứ Chợ Mới, phía Tây là Giáo xứ Đồng Tre, còn phía Đông là biển. Nơi đây được cho là nơi khai sinh của Chân phước Anrê Phú Yên - một trong những tín hữu Công giáo, được cho là vị tử đạo tiên khởi ở Việt Nam và đã được Giáo hoàng Gioan Paulo II tuyên chân phước vào ngày 5 tháng 3 năm 2000. Nằm cách xa trung tâm thành phố khoảng 35 km về phía Bắc, nhà thờ này được khởi công xây dựng vào năm 1892 và mất đến 15 năm để hoàn thành. Cho tới nay, đây là nhà thờ cổ xưa nhất của nước ta. Người có công góp phần xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo này là vị linh mục người Pháp tên là Joseph de La Cassagne, người dân theo đạo ở đây còn gọi ông với cái tên Cổ Xuân. Ông cũng chính là vị linh mục Chánh xứ đầu tiên của nhà thờ cổ này. Về tên gọi Mằng Lăng, tuy nghe có vẻ lạ tai nhưng nguồn gốc lại khá là mộc mạc và giản dị. Đây không phải là từ Việt hóa của tiếng Pháp mà là tên gọi của một loài hoa xuất hiện ở nơi đây. Theo các bậc cao niên ở gần nhà thờ kể lại thì cách đây hơn 100 năm, khu vực xung quanh vị trí này rất ít người sinh sống, chính vì thế mà hoa cỏ, cây cối mọc nhiều không xuể. Nổi bật trong những loài hoa đua sắc ở đây thì có một loài hoa tim tím cùng họ với hoa bằng lăng, nên người dân gọi chúng là mằng lăng. Do đó, khi xây dựng nhà thờ ở khu vực An Thạch này thì người dân đã gọi luôn công trình kiến trúc là nhà thờ Mằng Lăng cho tiện. Đến nay, việc tìm kiếm được loài hoa này vô cùng khó khăn, nhưng những dấu tích của chúng thì vẫn còn ở một bàn gỗ tròn có đường kính 1,7m trong nhà thờ. Chiếc bàn này đã được đẽo từ gỗ mằng lăng và đã được đem vào sử dụng từ thưở sơ khai khi nhà thờ mới được xây dựng lên.
Kiến trúc của nhà thờ Giáo xứ Mằng Lăng cũng đã trở thành nét độc đáo trong khu vực thời bấy giờ. Khởi công xây dựng vào cuối thế kỷ 19 trên một khoảng khuôn viên rộng hơn 5000 mét vuông, nhà thờ được ưu ái cho lối kiến trúc tôn giáo thời thượng Gothic. Lối kiến trúc này đã được những kiến trúc sư của Pháp thiết kế cách đây hơn khoảng hơn 1000 năm trước công nguyên, nổi bật với mái vòm và đầu nhọn. Phong cách này nhấn mạnh vào những hình khối theo chiều thẳng đứng và tập trung vào những hệ cột mảnh, trần cao mở rộng với sự kết hợp của những vật liệu như kính. Nhờ có kiến trúc mái vòm như vậy, cùng với hệ thống cửa kính lắp đặt hai bên của công trình nên hầu như kiến trúc Gothic đem tới cho công trình nhiều ánh sáng tự nhiên. Quay trở lại với nhà thờ Mằng Lăng, dù đã trải qua biết bao mưa nắng hơn 100 năm qua nhưng nhà thờ vẫn ánh lên vẻ cổ điện mạnh mẽ với cửa hình búp măng, cây cột trụ, xà kèo vững chãi, hay các ô cửa kính màu tạo cho toàn thể không gian như một pháo đài kiên cố. Một điểm đặc biệt của hầu hết những công trình kiến trúc tại Việt Nam, đó là dù cho có phục vụ mục đích nào đi nữa, hay có ảnh hưởng của bất kỳ tôn giáo nào thì đều có những chi tiết kiến trúc mang đậm hơi thở bản địa dân Việt. Nhà thờ Mằng Lăng cũng không phải ngoại lệ khi những cửa chính dẫn vào không gian nhà thờ được nghệ nhân thời đó chạm khắc rất tinh xảo, song, toát lên vẻ mộc mạc rất Việt Nam. Bên cạnh những tiểu tiết tiêu biểu cho lối kiến trúc Gothic như mái vòm, cột trụ bê tông cốt thép, thì điểm nhấn không thể bỏ qua ở nhà thờ chính là hai tháp chuông bên tả bên hữu cân đối với chính giữa là thập tự giá. Hai tháp chuông này và thập tự giá chính là những hình ảnh tiêu biểu hiện lên trong tâm trí mỗi người dân khi nhắc đến nhà thờ Công giáo. Màu xanh xám là màu tổng thể cho nhà thờ, không biết do trùng hợp hay ngẫu nhiên mà đã đem lại cái nhìn tổng quan đầy hòa hợp với phong cảnh ruộng vườn xung quanh. Đi sâu vào bên trong, nêu quan sát kỹ thì có thể thấy không gian thánh đường không có nhiều điểm khác biệt so với những nhà thờ Gothic khác ở Việt Nam với hai hàng cột tạo thành ô vòm liên hoàn. Riêng phần trần của thánh đường đã được làm lại do ảnh hưởng của trận bão năm 1924. Thay vì kiểu mái vòm cao vút đặc trưng, người kỹ sư đã quyết định xây lại thành trần gỗ phẳng. Không gian thánh đường với những màu sơn, hoa văn trang trí mỹ thuật vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Tuy không lớn như những nhà thờ khác rải rác khắp dải đất hình chữ S, sự độc đáo trong lối thẩm mỹ cầu kỳ kết hợp giữa Gothic Pháp và bản địa Việt Nam đã đem tới yếu tố đặc sắc đáng nhớ mà ít nhà thờ nào có được.
Ngoài ra, trong khuôn viên nhà thờ còn có khu hầm kín, xây dựng khá kỳ công dưới một quả đồi giả. Bên trong hầm là những điêu khắc màu kể về cuộc đời của thánh Anrê Phú Yên, bên cạnh đó là nhiều hình ảnh quý giá chụp lại nhà thờ Mằng Lăng từ những năm 90 đến nay và những hiện vật giá trị với giáo xứ. Ẩn sâu trong căn hầm còn trang trọng lưu giữ một cuốn sách cổ được cho là cuốn sách đầu tiên in bằng chữ Quốc Ngữ có tên là "Phép giảng tám ngày". Đây là một cuốn sách giáo lý của Giáo hội Công Giáo Rôma, biên soạn bởi linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ), in tại Ý vào năm 1651. Cha Đắc Lộ cũng là người đã góp phần vào việc khai sinh ra bộ chữ Quốc Ngữ của nước ta.
Tóm lại, khi đi qua những thăng trầm của thời gian hơn 100 năm, nhà thờ Mằng Lăng đã trở thành chứng tích lịch sử cho sự phát triển không ngừng của Giáo hội Công giáo trong khu vực nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh vẻ đẹp cổ xưa, đây cũng là nơi lữu giữ nhiều giá trị văn hóa đáng tìm hiểu và học hỏi. Nếu có dịp đến với thành phố duyên hải đầy nắng và gió này, nhà thờ Mằng Lăng sẽ là một điểm đến đầy hứa hẹn đối với du khách trong và ngoài nước. Hy vọng với những nỗ lực thúc đẩy du lịch không ngừng của tỉnh Phú Yên, nhà thờ Mằng Lăng sẽ được biết đến nhiều hơn nữa, trở thành niềm tự hào không chỉ của Giáo xứ Mằng Lăng mà còn của những người dân Phú Yên nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam
Vào ngày 12/8 âm lịch hằng năm, nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc lại hân hoan chào mừng ngày lễ Sân Khấu Việt Nam. Trải qua hơn mấy ngàn năm lịch sử xây dựng và phát triển, nghệ thuật sân khấu dân gian đã dần đi sâu vào hơi thở đời sống, góp phần không nhỏ trong công cuộc đa dạng hóa, phong phú hóa những bản sắc tinh hoa của con dân đất Việt và là một món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng. Cùng với tuồng, chèo, cải lương và kịch dân ca, nghệ thuật sân khấu múa rối nước, hay còn gọi là trò rối nước từ một loại hình nghệ thuật mang yếu tố dân gian đã trở thành một sản phẩm trình diễn truyền thống, một sáng tạo đặc biệt của người Việt.
Đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh nguồn gốc hình thành của loại hình nghệ thuật có một không hai này. Theo các truyền thuyết và huyền thoại lịch sử, trò múa rối nước đã ra đời từ thời xây dựng thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Kinh An Dương Vương vào khoảng năm 255 trước công nguyên. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu nghệ thuật thì cho rằng sử sách và bia đá mới là những chứng tích rõ nét hơn cả giải thích sự ra đời của trò rối nước. Theo đó, môn nghệ thuật truyền thống này ra đời vào năm 1121 dưới triều Lý, ở vùng châu thổ sông Hồng. Ở đó, bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121 có viết: "Thả rùa vàng đội ba ngọn núi, trên mặt sóng dập dờn. Phơi mai vân để lộ bốn chân, dưới dòng sông lờ lững, liếc mắt nhìn lên bờ, cúi xét bầu trời lồng lộng. Trông vách dựng cheo leo, dạo nhạc thiều réo rắt. Cửa động mở ra, thần tiên xuất hiện. Đều là dáng điệu thiên cung, há phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong, nhăn mày thúy ngợi ca vận tốt. Chim quý từng đàn ca múa, thú lành từng đội xênh xang." Loại hình này thường được biểu diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui hay ngày Tết và theo thời gian, nghệ thuật múa rối cũng được truyền từ đời này sang đời khác như một thú chơi hết sức tao nhã. Hiện nay, đặc phẩm dân gian này chỉ tồn tại duy nhất ở Việt Nam mà không có ở một nơi nào khác. Trong kho tàng trò rối nước, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục rối hiện đại kể về những sự tích dân gian và đời sống hàng ngày của người dân Việt. Vào năm 1992, mười bảy trò múa rối đã đươc phục hồi bởi Nhà hát múa rối Thăng Long và đã làm sống lại cả một nền nghệ thuật lâu đời. Những trò múa rối này bao gồm: Bật cờ, Chú Tễu, Múa rồng, Em bé chăn trâu, Cày cấy, Cậu ếch, Bắt vịt, Đánh cá, Vinh quy bái tổ, Múa sư tử, Lê Lợi trả gươm, Nhi đồng vui chơi, Đua thuyền, Múa lân, Múa tiên, Tứ linh.
Đặc điểm nổi bật của múa rối nước đã nằm ngay ở tên gọi của nó. Nếu ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á chỉ có rối que, rối dây và rối tay thì ở Việt Nam lại xuất hiện con rối được trình diễn trên mặt nước. Sân khấu đó được gọi là nhà rối, hay thủy đình. Tìm về đất Hải Dương, nơi được coi là cội nguồn của nghề múa rối, ta lại biết thêm nhiều chi tiết về khu vực thủy đình này. Thủy đình thường được dựng lên ở giữa ao với kiến trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình, mái chùa ở nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước sẽ đứng ở phía bên trong buồng trò để điều khiển con rối. Thủy đình thường sẽ rộng khoảng 30m vuông, di động được. Trước đây, khu vực này được làm bằng tre, nứa, có phông che, xung quanh trang trí đầy đủ cờ, quạt, lọng, voi, cổng và tên phường rối treo ở bên ngoài, xung quanh kết hợp cùng với nghệ sĩ lồng tiếng cùng tiếng trống, tiếng pháo phù trợ. Mực nước trong thủy đình được giữ ở mức không quá 1m, thường là khoảng 0,8m với màu nước xanh đặc trưng hòa phẩm màu. Điểm mấu chốt của các buổi diễn rối nước nằm ở kỹ xảo điều khiển rối. Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân và sự giúp đỡ của máy móc thiết bị, khung cảnh làng quê thu nhỏ dân dã và bình dị hiện lên đầy chân thực và sống động. Máy điều khiển rối nước được chia ra làm hai loại: máy sào và máy dây. Thân máy ẩn sau buồng trò và nằm dưới nước, giấu kín thanh giữ rối và lợi dụng sức nước, tạo ra những cử động linh hoạt, cống hiến cho người xem nhiều điều bất ngờ. Người nghệ nhân phải hết sức khéo léo chuyển động theo dòng nước. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt hoặc giật con rối bằng hệ thống dây được thiết kế tỉ mỉ dưới nước. Điểm thành công hơn cả trong một buổi diễn rối là thân rối đưa ra được những cử chỉ, hành động một cách tự nhiên, mang tính pha trò nhưng đồng thời cũng phải toát lên được ý nghĩa dân gian sâu sắc. Không chỉ có vậy, việc điều khiển rối còn là công cụ cho một cách biểu đạt gắn bó mật thiết với âm thanh, hệt như loại hình nghệ thuật múa. Từng nhịp, phách của bài nhạc gắn liền với từng động tác đưa tay, lắc đầu của con rối, gây không khí với tiết tấu uyển chuyển của làn điệu chèo và dân ca Bắc Bộ. Càng về sau này, kỹ thuật múa rối, tạo dựng sân khấu càng thêm tinh xảo với hiệu ứng âm thanh, khói tỏa, phóng nước, đòi hỏi một đội ngũ múa rối tinh nhuệ và tài năng. Một buổi diễn thành công chính là sự kết tinh vẻ đẹp bởi nhiều yếu tố, nhưng hơn cả chính là nét đẹp lao động, từ đôi chân ngâm dưới nước, đến đôi bàn tay thoăn thoắt điều khiển con rối của người nghệ nhân. Quả thật, nghệ thuật múa rối chính là vẻ đẹp của giá trị dân gian truyền thống hòa hợp hữu tình với vẻ đẹp lao động của con người Việt Nam.
Linh hồn của một buổi múa rối không ai khác chính là những con rối. Thông thường, rối sẽ được làm từ gỗ sung - loại gỗ nhẹ để có thể dễ dàng nổi lên trên mặt nước. Từ một miếng gỗ thông thường, người nghệ nhân làm rối sẽ tiến hành đục đẽo với những đường nét riêng, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau cho ra hình thù tạo hình của những con rối. Dưới bàn tay hào hoa của người thợ làm rối, hình thù của chúng thường được đặc tả một cách ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, đem lại thái độ tích cực, tươi tắn đến người xem. Tạo hình ấy cũng tuân theo một nguyên tắc cổ truyền của cha ông ta, đó chính là "chân - thiện - mỹ", điển hình như việc con rối nữ thì mặt phải trái xoan, thắt đáy lưng ong, đàn ông thì mặt chữ điền, răng đen. Các tuyến nhân vật múa rối thì đa thể loại, từ đời sống tâm linh như thần linh, tiên thần, linh vật cho đến những anh hùng dân tộc, con người và những loài gia súc, gia cầm của người nông dân. Tùy theo kịch bản mà bây giờ màu sắc đã dần đa dạng hơn, nhưng trước kia, màu sắc ưa chuộng để sơn lên những con rối là màu hồng diện, vàng ròng, đen, đỏ. Để hoàn thành một bộ rối nước cần phải mất từ 4 - 5 tháng, từ việc nghiên cứu kịch bản, chọn gỗ, đục đẽo gỗ rồi đến hóa trang, trang trí và lắp máy, lắp dây, chưa kể đến việc thời tiết ẩm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phơi khô con rối. Một nhân vật điển hình của loại nghệ thuật rối nước có thể kể đến là chú Tễu. Thông thường, chú Tễu sẽ to hơn hẳn những con rối khác. Theo tiếng Nôm, "Tễu" nghĩa là tiếng cười, chú Tễu vì thế mà thường sẽ là nhân vật pha trò, tạo cảm giác vui vẻ, chọc cười khán giả trong buổi diễn. Ngoài ra, Tễu còn là nhân vật giới thiệu, tự sự, dùng cái hài hước của mình để châm biếm về những bức bối thế sự, thời cuộc. Về vẻ bề ngoài, chú Tễu là nhân vật khoảng 7 - 8 tuổi với thân người đầy đặn, đóng khố và để lộ chiếc bụng phệ - một hình ảnh đại diện cho anh nông dân miền đồng bằng Bắc Bộ. Chú Tễu là nhân vật khá nổi tiếng và phổ biến trong nhiều vở diễn, đến mức hình ảnh của kẻ chọc cười thiên hạ này đã được đi vào thơ ca:
"Làng mình mở hội hay chưa
Đi xem múa rối ao chùa canh đêm
Tễu cười toét miệng ngoi lên
Trăng rằm rơi tõm in nền nước xanh"
(Hoàng Anh Tuấn)
Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều phường múa rối khác nhau hoạt động riêng biệt. Ở Hải Dương có ba phường múa rối lớn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lần lượt ở huyện Thanh Hà, huyện Gia Lộc và huyện Ninh Giang. Ở Hà Nội lại có phường rối Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội) với thâm niên lâu năm từ thời Hậu Lê, hay ở Bắc Ninh có phường rối Đồng Ngư cũng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2012.
Chung quy lại có thể thấy, nghệ thuật múa rối dù đã đi qua biết bao thăng trầm của lịch sử thì vẫn giữ cho mình những nét độc đáo thu hút khán giả, dù là già trẻ, gái trai. Bản thân loại hình nghệ thuật này cùng nhiều đoàn múa rối tham gia các giải múa rối quốc tế, gặt hái được những thành công nhất định và gây được nhiều sự hứng thú của khán giả ngoài nước. Hi vọng rằng trong một tương lai không xa, loại hình nghệ thuật này vẫn sẽ được bảo tồn, phát huy và trở thành một trong những di sản văn hóa dân tộc đưa bạn bè quốc tế đến gần hơn với con người và đất nước Việt Nam.
Trang phục độc đáo của phụ nữ người Mường
Năm mươi tư dân tộc Việt Nam là năm mươi tư mảng màu văn hóa khác nhau, đóng góp chung vào bức tranh văn hóa toàn cảnh đầy rạng rỡ và giàu chiều sâu. Dù so với dân tộc Kinh đông dân, số lượng người trong cộng đồng các dân tộc của nước ta đang thừa dần, hoặc đã bắt đầu sáp nhập với các dân tộc khác, những giá trị truyền thống mà họ để lại không thể bị xem nhẹ và thờ ơ để thời gian làm cho mai một. Cùng với chữ viết, tiếng nói, phong tục tập quán hay đơn giản chỉ là những trò chơi dân gian, những câu vè truyền miệng, trang phục cũng góp phần không nhỏ trở thành phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét. Ở bài viết này, tôi xin được giới thiệu với bạn đọc nét độc đáo trong trang phục của phụ nữ người Mường - một đặc điểm nhận dạng văn hóa Mường đặc sắc.
Nói sơ qua về dân tộc Mường thì đây là dân tộc có số dân khá đông, tính đến năm 2019 thì dân số đã lên tới hơn một triệu tư người. Họ tập trung ở các thung lũng hai bờ sông Đà (Hòa Bình), và khu vực trung lưu của sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa). Họ được cho là có mối quan hệ mật thiết với người Kinh, có cùng nguồn gốc chung là người Việt - Mường cổ. Trong giai đoạn hơn một ngàn năm Bắc thuộc, bộ phận người Mường ở vùng núi xa xôi ít bị Hán hóa, nên văn hóa, tập tục và lễ nghi của họ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn mà không bị đồng hóa hay xâm nhập. Bộ phận còn lại sống ở đồng bằng thì dần bị pha trộn văn hóa phương Bắc, hoặc sau này chuyển thành người Kinh. Quá trình này được cho là đã diễn ra từ khá lâu, bắt đầu từ khoảng thế kỷ 7-8 và kết thúc vào thời nhà Lý. Sau này, người Mường bắt đầu di cư vào sâu hơn ở miền trong (Thanh Hóa, Đăk Lăk, Đồng Nai) và các khu vực lân cận ngoài miền Bắc (Điện Biên, Sơn La, Ninh Bình). Ở mỗi khu vực khác nhau trang phục của người phụ nữ Mường có thay đổi đôi chút để phù hợp với khí hậu vùng miền, song những nét cơ bản truyền thống thì vẫn vô cùng dễ dàng nhận ra.
Quay trở lại với trang phục của phụ nữ người Mường, có thể thấy, nét đẹp tinh tế, không quá sặc sỡ nhưng vô cùng kín đáo là tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong mỗi bộ quần áo. Một bộ trang phục đầy đủ ở xứ Mường sẽ bao gồm: khăn đội đầu, áo cánh ngắn, áo dài, khăn thắt áo, yếm, váy và thắt lưng. Khăn của người Mường làm bằng vải thô, màu trắng, rộng chừng một gang tay, khoảng 15 cm, dài khoảng 50 - 60 cm và không thêu thùa. Trong trang phục của người Mường, khăn quấn đầu tuy đơn giản là vậy nhưng ẩn chứa nhiều lớp nghĩa sâu sắc. Người Mường thường quan niệm màu trắng là màu của sự tinh khôi, trong trẻo, màu của sự thanh mát. Ngoài ý nghĩa của việc che năng che mưa, tránh nhiệt độ thời tiết thì chiếc khăn quấn đầu ấy còn gắn liền với một truyền thuyết đầy lãng mạn giữa một chàng trai người con đất Mường tên Khỏe và một cô gái nhà làng tên Út Dô. Chính vì sự khác biệt về gia thế không môn đăng hậu đối, mối tình này đã vì thế mà tan theo mây trời, để cho Út Dô ôm một nỗi nhớ mong mà tìm cách ra đi. Khi mất, thân thể nàng biến thành những bông hoa Clăng mọc đầy ven suối. Để tưởng nhớ người con gái ấy mà phụ nữ Mường sau này từ già đến trẻ đều lấy một mảnh vải nguyên gốc từ sợi bông hoa Clăng đội lên đầu. Từ ấy mà màu trắng của khăn còn là màu của sự chung thủy, trong trắng của người con gái Mường.
Đi cùng với chiếc khăn trên đầu là các lớp áo thướt tha của người phụ nữ. Áo ngắn hay còn gọi là áo pắn là một nét đặc trưng trong số đó, thường được may bằng vải màu trắng, xanh hoặc hồng, chỉ ngắn đến eo người mặc. Áo pắn có tổng cộng 4 thân áo, 2 thân sau ghép liền, giữa lưng có sống áo, 2 thân trước nẹp liền từ cổ xuống mép áo. Áo dài thì lại xẻ ngực, không có khuy cài, dài đến chấm eo lưng. Tay áo không may nối vai mà cắt liền giống áo bà ba. Để thêm phần kín đáo nhưng cũng vô cùng quyến rũ, người phụ nữ Mường còn mặc thêm một chiếc yếm bên trong với thiết kế khá giống yếm của người Kinh nhưng chiều dài lại có phần ngắn hơn. Trong một vài dịp lễ hội, người Mường còn sử dụng loại áo dài mặc chùm phía bên ngoài, được may theo kiểu chiết eo, không có khuy cài, mép dưới hai vạt trước và vạt sau có hình elip. Loại áo này dài đến đầu gối, cổ được thiết kế như nẹp vải rộng chừng 5 cm quấn quanh cổ.
Nối liền với những tà áo của người phụ nữ chính là những bộ váy đen, dài, hình ống và được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm do chính người con gái Mường khéo tay thêu dệt nên. Khi kết hợp với những lớp áo, tất cả như tôn thêm vẻ đẹp, sự duyên dáng và e ấp của người phụ nữ Mường. Tuy nhiên, điểm nổi bật và đáng chú ý hơn cả khi nhắc đến bộ váy truyền thống thì phải là phần cạp váy. Đây cũng chính là một trong những đặc điểm riêng biệt của người phụ nữ khiến họ không thể bị nhầm lẫn với những dân tộc khác. Cạp váy thường là một miếng vải mộc hay lụa tơ tằm, gồm ba băng vải có tên gọi riêng xếp chồng lên nhau, gọi là rang trên, rang cao và rang dưới. Trên đó, người phụ nữ Mường khéo léo trang trí bằng những hình thêu hoa văn, hình khối, con vật với nhiều nét giống với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn. Nếu hai phần rang trên và rang cao được trang trí bởi những dải màu sắc ngang dọc, hoa lá cách điệu với hai tông màu chủ yếu là đen và trắng thì phần rang dưới lại được thêu thùa tỉ mỉ với những nét chỉ đỏ, vàng, hiện lên những hình rồng, hươu, nhện, bướm,... những loài vật gắn liền với đời sống của dân tộc và đã đi vào truyền thuyết, huyền sử của đồng bào. Theo chị Quách Thị Lan sống tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, mặc dù có hơn 40 loại hoa văn khác nhau nhưng đa số người phụ nữ Mường vẫn ưa thích hình con rồng. Chị chia sẻ: "Điều khó nhất là trước hết chúng ta phải tính toán, ví dụ làm con rồng thì gồm bao nhiêu cái chùm để chúng ta biết có bấy nhiêu sợi tạo thành cái đầu. Hoặc như cái râu, cái mình của nó hay cái đuôi uốn lượn là mình phải nhặt ra để làm cái co. Mỗi hoa văn lại có một cái co để sau này nhấc lên, rồi xuyên chỉ để nó có màu trắng, màu đen hoặc màu đỏ để nó kết hợp làm nổi bật con rồng bay". Có thể thấy, người con gái đất Mường đã dồn hết tâm sức và tài năng để tạo ra những chiếc váy vô cùng độc đáo. Chính vẻ đẹp ấy cũng góp phần không nhỏ trong việc tìm đôi, tìm lứa lập gia đình sau nay khi những chàng trai người Mường kén chọn sẽ thường nhìn vào phần cạp váy để chọn vợ. Đối với họ, cạp váy nào càng tỉ mỉ, chi tiết, những nét chỉ nào càng thắt chặt và bắt mắt thì chứng tỏ người con gái đó là một người cần mẫn, khéo tay.
Ngày nay, xã hội phát triển, toàn cầu hóa và hội nhập đa văn hóa đã dần len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống của người Mường khiến cho những bộ trang phục truyền thống đáng quý dần mai một. Phụ nữ Mường ngày càng giản đơn hơn trong cách ăn mặc, đôi khi, họ chuộng những trang phục hiện đại hơn nhiều. Đâu đó quanh các bản làng của người Mường, chúng ta chỉ còn thấy số ít người mặc trang phục truyền thống thể hiện sự nâng niu và bảo tồn. Tuy nhiên, những trang phục này cũng không hoàn toàn giữ được những nguyên liệu cấu thành như trước kia. Nếu như ngày xưa người Mường tận dụng tối đa màu sắc có sẵn chế biến từ thiên nhiên thì ngày nay, màu vải càng ngày càng dễ phai nhạt do việc áp dụng công nghệ nhuộm màu hóa học. Chính vì ảnh hưởng không nhỏ của sự phát triển đời sống xã hội, việc cấp thiết ngày nay là phải tuyên truyền và vận động người dân giữ gìn lấy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như mở những chương trình về văn hóa nhằm góp phần quảng bá trang phục của người Mường, vừa là một phương tiện truyền thông giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng người Mường nói riêng và người Việt Nam nói chung, vừa là công cụ bảo tồn, lưu truyền văn hóa đến mãi về sau.
Lễ hội Katé của đồng bào người Chăm
Dân tộc Chăm đã có mặt trên mảnh đất hình chữ S từ rất lâu, đem theo đó là những giai thoại về nhà nước Lâm Ấp xuất hiện vào khoảng năm Sơ Bình thứ 3 nhà Hán (192) đến năm Đại Nghiệp thứ nhất nhà Tùy (605). Đời sống của họ trong khoảng 500 năm vô cùng phong phú và giàu tính tâm linh. Khi hòa mình vào dòng chảy đời sống văn hóa và chính thức trở thành 1 trong 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam, người Chăm cũng không quên góp vào những tục lệ văn hóa, tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc mình và bảo tồn phát huy những giá trị ấy đến tận ngày nay. Người Chăm sống rải rác ở nhiều nơi khu vực phía Nam như Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa, Tây Ninh, ... với hàng chục lễ hội lớn nhỏ khác nhau được tổ chức hằng năm, trong đó có lễ hội Katé - một mảng màu văn hóa Chăm đặc sắc mà chỉ ở khu vực Nam Trung Bộ mới có.
Trong suốt tiến trình lịch sử đến cả ngàn năm, người Chăm đã có sự phân chia cộng đồng theo nhiều tín ngưỡng khác nhau. Trong đó, hai cộng đồng lớn nhất cho đến ngày nay là cộng đồng người Chăm Ahier theo tôn giáo Bà La Môn và Chăm Awal theo tôn giáo Bà Ni. Người Chăm Bà La Môn nổi tiếng với lễ hội Katé còn người Chăm Awal lại nổi bật với lễ hội Ramuwan. Hai cộng đồng này tuy tách biệt về tín ngưỡng tôn giáo nhưng vẫn thường xuyên qua lại với nhau khi các lễ lạc của dân tộc mình diễn ra. Chính vì thế, khi tổ chức lễ hội Katé, người chủ trì buổi lễ sẽ là tộc Chăm Bà La Môn, còn tộc Chăm còn lại sẽ chỉ tham gia kính viếng, dâng kính lễ vật. Ngoài hai cộng đồng dân tộc Chăm nói ở trên, một bộ phận tộc người khác cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong buổi lễ là tộc Raglai. Dựa theo tiến trình lịch sử thì người Chăm xưa và người Raglai có quan hệ anh em thân cận. Người Raglai là em út của người Chăm theo tập quán mẫu hệ lưu truyền trong sử sách, vì vậy mà cộng đồng tộc người này mang danh em út kế thừa tài sản, nên mọi đồ vật quan trọng để thờ phụng tổ tiên sẽ do người Raglai giữ hết.
Dựa theo từ điển của E. Aymonier - A. Cabaton, Katé là danh từ bắt nguồn từ Katik của Hindu và từ kattika của Phạn ngữ Ấn Độ. Ý nghĩa của từ Katé này theo nghĩa hẹp có nghĩa là lễ hội tháng 7 lịch Chăm, song ở Ấn Độ không hề có tục cúng lễ này. Vì vậy, lễ hội này là lễ hội bản địa mang bản sắc Champa xưa. Katé được tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm, tương đương tháng 10 ở dương lịch ở Ninh Thuận như một sự tri ân và bày tỏ lòng thành kính của người dân với các vị thần linh thiêng và các anh hùng dân tộc trong văn hóa tín ngưỡng như Po Klong Garai, Po Rome, v.v. Po Klong Garai là vua Champa trong hơn 50 năm, từ năm 1151 đến năm 1205. Ông đã lãnh đạo người Chăm đương cự thành công ách đô hộ của triều đình Angkor, bình định xứ sở và phát triển nông nghiệp, từ đó mà được người dân tôn sùng nhưng vị thần thủy lợi. Về mặt khác, Po Rome cũng là 1 vị vua được người dân Chăm tôn lên làm thần, làm vua của tiểu quốc Panduranga vào khoảng những năm từ 1627 đến năm 1651. Lễ hội Katé diễn ra trong khoảng 1 tháng ở các khu vực rộng lớn, thường là đền, tháp trong làng, là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, sinh hoạt, tập tục, tín ngưỡng, mỹ thuật thông qua các đồ cúng tế, những y phục và những bản thánh ca ca ngợi những vị vua hiền có công với đất nước và dân tộc. Đây cũng là dịp để trai tài gái sắc phô diễn trước công chúng những điệu nhảy, bài ca mang đậm bản sắc Chăm độc đáo, hòa với tiếng kèn Samanai, tiếng trống Ginang làm lay động lòng người. Theo nhịp điệu của kèn, trống, những vần thơ ca ngợi sự hưng thịnh, sản vật trăm hoa, trăm quả, trăm nghề vang khắp cả đất trời. Chính giờ phút linh thiêng ấy, con người Chăm trần thế đang giao tiếp với các vị thần, đánh thức cả những ngôi đền, ngôi tháp phủ màu bụi thời gian đua ra trăm sắc trăm hương.
Lễ hội Katé được chia ra làm 5 lễ chính bao gồm: lễ rước y trang, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần và cuối cùng là đại lễ, diễn ra ở ba địa điểm là đền tháp, làng, và nhà (gia đình). Xong lễ hội ở đền tháp, người ta mới bắt đầu lễ Katé ở làng một vài ngày sau đó rồi mới tiếp tục lễ ở từng gia đình. Nếu như lễ hội Katé ở đền tháp nghiêng về phần lễ, nặng tính tâm linh nghi thức chuẩn mực, thì lễ hội Katé ở làng và ở gia đình phần lễ lại nhẹ hơn mà chủ yếu tập trung vào phần hội - khi mà các hoạt động tương tác giữa các dân tộc Chăm thực sự diễn ra.
Ở lễ hội đền tháp, người làm chủ lễ là thầy cả sư (Po Dhia), cùng với đó là thầy kéo đàn Kanhi (On Kadhar) hát thánh ca, bà bóng (Muk Payau) dâng lễ và ông từ (Camunay) chủ trì lễ tắm thượng. Ngoài ra còn có một vài tu sĩ Bà La Môn sẽ làm phụ lễ. Các lễ vật dâng lên sẽ bao gồm 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế ở tháp, 5 mâm cơm, canh cúng với thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả. Tuy nhiên đây chỉ là những lễ vật được dâng lên cúng ở tháp, dưới chân tháp còn đến hàng trăm mâm cỗ được dâng lên bởi những người đi tham gia lễ. Đầu tiên, cộng đồng em út Raglai như đã nêu trên sẽ bắt đầu rước y phục của nữ thần Po Nagar (Mẹ xứ sở) từ trên núi lên đến tháp. Người Chăm làm lễ đón y trang do người Raglai truyền lại để chúng vào một ngôi đền gần tháp. Trước khi tiến hành làm lễ thì đoàn người Raglai đã tập trung đông đủ, chờ ông từ giữ đền làm lễ dâng trứng, rượu, trầu cau xin rước y trang của Mẹ xứ sở về để làm lễ. Trong không khí trang nghiêm, vị cả sư và ông từ trông coi tháp tiến hành lễ mở cửa tháp bằng cách đọc một vài câu thơ trong kinh hành lễ:
"Chúng con lấy nước từ sông lớn
Chúng con đội về tháp tắm thần
Thần là thần của trời đất
Chúng con lấy những tấm khăn đẹp nhất
Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần ..."
Sau đó, ông từ cầm lọ nước tắm thần tạt lên bức tượng thần Siva ở vòng chính của tháp. Bà bóng và thầy kéo đàn từ từ tiến lại cửa tháp rồi ngồi xuống, hát thánh ca mở tháp trong khói hương nghi ngút. Tiếp đến, cửa tháp được mở và ông từ bắt đầu tiến hành lễ tắm tượng thần. Lễ này sẽ được diễn ra trong đền tháp, chính vì vậy nên chỉ có những người tổ chức buổi lễ chính mới được tham gia. Trong đền, cả vị cả sư, ông từ, bà bóng, thầy kéo đàn Kanhi sẽ đều tham gia tắm cho thần, trước hết qua những lời trong kinh cổ rồi sau đó mới bắt đầu cầm lọ nước tắm vẩy lên tượng đá. Những người tham gia tắm cho tượng đều lấy chút nước tắm thoa lên cổ, lên đầu để lưu lại sức khỏe, may mắn, tài lộc mà thần ban. Theo đó sau khi tắm tượng thần xong, các tu sĩ hỗ trợ ông từ và vị sư cả làm lễ mặc y phục cho tượng thần. Thầy kéo đàn bắt đầu hát một bài thánh ca, cứ hát đến đâu thì mặc cho tượng thần đến đấy, bắt đầu từ dưới lên, từ mặc váy rồi mới đến mặc áo. Cuối cùng là đại lễ được tổ chức khi tượng đã mặc xong xiêm y lộng lẫy. Thầy kéo đàn sẽ bắt đầu hát để mời 30 vị thần xuống chứng giám lòng thành và dự lễ, mỗi vị thần một bài thánh ca riêng. Bà bóng bắt đầu điệu nhảy thiêng của mình để kết thúc đại lễ, dưới chân tháp thì hội cũng bắt đầu mở với âm thanh dìu dặt của kèn Samanai và nhịp thôi thúc của trống Ginang.
Một vài ngày sau lễ ở đền tháp, người dân tiến hành lễ hội Katé làng. Lúc này lễ hội sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều, người chủ trì buổi lễ sẽ không mang tính chất tôn giáo nữa mà chủ yếu sẽ là già làng. Để chuẩn bị cho phần lễ và hội làng, dân làng sẽ tụ họp nhau lại quét dọn đền thờ, ngôi nhà chung của làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi. Sau khi dâng lễ vật cầu mong cho dân làng bình an, khỏe mạnh và phát đạt, các trò chơi cổ truyền sẽ được tổ chức. Một vài trò chơi có thể kể đến như thi dệt vải (ở làng Mỹ Nghiệp), thi đội nước, đá bóng, văn nghệ,... Cuối cùng, người dân về gia đình của mình và làm lễ Katé gia đình. Lễ này khá giống như Tết Nguyên Đán của người Kinh khi các thành viên trong gia đình sẽ dâng lễ vật lên tổ tiên, thần linh, cầu mong phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn phát đạt. Đây cũng là một dịp để gia đình tụ họp đông đủ, ăn uống và chúc cho nhau những lời chúc tốt lành, hạnh phúc cả về cuộc sống lẫn công việc, là một ngày tết đoàn viên thực sự dành cho người con đồng bào dân tộc Chăm.
Có thể thấy, mặc dù dân tộc Chăm ở nước ta chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nền văn hóa Ấn Độ, song, lễ hội Katé lại là một lối đi riêng biệt hoàn toàn, là tinh hoa của sự học hỏi văn hóa ngoại lai và sự phát triển của văn hóa bản địa. Nếu như người Ấn thờ thần linh và cầu mong sự che trở từ các thế lực siêu nhiên, dân tộc Chăm Bà La Môn ở Việt Nam dù phần nào đó cũng thờ thần, nhưng họ lại biết kết hợp với tín ngưỡng dân gian khi thờ thêm cả những vị anh hùng dân tộc, người có công với đất nước và nhân dân. Mối giao thoa ấy tạo nên một bản sắc riêng, một góc nhìn riêng về văn hóa độc đáo này. Đặt trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á hiện nay đang dần có sự ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau, chính sự phá cách đặc biệt ấy đã giúp cho tín ngưỡng của người Chăm mãi trường tồn mà không bị mai một như những dân tộc khác. Đó là mấu chốt biểu hiện sức sống mãnh liệt, làm đa dạng hóa diện mạo lễ hội Katé, đồng thời góp phần làm phong phú thêm cho vườn hoa văn hóa đa sắc, đa màu của các dân tộc Việt Nam. Nhờ có sự độc lạ hiếm thấy này mà vào năm 2019, Sở Văn hóa, Truyền thông và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã triển khai việc lập và trình UNESCO công nhận lễ hội Katé là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bước tiến này như thêm phần khẳng định giá trị văn hóa mà lễ hội này mang lại và sự thành công trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội mà ngành văn hóa, truyền thông và du lịch tỉnh Ninh Thuận đã đạt được.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội
Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...
-
Cho trẻ đi máy bay chưa bao giờ thoải mái và thuận tiện đến thế. Thay vì phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ nhàm chán. Bạn và trẻ được thỏa sức v...
-
Ben Nevis, ngọn núi cao nhất Scotland, thu hút hơn 130.000 lượt khách mỗi năm. Một du khách đã đánh giá nơi này chỉ 1 sao vì cảm thấy con đư...
-
Một vài bài viết có thể bạn chưa tìm đọc của Đại lý EVA Air Việt Nam Hỗ trợ khách hàng đọc biển chỉ dẫn sân bay Đọc biển chỉ dẫn tiếng Anh t...