Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Một vài nét đặc trưng của văn hóa miền Tây



"Quê tôi con nước lớn ròng
Mang nhiều nhung nhớ trong lòng phù sa
Miền Tây vốn tính thật thà
Con người chất phác đậm đà tình thương.
Tôi là hai lúa miệt vườn
Quanh năm lam lũ mà lòng thảnh thơi 
Cực thân tâm chẳng cực đời
Miền Tây sông nước gọi mời khách xa ..."


Xuôi theo dòng Cửu Long cuồn cuộn chảy, ta về với miền Tây chất phác và đầy tình thương. Con người nơi đây bao đời nay vẫn thế, mến khách, thật thà, song luôn tràn ngập niềm tự hào về một mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lễ nghi. Ở đó, bằng đôi bàn tay và khối óc, con người thăng hoa cùng nhau, kề vai sát cánh, kiến tạo và hưởng thụ những giá trị song hành với việc tiếp biến đến muôn đời. Hôm nay, tôi muốn mời bạn đọc du ngoạn với tôi về miền Tây, và cùng điểm qua một vài nét đặc trưng của văn hóa nơi đây.

 
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu những giá trị cụ thể, chúng ta cần điểm qua một vài yếu tố căn bản tạo dựng nên nét văn hóa độc đáo đó. Miền Tây gồm 13 tỉnh thành, trong đó có thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang. Là địa danh nằm ở phía Nam xa xôi của Tổ Quốc, miền Tây là một vùng đất bao quanh bởi những dòng phù sa màu mỡ trải dài, nơi cây trái miệt vườn quanh năm tươi xanh chín mọng. Từ xa xưa, nhờ những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng, miền Tây đã sớm phát triển những nền văn minh văn hóa cổ đầu tiên, phải kể đến như vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo. Văn minh của vương quốc Phù Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt đến đỉnh cao rực rỡ của nhiều lĩnh vực xã hội ngay từ thế kỷ I đến thế kỷ VII,  khi nền văn minh ấy hùng mạnh và lụi tàn từ biển. Bắt một chuyến xe lên Di tích Gò Cây Thị, nhìn ra núi Ba Thê, toàn bộ khu vực rộng đến hơn 450 ha kéo dài từ chân núi là những gì còn sót lại của văn hóa Óc Eo. Lịch sử loài người đã chứng kiến sự hình thành, phát triển rực rỡ của một đế chế ngay từ buổi bình minh những ngày đầu Công Nguyên. Vương quốc Phù Nam bấy giờ đặt tại thương cảng Óc Eo - Ba Thê, nay là Thoại Sơn - An Giang. Nơi đây trong nhiều thế kỷ đã trở thành đầu mối giao thương của nhiều tuyến đường biển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, sau đó, trung tâm giao dịch đường biển này chuyển dần sang eo biển Malacca, kéo theo sự lụi tàn của một trong những đế chế hùng mạnh nhất Đông Nam Á. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đến giữa thế kỷ XVII, đất nước Chân Lạp thống trị vùng này một thời lục đục vì tranh giành ngôi báu. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã ra tay giúp hoàng thân Batom Reachea lên ngôi, đổi lại là đất nước sẽ phải cống nạp cho Chúa Nguyễn hằng năm và cho người Việt làm chủ vùng đất khai hoang ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa. Cho đến năm 1679, khi các quan nhà Minh do không phục nhà Thanh nên mới xin làm dân Đại Việt, chúa Nguyễn Phúc Tần nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, đã cho họ vào ở đất Đông Phố (Gia Định). Những người này sau đó chia nhau đất Đồng Nai, Biên Hòa, Mỹ Tho thuộc Tiền Giang, cùng khai mở vùng đất mới cày ruộng, làm nhà, lập ra phố phường đông đúc. Chính sự giao thoa, hội nhập, kết hợp cùng với yếu tố đặc trưng của thiên nhiên trải dài suốt triều dài lịch sử mà khu vực Tây Nam Bộ đã dần hun đúc một nền văn hóa đặc biệt, mang tính chất bản địa rõ ràng và có những giá trị vật chất độc nhất mà không một nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam sánh bằng. 


Điểm qua một vài nét văn hóa độc đáo của khu vực này thì trước hết ta phải kể tới sự giao thoa của bốn nền văn hóa Kinh - Chăm - Khmer - Hoa, thứ đã tạo nên nền tảng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sinh hoạt văn hóa của người dân. Chính nhờ sự di cư, sáp nhập và bản chất của đất nước Phù Nam, Chân Lạp hiện hữu, có thể nói nền văn hóa Tây Nam Bộ như một nồi lập thập cẩm chọn lọc những giá trị tốt đẹp nhất của những nền văn hóa đã từng đi qua nơi đây. Những ví dụ tiêu biểu có thể dễ dàng thấy được đó chính là những công trình kiến trúc giờ vẫn còn hiên ngang như chùa Dơi Sóc Trăng, chùa Vàm Ray, chùa Âng Trà Vinh, v.v. Tự bao đời những người buôn bán nhỏ lẻ ở khu vực này học tiếng lẫn nhau để giao thương, buôn bán. Không ai có thể nhớ rõ cả ba dân tộc sinh sống trên vùng đất này đều xem lễ, tết của dân tộc khác là của mình từ lúc nào. Cho đến hiện nay, việc người Việt hay người Hoa làm Phật tử của chùa Khmer hay Hòa thượng Tăng Nô của chùa đều là điểu hiển nhiên và dễ thấy. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa còn thể hiện rõ ràng ở những món ăn đặc trưng xứ sở miền Tây. Khác với các vùng miền khác, những bữa ăn nơi đây đặc trưng bởi vị ngọt nhẹ nhàng, đậm tính sông nước và có sự giao thoa nhất định giữa khẩu vị của nhiều tộc người. Có thể lấy ví dụ như món "bún nước lèo" đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng, từng đạt giải nhất của liên hoan du lịch Mê Kông. Vị ngọt bùi của trứng và ruột cá lóc, hòa quyện hương vị đậm đà, mặn mà của mắm Pro-hốc của người Khmer, ăn kèm với bắp chuối non, rau muốn thái sợi, giá sống đích thị cung cách người Kinh, song hành một vài miếng bì heo quay giòn giòn, dai dai béo béo đúng sở trường của người Hoa. Đó là sự tiếp nhận văn hóa một cách chủ đích hòa hợp chứ không hòa tan, là sự hòa hữu của các cộng đồng dân tộc cùng chung sống và cũng là biểu tượng cho một nền văn hóa miền Tây tổng quát được cấu thành bởi những yếu tố không thể tách rời.  


Tiếp theo, ta đi tìm về mảnh trang phục đặc trưng nhất của người dân miền Tây - chiếc áo bà ba mộc mạc mà thân thương. Áo bà ba là loại áo may dưới dạng cổ tim hoặc cổ tròn. Thân áo là sự biến đổi của áo tứ thân miền Bắc nhưng độ dài của áo chỉ ngắn đến hông. Áo thường được may bằng chất liệu vải satin thoáng mát, nhưng không kém phần quyến rũ khi rất vừa vặn và thướt tha, người mặc cảm thấy vô cùng thoải mái. Người thợ may áo ba bà khi hoàn thiện chiếc áo sẽ không quên xẻ ra hai tà ở phía trước và may thêm hai cái túi nhỏ đối với áo nữ và hai túi to đối với áo nam. Thông thường, người miền Tây sẽ mặc áo bà ba với một chiếc quần đen dài tới cổ chân, đi cùng với khăn rằn trắng đen đặc trưng và chiếc nón lá mượt mà. Nhìn từ xa, ta có thể dễ dàng nhận ra ngay người dân miền Tây chất phác thật thà chỉ qua những mẩu trang phục đặc trưng này, nam thì thêm phần khỏe khoắn, nữ thì thêm phần dịu dàng kín đáo. Qua năm tháng với sự du nhập của văn hóa phương Tây, áo bà ba mặc dù được may mặc ít hơn so với trước đây, nhưng những cải tiến mới lạ thì có thể được thấy rõ. Áo không còn thẳng và rộng như xưa nữa mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân mình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn... đều được tiếp thu từ y phục nước ngoài. 


Nói đến miền Tây, ta không thể không nói tới văn hóa sông nước đã gắn bó từ lâu đời, con người nơi đây thuận theo tự nhiên để đưa mình trên những dòng chảy kiếm sống. Đánh cá, giao thương đều diễn ra trên những con sông, rồi từ lúc nào không hay họ hình thành nên những chợ nổi trao đổi hàng hóa linh hoạt, tạo nên những khung cảnh mua bán ngộ nghĩnh nhưng không kém phần độc đáo. Những chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy, Cái Răng (Cần Thơ) hay Ngã Năm (Sóc Trăng) đã trở nên vô cùng nổi tiếng và là một phần đi sâu vào tiềm thức người dân bản địa và du khách. Chợ thường họp vào buổi sáng sớm, khi trời vẫn còn mát mẻ, chưa bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Thông thường, dân du lịch sành sẽ chọn đi vào tầm 4 giờ 30 đến 5 giờ để kịp phiên chợ, bởi nếu dậy muộn một chút thôi, tầm khoảng 8 giờ sáng thì chợ đã vãn rồi. Lênh đênh trên chiếc thuyền ba lá, chúng ta sẽ được tiến vào một khoảng không tấp nập, xôm tụ không kém gì những ngôi chợ thông thường trên mặt đất. Ở đây bán đủ mọi mặt hàng, từ hoa quả, nước uống đến những món đồ ăn nóng hổi phục vụ ngay trên thuyền. Mỗi gian hàng bán đồ gì thì chủ thuyền sẽ treo một tấm biển nhỏ như một tín hiệu thông báo cho khách về mặt hàng mình đang bán. Người dân buôn bán luôn niềm nở, thân thiện và hiếu khách. Đi qua khắp các gian hàng, dù mệt nhọc đến đâu nhưng người miền Tây ai nấy đều nở những nụ cười hiền hậu và đáng yêu. Dọc theo con sông mát lành của phiên chợ sớm, chúng ta sẽ có cơ hội để hít no căng mùi nông sản tươi tràn ngập trong không khí, thưởng thức những món quà miệt vườn đậm chất miền Tây và hơn thế, là lắng nghe những tiếng rao, những câu hò, điệu dân ca mời gọi khách du lịch đến với chiếc thuyền, chiếc ghe của mình. Nói đến ghe xuồng, người dân miền Tây cũng rất trân quý, yêu thương phương tiện này như người thân trong gia đình họ. Chính vì thế, những người dân buôn bán trên ghe lâu nay vẫn lưu truyền tục cúng ghe trước khi ra khơi buôn bán. Họ tin rằng việc mua bán hay an toàn trên ghe đều có một đấng linh thiêng che chở và phù hộ, vì vậy nên việc cúng ghe là một việc làm tri ân đến đấng linh thiêng ấy, đồng thời là một trong những sinh hoạt dân gian mang tính chất củng cố tinh thần, thúc đẩy làm việc mỗi ngày. Tục cúng ghe nơi đây khá phong phú. Khi chuẩn bị đóng ghe mới, gia chủ bao giờ cũng cúng kiến ván gỗ đầu tiên, hay còn được gọi là cúng "ghim lô". Trên mâm đồ người ta thường để kèm theo một tấm vải đỏ, đây là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn. Miếng gỗ "ghim lô" luôn phải dày hơn những miếng gỗ tiếp theo, sau khi ghe hoàn thành thì người thợ sẽ phải rút đinh ra khỏi miếng gỗ ghim lô ra và "xảm" vào những cọc gỗ tương ứng. Theo quan niệm của người dân, trong công đoạn này nếu làm mất đinh, thì đó là báo hiệu cho điều xui xẻo, không may mắn. 


Có thể thấy, trên đây là một vài nét đặc trưng của văn hóa vùng Tây Nam Bộ Việt Nam. Sự độc đáo đến từ cả thiên nhiên và con người, đó sự hòa quyện ngọt ngào và hữu tình tạo nên bản sắc con người miền Tây. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng níu giữ đôi chân những vị khách lãng du lỡ sa vào lưới tình với mảnh đất mộc mạc chất phác này, cũng như là yếu tố thúc đẩy du lịch miền Tây mạnh mẽ. Trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid19, mong rằng bà con miền Tây vẫn sẽ luôn vững tay chèo, cùng nhau sát cánh đương đầu với những khó khăn và thử thách phía trước, luôn kiên cường và nồng hậu tựa cái chất Tây Nam Bộ từ ngàn đời. 

Bưu điện Sài Gòn - nơi ngưng đọng của thời gian


 

 

Sài Gòn những ngày giãn cách không còn cái náo nhiệt, ồn ảo của một thành phố trẻ tràn đầy nhựa sống và năng lượng. Từng con đường, góc phố như lắng lại, thu mình sau lớp áo phủ bụi thời gian để trầm ngâm suy tư và đương đầu với những khó khăn còn tiếp diễn. Ở ngoài kia, những chiến sĩ y tế đang ngày đêm gồng mình chống dịch, thì những người ở nhà, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt lại có cơ hội sống chậm đi và ngắm nhìn thành phố bỗng quá đỗi khác lạ so với ngày thường. Người ta nhìn thấy cái Sài Gòn xưa, không phải tự nhiên mà Sài Gòn được mệnh danh là "hòn ngọc Viễn Đông" một thời. Cùng với công viên, trường học, những tòa nhà cao ốc hay những đường phố đầy ắp bảng hiệu vẽ tay, cảnh quan đô thị Sài Gòn là mơ ước của nhiều nước trên thế giới, và đến hiện nay cũng vẫn mãi là tấm gương như vậy. Trong đó, một trong những tòa công trình cổ nổi bật giữa lòng Sài Gòn giờ im lìm đợi thời cơ được mở lại chính là tòa nhà bưu điện cũ, nằm ở số 2 Công trường Công xã Paris (quận 1), kế bên nhà thờ Đức Bà.

 
Quay về mốc thời gian khoảng giữa thế kỷ XIX, lúc này Pháp đã đánh Gia Định và chiếm thành công Sài Gòn. Năm 1860, Pháp cho xây dựng "Sở dây thép Sài Gòn" (tức Bưu điện Sài Gòn bấy giờ) ngay tại trung tâm thành phố và đến năm 1863 thì hoàn thành xong. Trong những năm 1864 trở đi, những con tem con cò (loại tem đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam) đã được gửi từ Sài Gòn đi khắp nơi trên thế giới. Trong những ngày đầu xây dựng và khánh thành, kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel - người thiết kế nên tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris (Pháp) đã chủ trì công trình này, nhưng rồi cũng đến thời điểm tòa nhà không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thời bấy giờ. Sau 23 năm thì hai kiến trúc sư tài ba Villedieu cùng cộng sự Foulhoux mới đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng mới lại. Cả công trình mất đến 5 năm để hoàn thành, từ năm 1886 đến năm 1891, trở thành một công trình đặc biệt về công năng và hình ảnh đô thị, gắn liền với sự phát triển của thành phố.  


Về tổng thể, công trình mang kiến trúc cổ điển Châu Âu kết hợp với nét trang trí Châu Á, phủ tông màu vàng đất nhạt, kết hợp với những đường gờ phù điêu màu trắng cùng những ô cửa màu xanh lá. Tòa nhà có bố cục đăng đối với hai khối bên hai tầng, khối giữa ba tầng, mái dốc lợp ngói. Trên mặt đứng có nhiều ô cửa cuốn vòm trang trí khá cầu kỳ. Trong khi đó, lối vào là một cổng vòm lớn với mái sảnh bằng sắt, bên trên có một chiếc đồng hồ tròn và tấm biển ghi rõ năm khởi công và khánh thành. Nếu hệ thống cửa sổ của khối nhà hai bên đều có dạng vòm hoặc hơi vòng cung thì khối nhà giữa lại mang dáng dấp hình chữ nhật. Những đường viền, đường chỉ trang trí chạy ngang, tạo nên một không gian sâu hun hút cho tòa nhà, đồng thời kéo thấp nó xuống với phong cách cổ kính, gợi cho ta nhớ đến những ga tàu lửa ở Châu Âu thế kỷ XIX. Cả tòa công trình bưu điện được nâng đỡ bởi hệ thống cột trụ chắc chắn và to lớn. Phần trụ ở mặt tiền có kết cấu hình khối vuông vắn, trên đầu trụ có gắn những mảng phù điêu với hoa văn đắp nổi rất công phu. Riêng phần trụ ở giữa tầng hai và tầng ba thì các mảng phù điệu được chạm khắc tinh xảo hơn, ôm chọn khối đá hình chữ nhật. Đặc biệt, trên mỗi phiến đá ở khoảng không gian này có khắc tên những nhà khoa học vĩ đại đã đóng góp vào sự phát triển của văn minh nhân loại trong mảng điện tín trên toàn thế giới. Qua cổng chính, ta có ta có thể thấy hai tấm bản đồ lớn lưu giữ lại một thời địa chính Sài Gòn "Saigon et ses evirons 1892" và "Lignes téléraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936", xen ở giữa là tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dọc theo tòa nhà là những cột sắt màu xanh lá thẳng tắp và hàng ghế gỗ bóng đã có từ lâu đời. Ngồi lại giữa sảnh của Bưu điện Sài Gòn, ta như được trải nghiệm cảm giác ngồi đợi chuyến tàu vượt thời gian về đến những ngày xưa cũ - một góc Châu Âu thu nhỏ được khéo léo đặt giữa lòng Sài Gòn thân thương. Kết hợp với sàn gạch màu kem sáng bóng điểm họa tiết Á Châu, Bưu điện Sài Gòn như là một điểm giao nhau của hai nền văn hóa tách biệt và độc lập, nhưng hòa quyện hữu tình, hợp lý đến độ thẩm mỹ cực cao. Quan sát một cách bao quát với điểm nhìn từ ngoài vào trong, có thể thấy hai bên sảnh chính vẫn lưu giữ những hòm thư cổ và các bốt điện thoại xưa, song hành cùng những cửa hàng lưu niệm như tái hiện một Sài Gòn hoa lệ, cổ kính năm nào, giờ được lưu trữ và bảo tồn trong một Sài Gòn lớn mạnh, hiện đại và hối hả.  


Hầu như du khách đến với Bưu điện Sài Gòn là vì muốn ngắm nghía, hồi tưởng lại một thời đã xa, tuy nhiên, đây còn là điểm hẹn của những tâm hồn yêu thành phố này da diết. Đặt trong khoảng không gian rộng lớn ở quận 1 Sài Gòn cùng với Nhà thờ Đức Bà, xung quanh đó là những công trình văn hóa và không gian đô thị như Công viên 30 - 4, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Bưu điện trở thành một phần tâm điểm của những trái tim yêu Sài Gòn da diết. Trong đó, phải kể đến cụ Dương Văn Ngộ - nay đã nghỉ hưu, là người viết thư tay thuê cuối cùng ở mảnh đất này. Ông gắn bó với Bưu điện từ xa xưa và trở thành một phần vĩnh cửu trong trái tim của biết bao thế hệ Sài thành. Trong nhưng năm 1990, ông đã xin phép lãnh đạo Bưu điện để được ngồi một góc sảnh viết và dịch thuê. Khách hàng của ông chủ yếu là những người nghèo không biết chữ, hay người Việt muốn viết thư cho người nước ngoài. Là một tấm chân tình đầy kiểu hãnh và hoài cổ giữa đất Sài Gòn, cụ luôn dành tâm huyết của mình cặm cụi đọc, viết rồi dịch chẳng mấy đã hơn hàng ngàn lá thư, chuẩn cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, song hành cùng cái kính lúp đặc trưng và những cuốn từ điển dày cộp cụ mang theo người. Sự hiện diện của cụ trong không gian Bưu điện cổ kính như gợi lại biết bao thương nhớ và hoài niệm, để mỗi khách hàng tìm khi tìm đến cụ thì như tìm đến một quý ông Sài Gòn xưa lịch lãm với chữ tín lên hàng đầu. Dù bây giờ cụ đã nghỉ  do sức yếu, tuy nhiên hình bóng của cụ trong một góc sảnh đã in sâu vào trong tâm trí của bất kỳ người con nào sinh ra ở nơi đây và trót lòng yêu lấy thành phố này. Cụ và Bưu điện như hòa làm một, người Sài Gòn yêu cụ cũng như cụ yêu Sài Gòn bằng tất cả những gì mình có.  


Bằng tất cả tình yêu và sự kính trọng, người Sài Gòn không chỉ coi Bưu điện thành phố như một sản phẩm của vẻ đẹp đô thị hay là một biểu tượng vật chất thông thường, mà nó còn là chứng nhân lịch sử đầy thăng trầm. Trải qua hàng trăm năm từ khi mới xây dựng và chứng kiến biết bao biến chuyển trong đời sống Sài Gòn, có thể nói, tòa bưu điện đại diện cho một lớp người cũ, vật cũ vẫn đồng hành cùng sự phát triển của thành phố, nhưng thi thoảng lại gợi về những giá trị xa xưa không dễ lu mờ. Ngoài trở thành nơi cung cấp dịch vụ liên lạc điện tín, Bưu điện còn đóng góp không nhỏ vào mảng giá trị tinh thần, là sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp có chọn lọc để tạo nên vẻ đẹp bên trong văn hóa và kiến trúc. Đó cũng là niềm tự hào hết mực của người Sài Gòn khi nhắc về nơi đây. 

Võ thuật cổ truyền Bình Định





Kể từ bình minh của lịch sử, dân tộc Việt đã phải gồm mình chinh phục không chỉ với thiên nhiên hoang dã để mở mang bờ cõi, mà còn đấu tranh quyết liệt với vô số giặc ngoại xâm. Qua nhiều thời đại, kỹ thuật chiến đấu của nhân dân ta ngày một hoàn thiện với binh pháp đúng đắn, khả năng sử dụng binh khí điêu luyện cùng những bài quyền đa dạng để đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Gần đây nhất phải kể đến đất Bình Định, dưới triều đại Tây Sơn (1778 - 1802),  đã sản sinh hệ phái võ thuật cổ truyền mang tính cận chiến cao cùng với vô vàn bài quyền đặc sắc. Về nơi đây, thỉnh thoảng ta vẫn còn nghe người dân truyền tai nhau câu ca dao mang đầy niềm tự hào đất võ: 


"Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền".


Bình Định trước đây là vùng đất của vương quốc Chămpa, nơi đã có truyền thống lâu đời về võ thuật theo ghi chép trên những phù điêu cổ. Đến khoảng thế kỷ XVIII, một số võ sư miền Bắc và Trung Hoa khi định cư tại vùng đất này mới tiến hành dạy võ cho người dân địa phương. Đến nửa cuối thế kỷ này, các võ sư đã gây dựng tại Bình Định phái võ Tây Sơn độc đáo, kết hợp nhiều hình thức kỹ thuật của các võ phái Bình Định khác nhau. Nguyên tắc của võ phái này là "nhất mạnh, nhì thanh, thứ ba giỏi", ý chỉ sự tập trung vào những kỹ thuật sức mạnh, sự khéo léo và có uy lực thực dụng. Có thể nói, võ cổ truyền thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ của các dòng võ tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bổ sung, bồi đắp vào kho tàng võ thuật chân truyền của dân tộc. Tuy nhiên, khi Quang Trung băng hà thì những món võ ấy cũng dần suy vong, sau chỉ còn được truyền dạy trong một vài võ phái ở đất này. Đây là kết quả của triều Nguyễn khi Nguyễn Ánh thẳng tay tiêu diệt mọi thành quả của nhà Tây Sơn nhưng võ cổ truyền vẫn có sức mạnh bền bỉ và mãnh liệt, "võ vườn" vẫn được bí mật truyền dạy và vẫn được ngầm nghiên cứu bởi những người của thế hệ sau. Những ghi chép, chứng tích được lưu giữ cẩn thận cho một nền võ thuật cổ truyền không dễ dàng bị xóa bỏ. Cho đến hiện nay, nhóm võ Bình Định đã bao gồm nhiều võ phái khác nhau, xuất phát từ chính Bình Định và các vùng lân cận như: roi Thuận Thuyền, quyền An Thái, quyền An Vinh và các hình thức võ thuật do các gia tộc, các nhà sư truyền dạy như Tây Sơn Nhạn, Bình Định Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Bình Định Gia, v.v. Một số bài quyền nổi tiếng đã được đưa vào chương trình khảo thí võ thuật thời Nguyễn và một số bài trở thành quy định của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Với sự du nhập ồ ạt của các loại hình võ thuật nước ngoài như Karate (Nhật Bản), Teakwondo (Hàn Quốc) hay Thiếu Lâm (Trung Quốc), võ thuật cổ truyền Bình Định vẫn không bị lấn át do vẫn gìn giữ và phát huy được những đặc điểm độc đáo của nó: 


"Tiếng đồn An thái, Bình khê 
Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo".


Nói đến đặc điểm của võ Bình Định, nghệ thuật đi quyền đã đạt đến đỉnh cao, phản ánh phần nào sắc thái địa phương của người dân: mộc mạc, cần cù, giản dị, nhân ái và kiên cường. Võ sư Hà Trọng Ngự cho rằng võ Tây Sơn Bình Định là một môn võ nằm trong hệ thống tự vệ rất tốt, đặc biệt là khi dùng cho đánh cận chiến, đánh nhập nội nên luôn tìm mọi cách áp sát đối phương để đánh. Khi đi vào tìm hiểu chi tiết, cũng như mọi môn võ khác, võ Bình Định cũng được cấu thành bởi nhiều thành tố, trong đó có võ thuật, võ lý, võ đạo, nội dung. Về khía cạnh võ thuật, khác với Teakwondo của Hàn Quốc tập trung nhiều vào những đòn đá, võ Bình Định dùng gối, củi chỏ rất nhiều, dùng đòn sát phạt gây hại đến đối phương và vô cùng uyển chuyển tránh, né rất đa dạng cho việc tự vệ. Đó chính là sự liên hoàn, tinh tế và uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa bên trong (tinh, khí, thần) và bên ngoài (thủ, nhãn, chỉ, thân). Về võ đạo, nhân sinh quan của người học võ được định hình dựa trên triết lý động, linh hoạt, uyển chuyển song hành cùng với những chuẩn mực của xã hội. Trong đó, tinh thần thượng võ, làm trò được đặt lên hàng đầu, nhưng cũng không coi nhẹ đạo lý uống nước nhớ nguồn, yêu nước, chống giặc ngoại xâm và trọng nhân nghĩa. Xét về võ lý, cũng như mọi mặt đời sống của nhân dân Việt Nam, môn võ cổ truyền cũng vận dụng triệt để triết học âm dương, ngũ hành - bát quái làm nguyên lý cơ bản của "Song thủ ngũ hành vi bản", "Lưỡng túc bát bộ vi căn", tức là cơ sở võ lý cho luyện tập bộ tay và bộ chân của võ Bình Định. Tuy nhiên, yếu tố làm cho môn võ này nổi bật lên hẳn là nội dung phong phú và đa dạng. Ở đó, ta có thể tìm thấy bốn nội dung cơ bản là: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Quyền có thể gọi là thảo bộ, hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền, đại diện cho hai bài tập khác nhau tập trung vào tấn công và phòng thủ. Trong võ tay không lại được chia thành bốn nhóm nhỏ tập trung vào nhiều mục đích như võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu. Trong các bài quyền gắn với những loại hình võ thuật ấy, binh khí cũng được tận dụng triệt để để tăng sát thương và đồng thời thêm phần điểm tô cho phần biểu diễn và thực hiện thêm đường nét hiệu quả. Có thể kể đến một vài binh khí phổ biến như roi (hay chính là võ bằng gậy, côn), song sĩ (hai cây gỗ kẹp chặt ở cánh tay, nhô ra phần đầu, dạng giống như dùi cui), đao, kiếm, siêu (giống đao nhưng cán dài hơn), thương, xà mâu, đinh ba, lăng, khiên, song trùy, v.v.


Thấu hiểu tường tận về nguồn gốc hình thành cũng như những yếu tố cấu thành nên môn võ Bình Định nổi tiếng, giờ ta đi sâu vào tìm hiểu một trong những bài quyển nổi tiếng nhất của môn võ này - quyền Ngọc Trản. Võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo từng nhận xét: "...Hầu như tất cả những thầy võ ở Bình Định đều cho rằng bài thảo bộ Ngọc Trản là bài thảo mực thước nhất, hoàn chỉnh nhất trong hệ thống tập luyện võ nghệ vùng Bình Định. Về vai trò chuyên môn, chúng tôi đồng ý". Quả thật là đúng như vậy. Bài quyền Ngọc Trản có lối đánh công phu, toàn diện, kín đáo, chắc đòn, nhu cương hợp lý, lại có thể né tránh, phản đòn rất lợi hại. Các động tác di chuyển vô cùng linh hoạt, rắn rỏi, khi trụ ngựa và ra đòn thì vững chắc và mạnh. Bộ tay trong bài quyền này ra đòn dứt khoát, nhanh và chính xác, đôi khi vờ như thế thủ để đánh lừa đối phương rồi tung ra toàn lực. Đối phương hoàn toàn bị vây hãm theo thế đánh dạng "Hư hư thực thực". Để thực hiện đúng tư thế bài Ngọc Trản, người học võ trước hết phải đứng theo tư thế dịch cân, thủ môn hiệu theo võ Bình Định, lễ tổ, mắt nhìn ra phía trước. Sau đó, ở bộ vị, trụ ngựa theo tư thế ngựa tứ bình, hai mắt nhìn thằng về trước. Chuyển sang bộ vị lần thứ hai thì dương quyền ở hai tay trái phải ở bộ vị, xòe hai chưởng, sau đó tay phải theo dương chưởng, tay trái theo âm chưởng, áp sát vào nhau thủ sát nơi chấn thủy, bái tổ rồi nhìn thẳng. Đi sâu vào triết lý của bài Ngọc Trản, ta nhận ra nhiều giá trị nhân sinh ẩn sau cả bài quyền. Ngọc Trản là chén ngọc, chén dùng để uống trà hay uống rượu vào ngày xuân, thường đặt trên ban thờ cùng cặp đèn cầy và lư hương. Phải chăng, khởi đầu của bài quyền lấy liên hệ tới chiếc chén nhỏ như đang nói đến "uống nước nhớ nguồn", ngụ ý tổ tiên đã bỏ công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu để kiến thiết nên đất nước Việt Nam, việc đầu tiên cần làm của người học võ là phải biết tri ân những bậc tiền bối và phải biết noi gương, dấn thân mình bảo vệ Tổ quốc? Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, "Ngọc" là sự trong sáng, "Trản" là san bằng mọi chướng ngại mang tính đối phó ở giai đoạn đầu, tức hóa giải và có hài hòa ở giai đoạn cuối, thể hiện ở bộ quyền ở tay, chân và thân mình khi luyện tập. Trong đó, cần phải tính đến công sức luyện tập tinh nhuệ của thể chất, ý thức được gộp lại thành một ý niệm thống nhất. Ý niệm đó được phô ra toàn bộ như tính thuần khiết của viên ngọc. Đó cũng là một bí quyết luyện tập theo lối âm - dương của Ngọc Trản công. 


Có thể nói, qua tìm hiểu về võ cổ truyền Bình Định, ta càng thêm tự hào về đất nước Việt Nam, là một trong số không nhiều các nước châu Á có nền võ học dân truyền với hệ thống hết sức đầy đủ và khoa học từ võ đạo đến võ lý hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa dân gian đáng quý. Với sự phát triển của võ Bình Định qua nhiều môn phái, võ đường thành lập khắp nơi trên cả nước, những bài học về nhân nghĩa, sức khỏe và tinh thần thượng võ sẽ mãi được duy trì ở đất nước chúng ta. Võ thuật Bình Định còn góp phần không nhỏ trở thành cầu nối giúp cho giới trẻ hiện đại đi tìm về cội nguồn giá trị văn hóa dân tộc, mà ở đó các bậc tiền nhân đã sáng tạo và xây dựng đất nước, chống lại không biết bao nhiêu ách đô hộ từ giặc ngoại xâm. Học võ - đối với giới trẻ cũng như học một loại ngôn ngữ của ông cha để thấu hiểu bản sắc, kế thừa tinh hoa và phát triển nó lên một tầm cao mới. 


Xăm hường - trò chơi đất cố đô


 

Trong những nhân tố cấu thành nên một nền văn hóa, ngoài những loại hình nghệ thuật, những tín ngưỡng tập tục, lối sống hay những công trình kiến trúc còn sót lại qua dấu chân năm tháng thì những trò chơi dân gian đóng một phần không nhỏ trong việc định hình nên mảnh ghép đời sống tinh thần đầy thú vị và rộn rã của người xưa. Trong một lần vào Huế, tôi đã có cơ hội được tiếp cận với một mảnh ghép tương tự như thế - món đồ lưu niệm độc lạ với hình dáng của những chiếc thẻ khắc chữ. Hỏi ra thì mới biết đây chính là một trong những thú chơi cổ xưa của người dân mảnh đất cố đô, với tên gọi vô cùng lạ lẫm: xăm hường.   


Lội ngược dòng lịch sử, nhiều ý kiến cho rằng bộ trò chơi này ra đời trong nội cung triều Nguyễn như một trò tiêu khiển giải khuây cho các phi tần, hoàng tộc và các vương tôn quý tử trong triều sử dụng, sau đó những quan lại mang trò chơi này ra ngoài cung và nó đã trở nên phổ biến trong dân gian, từ thành thị đến nông thôn khu vực Thừa Thiên Huế. Xuôi theo chiều dài đất nước, đã có nhiều ghi nhận về sự xuất hiện của đồ xăm hường ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tuy nhiên số lượng lại khá ít. Những gia đình sở hữu bộ trò chơi này thường là người gốc Huế, có người thân là quan lại ở Huế, hoặc là bà con dâu rể với người dân nơi kinh thành. Phổ biến là vậy nhưng đối với cả miền Bắc và miền Nam thì bộ trò chơi này vẫn còn rất lạ lẫm. Sự phổ biến chỉ như vết dầu loang đến xứ Quảng rồi chớm tắt. Một dân chứng khác thêm phần khẳng định nguồn gốc của đồ xăm hường chính là cái tên đặc biệt của nó. "Xăm" có nghĩa là "thẻ", "hường" là cách đọc lái của từ "hồng", nghĩa là màu hồng, do âm "hồng" có trong chữ "Hồng Nhậm", là tên húy của vua Tự Đức. Vì vậy để tránh phạm húy, người dân phải đọc lái chữ đi và từ đó đồ xăm hường ra đời với nhiều kiểu chơi độc đáo, già trẻ gái trai xứ Huế ai cũng mê mệt. Với các thẻ được đánh tên như "Trạng Nguyên" (狀 元), "Bảng nhãn" (榜 眼), "Thám hoa" (探 花), "Hội nguyên" (會 元), "Tiến sĩ" (進 士), "Cử nhân" (舉 人), "Tú tài" (秀才), trò chơi khuyến khích tinh thần hiếu học, ý thức khoa bảng, đỗ đạt cao để làm quan phò vua giúp ích cho đất nước. Một bộ xăm gồm ba món chính, những chiếc thẻ xăm (63 chiếc), trong đó thẻ có giá trị cao nhất là "Trạng Nguyên" (1 thẻ - 32 điểm), 1 thẻ "Bảng nhãn" và 1 thẻ "Thám hoa" (mỗi thẻ 16 điểm), 4 thẻ "Hội nguyên" (8 điểm/thẻ), 8 thẻ "Tiến sĩ" (4 điểm/thẻ), 16 thẻ "Cử nhân" (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ "Tú tài" (1 điểm/thẻ). Đi cùng với bộ là 6 hột xúc sắc và chiếc tô bằng sứ sâu lòng để gieo xúc sắc. Ngày xưa, vì xuất phát từ nơi cung đình, quan lại thường nhọc công đi tìm cho mình chiếc tô sứ men lam từ thời Minh - Thanh bên Trung Quốc để tiếng đổ hột thanh và vang xa. Tùy theo gia cảnh của mỗi người mà các thẻ bài cũng có những nguyên liệu khác nhau. Quan lại, vua chúa triều Nguyễn chuộng loại thẻ làm từ ngà voi danh giá, trong khi đó, dân nghèo thì tự làm ra thẻ từ xương thú hoặc cật tre. 


Khi chơi, người ta gieo cả 6 con xúc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ, gọi là "hường", trong đó "Nhất Hường" (1 mặt tứ) thì lấy một thẻ 1 (1 điểm), "Nhị Hường" (2 mặt tứ), lấy một thẻ 2 hoặc hai thẻ 1 khi không còn thẻ 2, "Tứ Tự" (Tứ Tấn) khi có bốn mặt giống nhau trừ mặt hường thì lấy một thẻ 4 (nếu ngoài bốn mặt giống nhau có thểm một hoặc hai mặt hường thì lấy một thẻ 1 hoặc một thẻ 2). Khi bốc được "Tam Hường" (ba mặt tứ) thì lấy thẻ 8, nếu Tam Hường đi với 3 hột xúc sắc còn lại cùng mặt thì gọi là "Phân Song Tam Hường", lấy được một Trạng Em (Bảng Nhãn, Thám Hoa) và 1 thẻ "Tam Hường" (trị giá 24 thẻ). Để lấy được Trạng Em có rất nhiều cách, người chơi buộc phải tung ra được 6 hột theo thứ tự nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, hoặc 3 hột mặt này 3 hột mặt kia, đạt Thượng Mã (2 nhất, 2 nhị, 2 tam) hoặc Hạ Mã (2 ngũ, 2 tứ, 2 lục) hay Tứ Tự Cáp (4 mặt giống nhau, hai mặt còn lại có tổng bằng đúng với mặt tứ tự). Trạng Anh hay chính là Trạng Nguyên, là thẻ cao nhất trong toàn bộ trò chơi, sẽ xảy ra trong hai trường hợp Trạng Tứ hường (hay còn là Trạng Đỏ), với bốn mặt tứ, hai mặt còn lại tổng ra số tuổi của trạng và Trạng Ngũ tử (Trạng anh Đen) bao gồm năm mặt giống nhau với mặt xúc sắc còn lại là tuổi của trạng. Tùy theo số lượng người chơi mà mục đích cuối cùng cũng sẽ khác nhau với số điểm khác nhau, và các chiến thuật chơi từ đấy cũng đa dạng theo, từ cướp trạng, cho đến bán trạng theo tiền mặt. Trò chơi vốn được tổ chức vào dịp Tết đến xuân về hằng năm, nên nó không mang tính sát phạt, mà mang lại niềm vui, sự may mắn cho những người chơi đạt được thẻ Trạng anh và Trạng em. Hầu như không bao giờ có chuyện cãi cọ, đôi co xảy ra trong một hội chơi đồ xăm hường, vì tính minh bạch của trò này rất cao, 6 hột xúc sắc bày ra rõ ràng trước mắt người xem nên không thể nào gian lận được. Lảng vảng qua những hội chơi xăm thì ta chỉ thấy vọng lại những tiếng cười đùa vui vẻ của người trong cuộc, ai nấy đều muốn mình gom nhiều may mắn trong những ngày đầu xuân. 


Để chế tác ra một bộ xăm hường hoàn chỉnh, người nghệ nhân cần bỏ nhiều công sức của trí óc và bàn tay. Xưa kia, quan lại triều Nguyễn vẫn chơi bộ bằng ngà voi quý hiếm, hiện vẫn còn giữ được một bộ xăm cổ xưa nhất của vua Tự Đức, đựng trong chiếc hộp gỗ quý chạm trổ tinh xảo. Tuy đã bị mất 7 thẻ, song, bộ xăm hường của nhà vua vẫn mang tính chất độc đáo và sang trọng hơn hẳn những bộ xăm khác. Thứ nhất, các chữ Hán khắc trên thẻ xăm ngoài việc định danh và định giá, nó còn cho biết cách thức đoạt từng loại thẻ, được tô vẽ bởi nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi loại thẻ tùy theo cấp trạng được để vào một ngăn khác nhau trong chiếc hộp cùng với một chiếc hộc nhỏ nằm bên trái, sát đáy chiếc hộp, đựng các hột súc xắc có thể kéo ra kéo vào rất kín đáo và hài hòa. Trái ngược với dáng vẻ sang trọng từ chất liệu đến thiết kế, bộ xăm hường của người dân có phần đơn giản và bình dị hơn. Hầu như bộ xăm được làm từ xương thú hoặc bằng tre. Ông Đặng Văn Tố - người cuối cùng ở Huế làm xăm hường cho hay, để làm một bộ xăm cần đến 5 kg xương cẳng bò lấy từ các lò mổ. Những ống xương mua về sẽ được làm sạch, luộc và cưa ra từng khúc. Tiếp đó, người nghệ nhân sẽ ngâm xương với nước vôi để tẩy trắng, phơi khô và chia ra thành từng mảnh làm thẻ xăm. Ông Tố đã tự mày mò và thiết kế ra chiếc máy khắc do Pháp sáng chế, cặm cụi chạm trổ theo hình dáng ở trên giống với đầu Trạng nguyên, phía dưới như mang đôi hài từ thời xa xưa. Các hình ảnh ông Trạng, chữ Hán, chữ Nôm, sau này thêm cả chữ Quốc Ngữ để người chơi dễ dành nhận biết được khắc ở giữa bề mặt. Bên cạnh đó, việc sử dụng màu sắc tô điểm cho các ông Trạng cũng khá bắt mắt, thông thường gồm hai màu chủ đạo đỏ và xanh. Cuối cùng, các thẻ được cạo thật sạch và đánh bóng, chỉ giữ lại những nét mực ở đường khắc. Hơn 40 năm theo đuổi nghề, những mặt hàng của ông Tố hiện nay được rao bán ở nhiều nơi, từ những cửa hàng lưu niệm cho đến hàng thủ công mỹ nghệ hay chợ truyền thống, có mặt hàng lên tới 400 ngàn đồng một bộ. Dù là người duy nhất còn lại theo đuổi một giá trị văn hóa đã dần chìm vào quên lãng, ông vẫn luôn coi đó là cơ duyên và tiếp tục cống hiến, dù đôi lúc cũng canh cánh trong lòng nỗi buồn về một tinh hoa độc nhất đất cố đô đang mai một và thu nhập có phần bấp bênh, song, trò chơi vẫn có vai trò giáo dục, giúp giới trẻ có ý chí học hỏi, thi thố đồng thời nhắc nhở về những khoa thi, cấp trạng mang tính lịch sử nên ông vẫn ráng giữ gìn. 


Trải qua đến cả thế kỷ lưu truyền trong dân gian, nét đẹp văn hóa nào rồi cũng tới thời kỳ xuống dốc cần sự quan tâm và bảo tồn. Xăm hường là một trong số đó nhưng may thay, qua ông Tố, qua những cửa hàng mỹ nghệ và lưu niệm tấp nập lượt khách du lịch trong và ngoài nước, có lẽ tuy không còn được chơi nhiều nhưng bộ xăm vẫn sẽ được lưu giữ trong tâm trí người dân xứ Huế như một nét đẹp mãi không phai. Du khách từ tứ phương về tới nơi đây cũng góp phần không nhỏ cho sự trường tồn của tinh hoa ấy, bởi nếu còn người mua, còn người gìn giữ và nhớ về, không một nét đẹp nào có thể rơi vào quên lãng. Tay trao tay bộ xăm như thứ quà nơi cố đô không chỉ là trao đi một phần văn hóa Huế mà nó còn là sự bảo tồn cấp thiết cần phải có.  



EVA Air Việt Nam - phòng vé uy tín ở Hà Nội

Phòng vé EVA Air Việt Nam tại Hà Nội là địa chỉ uy tín để hành khách có thể đặt vé máy bay và nhận các dịch vụ hàng không chất lượng cao. Vớ...